Pages

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2014

Những gì cản trở tiềm lực Việt Nam?

Vũ Hoàng & Nguyễn-Xuân Nghĩa, 

000_Hkg9227512-305.jpg

Ảnh minh họa chụp một con đường ven sông Sài Gòn, hướng về trung tâm TPHCM hôm 19/11/2013.
AFP

Nghe Bài Này

Báo cáo về tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới vừa công bố hôm Thứ Hai mùng bảy tại Singapore có một số lượng định rất đáng chú ý về những trở ngại khiến kinh tế Việt Nam chưa đạt hết tiềm lực của mình. Những trở ngại ấy là gì, Vũ Hoàng nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa trong tiết mục chuyên đề hàng tuần như sau:

Những bất trắc toàn cầu

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, Ngân hàng Thế giới vừa công bố một báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế của các nước thuộc khu vực Đông Á Thái Bình Dương, trong đó có phần lượng định về những thành tựu và nhiều mặt tiêu cực của kinh tế Việt Nam. Chúng tôi xin đề nghị ông lược duyệt cho tài liệu này và nhấn mạnh đến những khuyến cáo dành cho Việt Nam. Trước tiên thưa ông nội dung tổng quát của báo cáo đó là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết là sự lạc quan của Ngân hàng Thế giới về triển vọng hồi phục của kinh tế toàn cầu, do bốn yếu tố. Đó là lực đẩy của các nền kinh tế công nghiệp hóa, với bất trắc về chính sách đã giảm, yêu cầu chấn chỉnh ngân sách bớt khắt khe và sự nhờ sự năng động mới của khu vực tư nhân. Trong bối cảnh đó, sản lượng kinh tế thế giới từ năm nay qua năm 2016 sẽ tăng từ 3 đến 3,4%, với đà tăng trưởng cao hơn của khối công nghiệp hoá từ 2,1 lên 2,4%, và của các nước đang phát triển sẽ tăng từ 5% lên 5,6%. Đó là vài con số về đại thể.
Kinh tế có ổn định hơn với lạm phát dưới 7% so với trên 9% hay 18% vào năm 2011 và tỷ giá đồng bạc so với đô la vẫn ở mức cũ chứ khỏi sa sút thêm.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Trong khối đang phát triển, thì các nước Đông Á Thái Bình Dương, mà tôi xin được gọi tắt là Thái-Á cho gọn, sẽ có mức tăng trưởng 7,1%, tức là cao nhất trong các nước thuộc loại mới nổi của toàn cầu. Trong nhóm Thái-Á đang lên, thì ta chú ý nhất tới Trung Quốc và 10 nước của Hiệp hội ASEAN.
Ngân hàng Thế giới có vẻ lạc quan về khả năng cải cách sắp tới của Trung Quốc, và dự đoán tốc độ dù có chậm hơn thì cũng ở khoảng 7,5 hay 7,6% trong vài năm tới. Riêng về khối ASEAN có 600 triệu dân thì định chế này phân biệt bốn nền kinh tế lớn là Indonesia, Philippines, Thái Lan và Malaysia với các nền kinh tế nhỏ hơn hay yếu hơn. Việt Nam thuộc loại nhỏ yếu đó và ở trong nhóm quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong, cùng Miến Điện, Lào, và Cam Bốt. Để dành thời lượng cho Việt Nam, tôi xin khỏi nhắc đến phần hai của phúc trình cập nhật này với ba đề tài khác, trong đó có một tiểu luận nức nở ngợi ca ý chí và khả năng chuyển hướng của Trung Quốc.
Vũ Hoàng: Thưa ông, riêng về Việt Nam, thì Ngân hàng Thế giới là định chế tài chính quốc tế chuyên yểm trợ các nước đang phát triển đã có những lượng định gì là đáng chú ý?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Cũng lại ngợi khen và cảnh báo. Về đại thể, năm qua kinh tế Việt Nam có cải thiện so với một hai năm trước, mà vẫn thấp hơn tiềm lực vì ba lý do là vấn đề cơ cấu trong lĩnh vực quốc doanh và ngân hàng, là lệch lạc chính sách gây trở ngại cho đầu tư của tư nhân và cho sức cạnh tranh trong nhiều khu vực then chốt. Năm qua kinh tế xứ này có tăng chút đỉnh, qua năm nay e rằng vẫn cứ như vậy, ở khoảng 5,4 tới 5,5%, nếu không xử lý các vấn đề nói trên. Ngoài ra, có lẽ cũng phải nói tới một trở ngại khác cho Việt Nam là những bất trắc toàn cầu.

000_Hkg9537856-250.jpg
Công trình xây dựng đường xe điện trên cao (sky train) tại trung tâm thành phố Hà Nội hôm 26 tháng 2 năm 2014. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam.
Vũ Hoàng: Như vậy thì Ngân hàng Thế giới cho rằng năm 2013, tình hình kinh tế Việt Nam có khá hơn 2011 và 2012, mà thưa ông khá hơn như thế nào?
Nguyễn-Xuân Nghĩa:Trước hết là kinh tế có ổn định hơn với lạm phát dưới 7% so với trên 9% hay 18% vào năm 2011 và tỷ giá đồng bạc so với đô la vẫn ở mức cũ chứ khỏi sa sút thêm. Kế đó là xuất khẩu có tăng vào thị trường công nghiệp hoá nhờ ngành thâm dụng nhân công như áo quần, giày dép, bàn ghế và mới nhất là nhờ loại sản phẩm có trình độ công nghệ và trị giá đóng góp cao hơn, như điện thoại di động, phụ tùng điện tử, và cả cơ phận xe hơi. Sức xuất cảng đó chủ yếu đến từ khu vực đầu tư nước ngoài, tức là Việt Nam làm gia công và được nước ngoài mở thị trường bán hàng qua đó. Nhờ các yếu tố tích cực này, cán cán thương mại có cải thiện và cán cân vãng lai đã từ thâm hụt nặng năm 2008 nay đạt được thặng dư. Nhưng báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng nhắc là số thặng dư ấy sẽ giảm khi nhập khẩu tăng theo đà phục hồi kinh tế.

Cảnh báo kinh tế Việt Nam

Vũ Hoàng: Bây giờ, bước qua phần cảnh báo về những trở ngại khiến kinh tế Việt Nam không thể hiện được tiềm lực của mình, thưa ông, Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo những gì trong bản báo cáo vừa qua?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nếu nhìn vào tiềm năng thực tế thì đáng lẽ Việt Nam phải đứng bên các nền kinh tế lớn của khối ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines, hay Thái Lan. Sự thật bẽ bàng là sức tăng trưởng bền vững của Việt Nam vẫn bị cản trở vì tốc độ cải cách quá chậm. Ngân hàng Thế giới nêu ra năm nhược điểm sau đây. Thứ nhất, số cầu trong thị trường nội địa vẫn yếu vì khu vực tư doanh mất niềm tin, một từ khá lịch sự của họ để nói về tình trạng chật vật của doanh nghiệp tư nhân. Thứ hai là mức nợ quá lớn của hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Thứ ba là phần vốn quá mỏng của ngân hàng. Thứ tư là sự co cụm của khu vực ngân sách nhà nước. Về mặt cung thì tình hình còn đáng ngại hơn do khả năng cạnh tranh kém của Việt Nam nếu so với các nền kinh tế có cùng kích thước và trình độ, cụ thể là các nước ASEAN nói trên.
Muốn giải trừ những yếu kém ấy để có đà tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn, Ngân hàng Thế giới cho là Việt Nam cần lại chú ý, tôi nhấn mạnh vào chữ "lại", đến một số cải cách về cơ cấu. Và phải đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực, là tái cấu trúc hay chấn chỉnh các 1) ngân hàng, 2) doanh nghiệp nhà nước, và 3) tháo gỡ những rào cản cho nguồn đầu tư của tư nhân ở trong nước.
Vũ Hoàng: Thưa ông, báo chí ở trong nước có nói đến một vấn đề được đại diện của Ngân hàng Thế giới nhắc tới là những khoản nợ xấu của hệ thống ngân hàng như sự tắc nghẽn khiến kinh tế Việt Nam không đạt tiềm năng của mình.
Phải đặt trọng tâm vào ba lĩnh vực, là tái cấu trúc hay chấn chỉnh các: ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và tháo gỡ những rào cản cho nguồn đầu tư của tư nhân ở trong nước.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi mừng là báo chí có tường thuật khuyến cáo của giới hữu trách thuộc Ngân hàng Thế giới về những khoản nợ không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Họ cũng nói về số liệu mơ hồ của núi nợ, nhiều ít thế nào thì chưa ai rõ, và còn nêu nghi vấn về khả năng giải quyết của Công ty Quản lý Tài sản VAMC được lập ra năm ngoái. Trong phúc trình, Ngân hàng Thế giới cho là cơ quan này thiếu phương tiện đắp vốn cho ngân hàng và có tiến độ chấn chỉnh quá chậm. Họ cảnh báo về các vấn đề phá sản, vỡ nợ và việc bảo vệ chủ nợ như những chướng ngại cần khai thông để tái cấu trúc khoản nợ của doanh nghiệp.
Trong phạm vi tài chính công quyền đó, ta còn thấy ra khả năng xoay trở rất hẹp của lãnh đạo kinh tế Việt Nam vì giới hạn của ngân sách. Thứ nhất, tiêu chí về bội chi ngân sách năm 2013 đã được nâng từ 4,8% lên tới 5,3% Tổng sản lượng GDP, tức là cao gấp bội so với chỉ tiêu 4,5%. Lý do bội chi ở đây là thất thu về thuế khóa do việc giảm thuế doanh nghiệp để kích thích sản xuất. Việc cải tổ tài chính công, trong đó thuế khóa phải tăng và các khoản công chi phải giảm, là một sự thúc bách khó xử. Nếu kết hợp thêm loại nợ nước ngoài thì ta mới thấy ra vấn đề về dài.
Vũ Hoàng: Thưa ông vấn đề về dài ấy là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Từ 20 năm nay, Việt Nam được quốc tế cho vay theo tinh thần viện trợ, với điều kiện ưu đãi, cụ thể là lãi suất hạ, thời gian ân hạn là chỉ trả tiền lời chưa phải trả vốn cao hơn, được vay dài hạn hơn. Nhưng khi lợi tức quốc dân đã tăng thì loại tín dụng có tính chất nâng đỡ ấy phải giảm, khiến nhà nước và cơ quan được nhà nước bảo lãnh để vay tiền bên ngoài sẽ càng ít hơn. Khi ấy, nếu cần vay thì phải phát hành trái phiếu trong thị trường tín dụng nội địa. Khác với tín dụng viện trợ, tín dụng nội địa thường đòi tiền lãi cao hơn trong hạn kỳ ngắn hơn. Tức là Việt Nam phải rà lại chính sách công trái, vì việc vay nợ của công quyền từ nay sẽ đắt hơn và khắt khe hơn.
Khi kết hợp hai chuyện là nợ xấu đã vay mà sẽ mất và các khoản vay mượn của nhà nước sẽ đắt hơn sau này, ta thấy ra một sự éo le. Trong giai đoạn quá lâu, được vay tiền quá dễ, nhà nước Việt Nam đã chẳng lo xa mà để doanh nghiệp của mình vay tiền bừa phứa và chất lên một núi nợ sẽ sụp đổ. Khi phải kiện toàn tài chính, cụ thể là lập ra công ty tung tiền chuộc nợ, thì ngân sách nhà nước lại bị giới hạn vì thâm hụt quá cao. Trong tương lai, nhà nước bị bội chi mà đi vay thì sẽ trả tiền lời nhiều hơn và nhu cầu vay mượn đó cũng khiến tư doanh khó vay hơn, phải trả lãi đắt hơn. Tức là nhà nước làm bậy mà đầu tư của tư nhân bị thiệt và kinh tế lại gặp chướng ngại.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cho đề tài hấp dẫn này, thưa ông, bản báo cáo vừa rồi của Ngân hàng Thế giới có lời khuyên gì cho Việt Nam ngay trong giai đoạn tới hay chăng?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngay năm nay, Việt Nam cần thuyết phục thị trường về quyết tâm sửa sai bằng cách đẩy mạnh việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Việc thiết thực là giải tư, tức là bán lại, những tài sản không thuộc khu vực chủ đạo then chốt của hệ thống kinh tế nhà nước, và cổ phần hoá, tức là tư nhân hóa, một số lớn các cơ sở quốc doanh. Song song, Việt Nam phải thanh toán núi nợ xấu của hệ thống ngân hàng dù rằng đấy là việc tốn kém và phức tạp.
Sau khi ca ngợi Việt Nam đã có chút ổn định vĩ mô, Ngân hàng Thế giới cho rằng những tiến bộ ấy vẫn còn bấp bênh và kinh tế xứ này còn gặp nhiều rủi ro. Rủi ro lớn nhất là giảm đà cải cách khiến kinh tế tăng trưởng chậm hơn, và gây thêm gánh nặng cho ngân sách trong trường kỳ.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này
.

Không có nhận xét nào: