Pages

Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

'Phong trào dân chủ ngày càng mạnh'


Bác sỹ Nguyễn Đan Quế

Bác sỹ Nguyễn Đan Quế, một trong những nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, nói với BBC rằng ông được đề cử cho giải Nobel Hòa bình 2014 nhưng cũng thận trọng nói rằng để được chọn để trao giải là một việc ‘rất khó khăn’.
“Đây là một vinh dự cho cá nhân tôi,” ông Quế nói với BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh và cho biết ông được tin này từ tổ chức Tập hợp vì nền Dân chủ ở thủ đô Washington của Mỹ. Đây là một tổ chức vốn do ông Quế thành lập năm 2000.
Ông Quế cho biết ông được hai dân biểu Mỹ, một thượng nghị sỹ Canada và vị chủ tịch của Tổ chức Sáng kiến Á-Mỹ, một tổ chức phi chính phủ ở Washington, đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm nay.
“Tôi nghĩ rằng việc đề cử là sự khích lệ cho những anh em cùng hoạt động với chúng tôi vận động cho nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam,” ông nói thêm.
Ông cho biết vào sáng thứ Ba ngày 22/4 có hai phái đoàn của Hội Phụ nữ Nhân quyền và Hội Tù nhân Lương tâm Việt Nam đã đến chức mừng ông.
“Nếu được giải thì theo các anh em sẽ là bước khích lệ rất lớn lao và sẽ thúc giục các phong trào hoạt động cho nhân quyền và dân chủ Việt Nam,” ông kể.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng ‘đây chỉ mới là đề cử thôi’.
“Danh sách đề cử có hàng trăm người, được chọn là một việc rất khó khăn,” ông nói.
Về hoạt động vận động dân chủ trong nước trong thời điểm hiện nay, Bác sỹ Quế nói ‘có sức sống gia tăng hơn trước rất nhiều’.
“Bằng chứng là từ đầu năm đến giờ đã có nhiều xã hội dân sự do quần chúng đứng ra thành lập mà không xin phép Nhà nước,” ông nói và lưu ý rằng phong trào dân chủ cho Việt Nam là ‘phong trào tự phát của quần chúng từ các giới khác nhau trong xã hội’.
Ông cũng thừa nhận là phong trào vận động dân chủ trong nước đến nay ‘chưa có kết quả nổi trội làm thay đổi xã hội ghê gớm’.
“Khó khăn là khó (từ chính quyền),” ông nói, “Nhưng chúng ta đã thấy được tinh thần khá quật khởi, không sợ hãi của, và đây là lần đầu tiên, một tầng lớp trẻ, trung lưu, sinh sau 1975 và có khả năng rất giỏi sử dụng Internet để phát biểu những mong muốn, tư tưởng, lập trường về tự do dân chủ.”
“Đây là động lực chính sẽ có vai trò chính yếu và tạo được những ảnh hưởng thay đổi cho xã hội Việt Nam trong những ngày tháng tới đây,” ông nói thêm.
Các giải Nobel như y khoa, kinh tế, nhận đề cử từ các tổ chức nghề nghiệp và học thuật. Nhưng giải Nobel Hòa bình nhận đề cử từ bất kỳ ai "đủ tiêu chuẩn" như nghị sĩ, hiệu trưởng đại học, giáo sư khoa học, lịch sử...

Không có nhận xét nào: