Pages

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Trung Quốc bất ổn kinh tế: trục Bắc Kinh-Hà Nội sẽ ra sao?

10 ngành công nghiệp sắp vỡ nợ!

Tết nguyên đán 2014 mới trôi qua được một tháng, những tin tức về một đợt suy thoái kinh tế ở Trung Quốc bất chợt dồn dập. Từ sâu thẳm của những tháng năm chật chợi, những nguồn tin bắt đầu lộ diện. Nhưng rõ ràng nhất là việc hãng nghiên cứu có uy tín Business Wisdom đưa ra dự báo sắp có làn sóng vỡ nợ ở 10 ngành công nghiệp Trung Quốc, bao gồm: (1) đóng tàu; (2) sắt thép; (3) đèn LED; (4) nội thất; (5) bất động sản; (6) vận tải biển; (7) tín chấp và các định chế tài chính; (8) quản lý tài chính; (9) vốn tư nhân và (10) mua theo nhóm.

Dự báo của Business Wisdom có lẽ chỉ mới xuất hiện hầu như lần đầu tiên nhưng lại mang tính chi tiết nhất, trong khi trước đó ngay cả những tổ chức xếp hạng tín nhiệm nổi bật của phương Tây như S&P, Fitch Ratings, Credit Suisse, Moody’s cũng ngần ngại khi phải xoáy tia mắt vào chốn thâm cung bí sử trong lòng Nội Hán.

Cách nào đó, dự báo của Business Wisdom lại có nét tương đồng với một dự báo khác - thuộc về một hãng nghiên cứu có tiếng của Anh quốc vào năm 2013 - phác ra 3 kịch bản về sự tồn vong của chế độ chính trị đương thời ở Trung quốc. Trong đó kịch bản về tuổi thọ lâu nhất kéo dài được 10 năm. Hai kịch bản kia thiên về tương lai đoản thọ hơn - chỉ khoảng từ 5-7 năm nữa.

“Việt Nam tận dụng gì từ cơ hội Trung Quốc suy thoái kinh tế?” - một số tờ báo “lề phải” ở Việt Nam cũng không che giấu sự phấn chấn khi thẳng thừng rút tít như vậy. Nhưng hàm ý cần ngầm hiểu còn lớn hơn thế: bất chấp tia cấm cản và soi mói truyền thống cùng tính mặc định “mười sáu chữ vàng” được phát từ trong cái chăn dán nhãn “Ban Tuyên giáo trung ương”, những tờ báo này vẫn như khá hả hê trước một viễn tượng sụp đổ của quốc gia láng giềng phương Bắc.

Quả thực, Việt Nam đã phải chịu đè nén quá lâu, quá bức bối và cả quá nhục nhã từ người bạn có tên “Bốn Tốt”.

Ngủ trưa trên đường phố ở Bắc Kinh.
Ngủ trưa trên đường phố ở Bắc Kinh.

Nợ đến 265% GDP?

Sự chao đảo của nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng phác ra một viễn cảnh không mấy xa xôi: nồng độ can thiệp của Bắc Kinh đối với Hà Nội sẽ khó mà giữ nguyên trong những lời hứa hẹn về “làm mọi cách để bảo vệ nền chuyên chính vô sản”. Ngược lại, đó là một cơ hội để biểu tả cho trường phái “Thoát Trung luận” đang ngày càng mở rộng và ăn sâu trong dân chúng Việt Nam.

Tất nhiên Trung Quốc không thể đảo ngược định đề kinh tế - chinh trị luôn song hành và quyết định lẫn nhau. Hơn cả thế, quy luật này ứng biến thiết thực với những chế độ còn cố trì nại thể chế độc đảng và luôn tìm cách che giấu sự thật về thực trạng kinh tế. Đơn giản là sự thật càng bị giấu kín càng dễ bùng nổ.

Vốn đã giấu nhẹm những con số thực về tình trạng nợ công và nợ của chính quyền địa phương, nhưng từ năm 2011 Trung Quốc đã bị giới quan sát quốc tế chiếu rọi vào quá nhiều bất cập trong hệ thống ngân hàng và tài chính. Nếu Fitch Ratings đã nêu con số nợ của chính quyền địa phương lên đến 2.250 tỷ USD thay cho con số báo cáo của Ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ vào khoảng 1.500 tỷ USD vào năm 2011, thì đến cuối năm 2013, lần đầu tiên giai tầng “thái tử đỏ” ở Bắc Kinh phải thừa nhận mức nợ này đã lên đến 3.000 tỷ USD, tức gấp đôi so với con số mà họ công bố trước đó vài năm.

Nợ công lại càng biến thành một vấn nạn không thể chối từ. Không khác mấy Việt Nam, con số báo cáo của Trung Quốc cho thấy loại nợ này chỉ chiếm khoảng 45% GDP.

Nhưng theo cách tính toán khách quan và thành thực hơn rất nhiều của các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, tỷ lệ nợ công quốc gia thực tế của Trung Quốc phải lên đến 150% GDP. Thậm chí, một phân tích của Business Wisdom còn cho rằng Bắc Kinh chịu trách nhiệm đối với khoản nợ tương đương 265% GDP, vượt hơn nhiều so với tỷ lệ nợ công quốc gia 200% GDP của Nhật Bản khi đất nước này lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bắt đầu từ năm 1997, để sau đó phải chấp nhận một “thập kỷ mất mát” không thể khác hơn.

“Đầu tư nhiều nhất trong một thời gian ngắn nhất” là những gì mà đám đông bầy đàn tài phiệt ở Trung Quốc đã biến đất nước này thành con nợ của chính nó. Từ khi Ngân hàng Lehman Brothers của Mỹ bị phá sản năm 2008, tín dụng cá nhân của Trung Quốc tăng đã từ 9.000 tỷ USD lên 23.000 tỷ USD, tương đương toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại của Hoa Kỳ chỉ trong 5 năm. Tỷ lệ tín dụng trên GDP cũng đã tăng từ 75% lên 200%, so với Hoa Kỳ chỉ 40% vào 5 năm trước khi vỡ bong bóng thế chấp, hoặc ở Nhật Bản trước khi Nikkei tan vỡ vào năm 1990. Một vấn đề đáng quan ngại là cả nợ tư nhân và cung tiền đều tăng quá nhanh ở Trung Quốc. Theo Forbes, lượng cung tiền M2 nước này tăng 13,6% trong năm ngoái, tăng tới 1.000% so với năm 1999.

Từ năm 2009, Lou Jiwei, Chủ tịch Quỹ đầu tư toàn quyền Trung Quốc đã ngụ ý: “Cả Trung Quốc và Hoa Kỳ đang xử lý các bong bóng bằng cách tạo ra thêm nhiều bong bóng”.

Quả vậy, chỉ trong vòng 12 tháng từ tháng 9/2009, tài sản các ngân hàng Trung Quốc đã tăng thêm 3.600 tỷ USD, thêm vào 140% GDP bình quân, hay 12.500 tỷ USD vào sổ sách. Để so sánh, trong cùng kỳ các ngân hàng Hoa Kỳ thêm chưa tới 700 tỷ USD, 4,4% GDP bình quân, thấp hơn 18 lần so với các ngân hàng Trung Quốc. Sự gia tăng tài sản ngân hàng của Trung Quốc trong 4 năm qua tương đương 7/8 tổng số tài sản tồn đọng của tất cả tổ chức bảo hiểm của FDIC (Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang Hoa Kỳ), tương đương 30% tổng tài sản ngân hàng khu vực đồng EUR.

Người ta có thể dễ dàng hình dung sự sụp đổ ở Trung Quốc sẽ ồn ã như thế nào một khi quả bong bóng tài chính bị vỡ. Năm 2013, tờ International Business Times lưu ý rằng ngành công nghiệp thép nặng nợ của Trung Quốc đang trên bờ vực phá sản. Vào cuối năm đó, một công ty than lớn của Trung Quốc là Tập đoàn Liansheng Resources đã phải tuyên bố phá sản với 5 tỷ USD nợ…

Hà Nội đơn độc?

Giờ đây, thế giới đang nhận ra bóng ma ngân hàng Lehman Brothers ở Mỹ vào cuối năm 2007 như đang ám ảnh thị trường tài chính Trung Quốc.

Cuộc chiến đấu “diệt cả hổ lẫn ruồi” của Tập Cận Bình vẫn đang tiếp diễn, nhưng dù thành công bằng việc lôi ra ánh sáng viên cựu bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang cùng gia tộc của ông ta với con số kinh ngạc đến 16 tỷ USD tài sản đen, Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc lại hầu như không khả vọng trong việc thực hiện cải cách nền kinh tế và đặc biệt là hệ thống tài chính của quốc gia này. Nguồn gốc cho tham nhũng và nạn chuyên quyền, độc quyền bởi thế vẫn còn y nguyên.

Tất cả những câu chuyện đau thương và trái khoáy giữa ý thức hệ và “thực tiễn cách mạng” như thế cũng là bản sao y ở Việt Nam. Tháng 5/2013, cuộc gặp của người đứng đầu nhà nước Việt Nam với Tập Cận Bình ở Trung Quốc với hình thể chào cờ quá thấp mà gây ra không ít lời đàm tiếu nguy hại về quốc thể, đã chưa mang lại kết quả đáng kể nào từ những “gói hỗ trợ” của Bắc Kinh cho Hà Nội. Thậm chí ngược lại, các thương lái Trung Hoa còn có cơ hội tung hoành hơn ở khu vực đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long khi họ tìm cách vơ vét đến cả lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim, rễ hồi, lá khoai mì, lá khoai lang và cả…đỉa.

Cũng hàng chục năm qua, lớp nông dân Việt Nam nhẹ dạ luôn lao từ nỗi bấn loạn này sang cơn điêu đứng khác khi phải chặt bỏ những cây nông nghiệp chính và lâm vào cảnh bị ngân hàng siết nợ.

Ở vào thế cùng kiệt và còn bị phản bội bởi chính một số quan chức bị xem là “ăn lương của người Hán”, những di họa của nền kinh tế Việt chỉ có thể được ngăn chặn phần nào một khi chính tự thân hệ thống ngân hàng Trung Quốc “tự diễn biến”. Khi đó, những cái vòi bạch tuộc cũng bởi thế có thể co rút trong cơn bạo bệnh đa chấn thương.

Vậy sẽ ra sao đối với Việt Nam nếu nền kinh tế Trung Quốc thực sự sa chân vào cung đường suy thoái trong những năm tới? Với tư cách một đất nước duy trì sự lệ thuộc đến 80% vào các nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, chắc chắn nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị “hẫng hụt” bởi tình trạng sụt giảm lợi nhuận qua con đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Nhưng đối với giới chính khách mang quan điểm “thân Tàu”, có lẽ sự thất vọng còn vĩ đại hơn. Không chỉ khó có hy vọng nhận được những gói hỗ trợ về kinh tế, có thể họ còn phải tức tối nhận ra thái độ nhăng cuội của Trung Nam Hải về những gói “kích cầu chính trị” - nhân tố đặc biệt cần kíp trong trường hợp lớp chính khách Việt “lâm nạn”.

Nhưng xét cho cùng, trong cái rủi có cái may. Sự thất thiệt của giới chính trị gia hưởng lợi ích từ Trung Hoa đại lục lại mang đến chút hy vọng “thoát Trung” cho đại đa số tầng lớp dân chúng còn lòng liêm sỉ và tinh thần bám đất bám làng ở Việt Nam.


Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
 
(VOA) 

Không có nhận xét nào: