Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

TQ đang 'xác minh' vụ nổ súng ở cửa khẩu

Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao 11 người và 5 thi thể cho Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong thông cáo trên tài khoản Sina Weibo tối ngày 18/4 cho biết đang "khẩn trương xác minh" tin về vụ nổ súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, theo Tân Hoa xã.

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh được Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) dẫn lời nói tại cuộc họp chiều 18/4 rằng vụ nổ súng "chỉ là phản ứng manh động của các đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam."
Trong khi đó, giới chức tỉnh Quảng Ninh khẳng định rằng "đây không phải là một vụ tấn công khủng bố."

Vụ việc đã khiến bảy người thiệt mạng, trong đó có hai quân nhân Việt Nam và năm người Trung Quốc.
Hai cán bộ biên phòng Việt Nam bị thiệt mạng là Thiếu úy Lê Vũ Việt Khánh, Đồn Biên phòng Quảng Đức và Thiếu tá Nguyễn Minh Đãi, nhân viên phiên dịch Đồn biên phòng Cửa khẩu Móng Cái, truyền thông trong nước đưa tin.
Bốn bộ đội biên phòng và một công an huyện Hải Hà cũng bị thương trong vụ nổ súng.
Gia đình hai quân nhân bị thiệt mạng đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 100 triệu đồng, theo hãng thông tấn của nhà nước từ Hà Nội.
Ngoài năm người Trung Quốc đã thiệt mạng do "nhảy" từ tầng cao của đồn biên phòng cửa khẩu, còn có năm người khác bị thương, theo lời Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Thông, nói với BBC.
Chiều ngày 18/4, lực lượng biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã bàn giao cho công an Trung Quốc 11 người và năm thi thể, theo Thông tấn xã Việt Nam.

'Dấu hỏi với nghi phạm'

Hai cán bộ biên phòng của Việt Nam đã thiệt mạng, năm người khác bị thương
Vụ việc xảy ra vào lúc 04:20 sáng thứ Sáu 18/4, sau khi một nhóm người Trung Quốc gồm 10 nam giới, bốn phụ nữ và hai trẻ em bị phát hiện "đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh)", thông tin chính thức trên Cổng Điện tử tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Những người này đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam "bắt giữ và dẫn giải ra cửa khẩu để tiến hành làm các thủ tục trao trả lại phía Trung Quốc theo quy định và thông lệ quốc tế", vẫn theo thông tin của tỉnh Quảng Ninh.
Khoảng 12:00 giờ trưa, "trong khi đang làm thủ tục, bất ngờ một vài người đàn ông của nhóm người trên lợi dụng sơ hở của các lực lượng chức năng đã manh động cướp súng và bẻ gẫy chân bàn làm việc, xả súng tấn công, khống chế lực lượng biên phòng Việt Nam, khiến một chiến sỹ biên phòng Việt Nam hy sinh ngay tại chỗ, buộc lực lượng biên phòng Việt Nam phải thực hiện các biện pháp tự vệ chính đáng", Công thông tin tường thuật.
"Các đối tượng đã chống trả lực lượng biên phòng, đồng thời tự gây sát thương, một số nhảy lầu tự tử và tự sát"
Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh
An ninh và biên phòng của cả Việt Nam và Trung Quốc đã kêu gọi những người Trung Quốc trên giao nộp vũ khí và đầu hàng nhưng không thành công, vẫn theo các trang tin của chính quyền Việt Nam.
Cổng thông tin Điện tử Quảng Ninh còn nói những người này "kiên quyết cố thủ, đập phá trụ sở của lực lượng biên phòng, buộc lực lượng chức năng phải dùng các biện pháp nghiệp vụ để tiếp cận, khống chế và bắt giữ".
"Các đối tượng đã chống trả lực lượng biên phòng, đồng thời tự gây sát thương, một số nhảy lầu tự tử và tự sát."
Vào khoảng 15:15 chiều 18/4, ông Trần Văn Lâm, Bí thư Huyện ủy Hải Hà, nói với BBC tình hình đã được kiểm soát và phía Việt Nam đã bắt đầu tiến hành trao trả người cũng như thi thể về cho phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số ý kiến từ cộng đồng mạng tại Việt Nam cũng đặt vấn đề có bất thường gì hay không khi Việt Nam không 'tạm giữ, bắt giữ để khởi tố, điều tra' mà lập tức trao trả cùng ngày một số người có thể được coi là nghi can trong 'vụ bạo lực' và 'tấn công' xảy ra trên ngay lãnh thổ Việt Nam.
Nhất là khi vụ tấn công làm một số sỹ quan biên phòng, và nhân viên chức trách bên phía Việt Nam bị thiệt mạng, hoặc bị thương, mà trong số các nghi can được chuyển giao ngay cho Trung Quốc, như hình ảnh trên một số báo chính thức Việt Nam cho thấy, có một số phụ nữ và cả các thiếu nhi có thể là những người dân thuộc Tân Cương, một khu vực lâu nay xảy ra phản kháng giữa cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ và nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Không có nhận xét nào: