Pages

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

GS Ngô Thế Chi:Vốn ODA với nguy cơ Việt Nam vỡ nợ

(Tài chính) – Nếu cứ vay bằng được mà không tính toán đến hiệu quả thì một lúc nào đó sẽ rơi vào tình trạng bị vỡ nợ…
GS.TS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính phân tích.
Mất nhiều hơn được?
PV: – Ông nghĩ sao, khi có đến hai nghi án công ty của Nhật Bản hối lộ quan chức Việt Nam liên quan đến ODA giữa 2 nước đều bắt đầu từ thông tin trên báo chí Nhật Bản?

GS Ngô Thế Chi: – Theo tôi, những nước phát triển, trong đầu tư, sử dụng vốn họ rất công khai minh bạch nên mới có chuyện người ta biết còn Việt Nam lại không biết.  
GS Ngô Thế Chi
GS Ngô Thế Chi
Tôi thì không thấy bất ngờ trước thông tin hố lộ mà họ đưa ra, nhưng cũng thấy bất ngờ vì một quốc gia mà cứ để xảy ra tình trạng như thế này. Điều này chứng tỏ công tác quản lý đang có vấn đề.
PV: – Một chuyên gia về ngành giao thông cho biết, với những dự án từ nguồn vốn ODA Nhật Bản, có đấu thầu cũng chỉ chọn trong những nhà thầu Nhật Bản. Trước đó, nhiều ý kiến cũng đã nhận định, giá công trình, dự án ODA từ nguồn Nhật Bản thường cao gấp nhiều lần từ các nước khác.
Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đút lót, bôi trơn để được trúng thầu như trường hợp trên, thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: – Tôi không bình luận chuyện hối lộ hay không, nhưng nếu để đảm bảo tính công khai minh bạch thì không nhất thiết phải là bên cho vay mới được chỉ định nhà thầu.
Tuy nhiên, quốc tế cũng có những luật riêng mà Việt Nam phải tuân thủ vấn đề là sử dụng nó như thế nào.
Điều này phụ thuộc vào hai vấn đề, một là tính công khai minh bạch, thứ hai là cái tâm của bên cho vay và người đi vay.
Phải khẳng định, nếu không có lãi họ không bao giờ cho vay chính vì vậy họ phải có cả chiến lược để tính toán cho cái lợi của họ. Ngay cả việc bỏ tiền hối lộ để thắng thầu mà thực tế đã thấy.
Nhưng, số tiền bôi trơn chỉ là một phần rất nhỏ, nguồn lợi lớn họ có chính là từ các dự án giải ngân ODA.
Vì vậy, VN phải có sự tính toán, kiểm soát làm sao hiệu quả đối với những dự án này. Để làm được việc này bắt buộc phải lựa chọn những nhà thầu đáng tin cậy.
Nếu quản lý không tốt, cái Việt Nam mất còn nhiều hơn gấp nhiều lần cái mà chúng ta được.
PV: Nếu vậy, được vay ODA cũng không hoàn toàn là niềm vui?
GS Ngô Thế Chi: – Thực tế cũng phải nhìn nhận những mâu thuẫn, nước nghèo không có tiền sẽ không làm được gì?
ODA sẽ là niềm vui lớn nhưng đó là niềm vui khi nó được sử dụng hiệu quả. Và chỉ khi nào lợi ích quốc gia được đặt lên trên, không bị chi phối bởi lợi ích nhóm lúc đó dân mới không lo phải còn lưng trả nợ.
Đi vay tiền là bị phụ thuộc!
PV: – Chính các học giả Nhật Bản cũng đã thừa nhận, ODA chính là binh pháp mới, là “sát thủ kinh tế” của Nhật Bản. Theo đó, chính những hiệp hội nghề nghiệp của Nhật Bản sẽ lựa chọn “con mồi” để cho vay.
Họ sẽ tạo ra và duy trì một “nhu cầu viện trợ giả tạo”, hướng đến “lợi nhuận cho doanh nghiệp Nhật” và “đưa ô nhiễm của Nhật ra nước ngoài”. Ông nhìn nhận về quan điểm này của các học giả Nhật Bản như thế nào? 
GS Ngô Thế Chi: – Việt Nam là nước còn hạn chế về kinh nghiệm, trình độ quản lý, tư duy lạc hậu.
Do đó, nếu không có tính toán kỹ thì kiểu gì bên đi vay cũng phải chịu thua thiệt. Bên cho vay họ luôn xác định chắc chắn việc đầu tư là tìm kiếm lợi nhuận, đặc biệt đối với những nước tư bản phát triển như Nhật thì mục tiêu về lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu.
Vì vậy, không chỉ riêng ODA mà ngay cả các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác cũng vậy, dưới những hình thức khác nhau, họ sẽ nuốt hết những lợi nhuận còn Việt Nam sẽ trở thành đối tượng bị phụ thuộc vào họ.
Do đó, Việt Nam phải tỉnh táo, không phải vì lý do nghèo mà chấp nhận bằng mọi giá.
PV: – Vậy với góc độ người đi vay chúng ta phải hiểu về ODA này như thế nào. Nó có đơn giản là “vay hôm nay ngày mai phải trả”, thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: – Theo tôi, khi đi vay là cần thiết đối với một nước như Việt Nam nhưng phải tính toán để tiền vay đó mang lại hiệu quả. Nếu cố vay bằng được mà không có khả năng trả thì sẽ phải gánh chịu hậu quả rất lớn.
Nó không chỉ đơn giản là gánh nặng nợ nần cho những giái đoạn sau này.
Mối nguy vỡ nợ…
PV: – Một vấn đề không thể không thẳng thắn nhìn nhận là chất lượng của các công trình ODA Nhật Bản. Rất nhiều công trình đã gặp sự cố, thậm chí sự cố nghiêm trọng (như vụ sập cầu Cần Thơ).
Vay vốn giá cao, nhận công nghệ thấp, phần tăng trưởng cho kinh tế từ các dự án ODA lại giành cho nước ngoài. Thưa ông, phải chăng Việt Nam không có lựa chọn nào khác nên buộc phải chọn cách phát triển thiệt đơn thiệt kép như vậy?  
GS Ngô Thế Chi: – Tôi không cho rằng vay vốn ODA là thiệt đơn thiệt kép, vấn đề ở đây là phải có sự tính toán kỹ chứ không phải vay bằng mọi giá nhưng lại không hiệu quả.
Không nên quá nôn nóng, đốt cháy giai đoạn. Phải vận động vào sức mình là chính.
Trước mắt, có thể nhìn thấy có những công trình nọ, công trình kia được xây dựng nhưng tới một lúc nào sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ. Và như vậy, sẽ là gánh nặng cho thế hệ sau còng lưng đi trả nợ.
PV: – Vậy, về phần mình, Việt Nam cần phải có chiến lược và “thế trận” thế nào để sử dụng nguồn vốn ODA một cách hiệu quả, tương thích với đối phương, thưa ông?
GS Ngô Thế Chi: – Theo tôi, trước hết phải cải tổ tư duy của bộ máy quản lý nhà nước. Nhất là những người có trách nhiệm từ đó mới có sự đổi mới, tính toán hiệu quả chứ không phải bằng mọi giá phải huy động nguồn vốn đó được.
Còn giữ tư duy nhiệm kỳ, tranh thủ huy động dự án ODA kiếm lời rồi không ai chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng đến ai thì làm sao tốt lên được.
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Vũ

Không có nhận xét nào: