Pages

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

'Cần lập ngay Ủy ban Tài sản Quan chức'

Họp báo của Thanh cha Chính phủ quý I/2014
Việt Nam cần cải cách thể chế, tư pháp độc lập mới chống tham nhũng hiệu quả, theo chuyên gia.
Việt Nam cần lập ngay một 'Ủy ban Kiểm soát Tài sản Quan chức' độc lập và 'cải cách thể chế' mới mong xử lý triệt để tận gốc nạn tham nhũng nhà nước, theo ý kiến của luật gia từ trong nước.
Việc giám sát này đặc biệt cần áp dụng đối với các quan chức hành pháp, là những người có quyền lực trong tay và thực thi pháp luật, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao.


"Phải có một cơ quan tương đối độc lập mà không phải nằm trong hệ thống hành pháp để giám sát việc đăng ký tài sản của các quan chức, đặc biệt đối với các quan chức hành pháp.
Trao đổi từ Hà Nội với BBC hôm 11/4/2014 về biện pháp ưu tiên giám sát tham nhũng nhà nước, nhân dịp báo chí Việt Nam vừa đăng trả lời công khai của cơ quan Thanh tra Chính phủ Việt Nam về tổng thu nhập chính thức của một số quan chức chính phủ như Thủ tướng, Tổng và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Giao nói:
"Bởi vì họ có quyền lực trong tay, họ thực thi pháp luật và họ thực hiện quản lý nhà nước ở trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, và vì thế để các cơ quan hành pháp tự mình kiểm soát thì rất khó.
"Phải có một Ủy ban về kiểm soát tài sản của các quan chức độc lập. Có thể nó là một cơ quan do Quốc hội lập ra, nó tương đối độc lập và nó hợp tác chặt chẽ với kể cả cơ quan kiểm toán cũng như các cơ quan tài chính khác,
"Và nó có quyền hạn nhất định trong việc thu thập, xử lý những thông tin, kể cả những thông tin đến từ những nguồn gốc như những khiếu nại, những tố cáo, để nó xử lý thông tin đó, thì khi đó mới có thể thực thi được tốt việc minh bạch hóa tài sản của các quan chức nhà nước."

'Làm gương triệt để'

"Phải có một Ủy ban về kiểm soát tài sản của các quan chức độc lập, có thể nó là một cơ quan do Quốc hội lập ra, nó tương đối độc lập và nó hợp tác chặt chẽ với kể cả cơ quan kiểm toán cũng như các cơ quan tài chính khác. Và nó có quyền hạn nhất định trong việc thu thập, xử lý những thông tin, kể cả những thông tin đến từ những nguồn gốc như những khiếu nại, những tố cáo"
Hôm thứ Sáu, đại diện cơ quan Thanh tra Chính phủ cho truyền thông biết một số thông tin về thu nhập chính thức các nguồn của một số quan chức chính phủ, trong đó có lương và các khoản thu từ phụ cấp khác của Chánh Thanh tra và Phó Chánh Thanh tra chính phủ lần lượt ở mức khoảng 18 triệu đồng/tháng và 15 triệu đồng/tháng.
Mức thu nhập chính thức này của Tổng thanh tra chính phủ được cho là cao hơn tổng mức lương, phụ cấp của Thủ tướng Chính phủ mà theo Văn phòng Chính phủ là khoảng 17 triệu đồng/tháng.
Gần đây, dư luận trong nước của Việt Nam đặt câu hỏi với mức thu nhập như trên, làm sao một cựu quan chức như ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, có thể có nhiều tài sản như báo chí phản ánh.
Bình luận về vấn đề này, PGS. Hoàng Ngọc Giao nói:
"Hiện nay nhân dân rõ ràng thấy là không phải chỉ ông ấy mà rất nhiều người có những tài sản rất lớn.
"Chẳng qua những người đó chưa được lên mặt báo thôi. Người ta nhìn vào, cứ làm quan thì nhà rất to, rồi biệt thự, nhà nghỉ v.v..., thì rõ ràng ở đây, không chỉ nói vấn đề ông nguyên Tổng Thanh tra mà ở đây chúng ta cần nhìn lại vấn đề cả một hệ thống.
"Chúng ta làm thế nào để có thể có một hệ thống pháp luật nghiêm, kiểm tra, giám sát nghiêm, và cũng tạo nên tính chính đáng của quan chức. Nếu như họ có những ngôi nhà rất to, nguồn tài sản của họ là chính đáng, hợp pháp, thì họ cũng ngẩng cao đầu vì chuyện đó."

'Bảo vệ nhân chứng'

PGS. TS Hoàng Ngọc Giao
Ông Hoàng Ngọc Giao lưu ý Việt Nam chưa có luật bảo vệ nhân chứng khi họ tố giác tham nhũng, phạm pháp.
Khi được hỏi về vai trò và vị trí của các tổ chức quần chúng, chuyên gia luật học nói:
"Luật pháp ở Việt Nam chưa có luật về bảo vệ nhân chứng, chưa có việc bảo vệ những người thực hiện hành vi tố cáo. Trong thực tế, tôi còn nhớ lại ở thời kỳ xảy ra vụ việc PMU18, một số người tố cáo cũng đã bị chịu những sức ép cũng như kể cả những hành hung, mà họ không được bảo vệ.
"Do đó muốn để cho xã hội lên tiếng, muốn để cho người dân phát hiện ra những vụ việc về mặt liên quan tài sản cũng như tham nhũng, một trong những điều rất quan trọng là cần phải có một luật về bảo vệ nhân chứng và giữ bí mật cho những người thực hiện quyền tố cáo những hành vi liên quan đến những tài sản bất minh."
Theo PGS Hoàng Ngọc Giao, Việt Nam cần phải có những lưu ý, thay đổi để đảm bảo cho báo chí phát huy vai trò của mình trong giám sát quyền lực nhà nước và phòng chống tham nhũng và phải sớm mở ra hành lang pháp lý để đảm bảo phối hợp tốt với vai trò này của báo trí, truyền thông.
Ông nói:
"Có những vụ việc đưa lên, lại rơi vào trong dĩ vãng chứ không thấy cơ quan nào dựa vào những thông tin đó để tiến hành xử lý các thông tin đó. Thậm chí ra những quyết định mạnh mẽ hơn, là để xác minh lại nguồn thông tin của báo chí có đưa hay không, để tiến hành theo thủ tục tư pháp, tức là tiến hành khởi tố, điều tra v.v..., thì hiện nay, việc này vẫn còn bỏ ngỏ."

'Cải cách thể chế'

"Nếu Đảng Cộng sản vạch ra được một cương lĩnh, một phương hướng phát triển như vậy và sau đó chúng ta cải cách thực sự, chúng ta là nhà nước pháp quyền và ba quyền lực đó kiểm tra, giám sát lẫn nhau thì lúc đó việc thực hiện công khai, minh bạch tài sản, cũng như việc phòng chúng tham nhũng cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều"
Trước câu hỏi liệu các quan chức lãnh đạo cao cấp hiện nay có nên 'đi đầu, làm gương' công khai, minh bạch triệt để tất cả các nguồn thu nhập và tài sản trong thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ còn trên dưới hai năm trước khi kỳ Đại hội Đảng lần thứ 12 được tổ chức, PGS Giao nói:
"Trong hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay còn rất nhiều vấn đề mà cần phải giải quyết. Có lẽ mong muốn ưu tiên theo ý kiến cá nhân tôi là Đại hội Đảng sắp tới nên bàn về vấn đề thể chế, giống như Thủ tướng nói đầu năm.
"Bây giờ phải cải cách thể chế, chứ còn bây giờ yêu cầu các nhà lãnh đạo phải minh bạch ngay, thì thứ nhất về thời gian, thứ hai về vấn đề thể chế, luật pháp cũng chưa đầy đủ, thì chưa chắc đã giải quyết công việc.
"Đó là phải cải cách thể chế, phải tư pháp độc lập, phải làm sao Đại hội Đảng đưa được đường lối tư pháp độc lập, cái đó rất quan trọng. Thứ hai, hành pháp phải chịu sự kiểm tra, giám sát thực sự của Quốc hội và Quốc hội cũng phải đủ năng lực để giám sát về hành pháp."
Theo nhà luật học, việc kiểm tra, giám sát, phòng chống sẽ thuận lợi hơn rất nhiều sau khi Việt Nam đã cải cách được thể chế, cải cách được tư pháp.
"Nếu Đảng Cộng sản vạch ra được một cương lĩnh, một phương hướng phát triển như vậy và sau đó chúng ta cải cách thực sự, là nhà nước pháp quyền và ba quyền lực đó kiểm tra, giám sát lẫn nhau thì việc thực hiện công khai, minh bạch tài sản, cũng như việc phòng chống tham nhũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều," PGS Giao nói với BBC.

Không có nhận xét nào: