Pages

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Bắt đầu xử phúc thẩm Vinalines

Ông Dương Chí Dũng cùng các đồng phạm trong phiên tòa ngày 22/4
Tòa án Hà Nội ngày 22/4 đã bắt đầu mở phiên phúc thẩm xét xử ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch HĐQT Vinalines cùng tám bị cáo khác vì tội 'Tham ô tài sản' và 'Cố ý làm trái'.
Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong ba ngày.

Tại phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 12 năm ngoái, cả hai bị cáo trên đã bị tuyên án tử hình vì tội danh này sau khi bị cáo buộc đã cũng các đồng phạm chia nhau số tiền lại quả 1,66 triệu đôla thu được từ việc
 mua ụ nổi 83M.Trong phần chất vấn sáng 22/4, hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đều cho rằng mình không phạm tội 'Tham ô' và bác bỏ việc nhận tiền từ bị cáo Trần Hải Sơn, báo trong nước đưa tin.

Bên cạnh đó, ông Dũng và ông Phúc cũng đã lần lượt nhận 28 năm tù và 22 năm tù cho tội 'Cố ý làm trái'.

Khắc phục tội danh nào?

Các bản án sơ thẩm

Ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines, án tử hình
Ông Mai Văn Phúc, nguyên tổng giám đốc Vinalines, án tử hình
Ông Trần Hải Sơn,
nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, 22 năm tù.
Ông Trần Hữu Chiều, nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, 19 năm tù
Ông Mai Văn Khang, nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin, 7 năm tù
Bà Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines, 4 năm tù
Ông Lê Văn Dương, đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, 7 năm tù
Ba cán bộ hải quan tỉnh Khánh Hòa, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng và Lê Ngọc Triện, mỗi người 8 năm tù
Trước phiên phúc thẩm, gia đình ông Dương Chí Dũng đã nộp cho Cục Thi hành án dân sự TP. Hà Nội 4,7 tỷ đồng tiền khắc phục hậu quả cho vụ án Vinalines, báo Pháp luật Việt Nam ngày 19/4 đưa tin.
Gia đình bị cáo Mai Văn Phúc cũng đã nộp được 3,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong phiên tòa sáng 22/4, ông Dũng không nói rõ khoản tiền này là để khắc phục hậu quả cho tội danh nào, theo các báo trong nước.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Hưng, cho biết bản án sơ thẩm đã yêu cầu ông Dũng phải thực hiện trách nhiệm về dân sự cho tội 'Cố ý làm trái' là 100 tỷ, còn tội 'Tham ô' với khoản bồi thường 10 tỷ thì ông Dũng chưa nhận tội.
"Chắc chắn tại phiên tòa, hội đồng xét xử sẽ làm rõ việc 4,7 tỷ này là để khắc phục cho tội danh nào," ông Hướng nói trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 22/4.
"Nhưng nếu Dương Chí Dũng vẫn không nhận tội 'Tham ô' thì khoản tiền này không thể xem là để khắc phục hậu quả cho tội danh đó được. Không có tội thì không thể nộp phạt."
"Tại phiên tòa sơ thẩm thì Dương Chí Dũng đã nhận một phần trách nhiệm trong tội 'Cố ý làm trái'. Như vậy khoản tiền 4,7 tỷ đồng có thể xem như là một tình tiết giảm nhẹ cho tội danh này."

Không xét vụ Phạm Quý Ngọ

Vụ án 'Làm lộ bí mật nhà nước' đã bị đình chỉ sau khi tướng Phạm Quý Ngọ qua đời
Trong phiên tòa xét xử ông Dương Tự Trọng cùng sáu đồng phạm tội 'Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài' hồi tháng Một, ông Dũng đã khai được cố Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ báo tin để chạy trốn hồi tháng 5 năm 2012.
Hội đồng xét xử sau đó đã tuyên bố khởi tố vụ án 'Làm lộ bí mật nhà nước', dựa trên lời khai của ông Dũng.
Tuy nhiên, theo ông Hướng, tình tiết này sẽ không được xét đến trong phiên tòa phúc thẩm.
"Hiện nay vụ án của ông Phạm Quý Ngọ đã bị đình chỉ vì ông Ngọ đã qua đời, vì vậy nó không thể được xem là tình tiết giảm nhẹ," ông nói.
"Tình tiết giảm nhẹ chỉ xuất hiện khi mà tội danh và hành vi phạm tội đã được xác định cụ thể và cơ quan tố tụng đã có bản án hoặc kết luận cụ thể."
Cũng theo luật sư Hướng, lời khai của ông Dũng về ông Ngọ là liên quan đến một tội danh khác và vì vậy không thể xem là tình tiết giảm nhẹ cho hai tội danh hiện nay.

Không có nhận xét nào: