Pages

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Ukraina và Tây phương trúng kế của Nga ?

Các nhóm thân Nga tuyên truyền ly khai và chiếm giữ các cơ quan
 công quyền - REUTERS /Gleb Garanich
Tú Anh
Ukraina bên bờ nội chiến. Kiev phản công chống phe thân Nga. Căng thẳng leo thang tại miền đông Ukraina. Báo động tại biên giới phía đông (của châu Âu). Ukraina chấp nhận trả giá cải cách kinh tế theo Tây Âu. Đó là tựa chính các báo Pháp hôm nay, trong khi Le Monde dành hai bài phóng sự về nông nghiệp Việt Nam và cuộc tranh đấu của công nhân dệt may Cam Bốt có khả năng bùng dậy sau ba ngày nghỉ tết Khmer.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro cho biết, diễn biến quan trọng nhất là đứng trước sự kiện phe theo Nga chiếm đóng công sở và cơ quan an ninh tại nhiều thành phố ở miền đông Ukraina, chính quyền Kiev đã phản công và gây thương vong cho cả đôi bên. Mỹ và châu Âu đồng loạt lên án Nga thi hành chiến dịch gây bạo loạn để thừa cơ kiểm soát miền đông Ukraina.
Trong bài xã luận “Báo động ở phía đông”, Le Figaro nhận định : từ nhiều ngày qua, Liên minh NATO đã báo động: hơn 40 000 quân Nga tập trung ở biên giới Ukraina chờ thi hành bước kế tiếp trong kế hoạch của Matxcơva. Bước kế tiếp là đây : âm mưu khuynh đảo miền đông Ukraina đang tiến hành. Thật là ngây thơ nếu cho rằng dân nói tiếng Nga mê Putin. Tình hình miền đông Ukraina phức tạp hơn ở Crimée.
Putin thấy rõ là chiến thắng ở Crimée trở thành vô nghĩa vì ông ta mất hết ở Ukraina. Do vậy, để tránh thảm bại chiến lược, Putin bằng mọi cách phải ngăn chận Ukraina có một tổng thống và chính phủ hợp pháp và thân tây phương sau cuộc bầu cử vào tháng 5 tới. Để thực hiện mưu đồ này, Putin tiến hành một chiến thuật phá hoại phối hợp biện pháp bắt chẹt kinh tế, tăng giá khí đốt, áp lực ngoại giao, đề nghị quy chế liên bang, và thứ ba là giựt dây các tay tuyên truyền kích động ly khai đánh chiếm cơ quan công quyền.
Sau khi cảnh cáo chính quyền Kiev không được can thiệp, phải chăng Nga sẽ đưa quân sang Ukraina ? Theo Le Figaro, Tây phương cũng không có ngây thơ dại dột, nhưng vấn đề là họ đánh giá thấp tham vọng bá quyền của chủ nhân điện Kremlin. Vũ khí chuyên dùng của Tây phương là trừng phạt ngoại giao và kinh tế. Tây phương cũng có thể gia tăng cấm vận một nước mà kinh tế chẳng có gì đặc sắc ngoài xuất khẩu dầu khí. Thế nhưng, nếu Putin không lùi bước thì sao? Biện pháp duy nhất có thể làm được và làm Putin phải đắn đo là NATO viện trợ quân sự cho Ukraina và tăng cường phòng thủ”.
Quan điểm trên đây của Le Figaro được nhật báo Công giáo La Croix chia sẻ. Nhà bình luận Dominique Quinio, trong bài “căng thẳng leo thang” cho rằng không một ai muốn chiến tranh, từ người dân Ukraina cho đến Tây phương và có lẽ kể cả Putin. 
Nước Nga cảm thấy mạnh hơn Tây phương về quân sự nhưng các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính và cô lập ngoại giao đã gây thiệt hại nặng cho Nga. Trước thềm hội nghị bốn bên (Mỹ , Nga, Liên Hiệp Châu Âu, Ukraina) tại Genève vào ngày thứ năm tuần này, Matxcơva đưa ra những đòi hỏi khó thực hiện để gây sức ép.
Trước các áp lực gây tổn thương cho Ukraina, một quốc gia nghèo, không có khí đốt, Tây phương phải làm gì? La Croix kêu gọi đồng minh của Ukraina phải kiên quyết không nhượng bộ trên bàn đám phán với Nga, phải tìm ra giải pháp dung hòa giữa ý đồ “liên bang” của Nga và “tản quyền” theo Kiev để xây dựng một thể thức mới trong quan hệ láng giềng. Tác giả bài xã lụận nhắc nhở : Ukraina đặt niềm tin vào Liên Hiệp Châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu không được quyền làm Ukraina thất vọng.
Bài phóng sự của La Croix ở trang kinh tế xác nhận quyết tâm của Ukraina sang trang sử mới sau 70 năm bị Liên Xô thống trị và 20 năm hậu cộng sản nhưng rơi vào tay những chính trị gia tham nhũng bất tài.
Ukraina đặt cược tái định hướng kinh tế vào Tây Âu. Mặc dù đã nhiều lần nổi dậy chống Tổng thống thân Nga Ianoukovitch, kinh tế Ukraina vẫn còn lệ thuộc vào thị trường Nga. Tân thủ tướng lâm thời Arseni Iatseniuok, một nhân vật trẻ tuổi xuất thân từ đối lập tuyên bố tiến hành “trị liệu sốc” mà biện pháp đầu tiên là giảm 10% công chức, tăng giá dầu khí 50%, và bán ra 90% xe du lịch sử dụng tại các bộ, tăng thuế rượu và thuốc lá…
Tuy nhiên, biện pháp cốt lõi là bài trừ tham nhũng vì theo Thủ tướng, nước Ukraina có tiền nhưng nhà nước lại không thu được thuế vì nhiều nguồn đầu tư biến mất. Điểm thứ hai là phải “ổn định” mới thu hút được đầu tư nước ngoài. Vấn đề đặt ra theo La Croix là tình hình hiện nay có cho phép hay không?
Còn theo Les Echos, tình hình Ukraina khá bi quan: quốc gia vừa đứng bên bờ nội chiến vừa phải đối phó với chiến tranh khí đốt do Nga áp đặt. Trong hoàn cảnh này, lối thoát của Kiev là mua nhiên liệu từ Tây Âu.
Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng này, trong số hàng loạt bài phóng sự, phân tích do dàn phóng viên của báo chí Pháp gửi về, quan điểm từ giới chuyên gia Mỹ chắc hẵn sẽ làm Ukraina thất vọng về Tổng thống Barack Obama. Ngược lại, do một yếu tố dễ hiểu, Kiev nhận được ủng hộ bất ngờ từ nhà độc tài Belarus Alexender Loukachenko.
Trong bài “Obama báo động la làng nhưng không có giải pháp và nhãn quan chiến lược”, thông tín viên của Le Figaro Laure Mandeville nhận định trong khi Putin tiến hành kế hoạch thì Hoa Kỳ chỉ biết kêu gào và kêu gọi xuống thang.
Các nhà phân tích Mỹ như Michael Weiss gọi “Putin là tên đốt nhà nhưng đóng vai thanh tra chửa lửa, phương pháp của ông ta rất dễ đoán”. Tuy nhiên, tại sao cái nhìn thực tế này không giúp Hoa Kỳ trả đũa? Chuyên gia Mark Galeotti giải thích: Washington không được chuẩn bị để đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược ngụy trang. Một khi mà chiến xa của Nga chưa tràn qua biên giới thì Mỹ chỉ biết kêu gọi “đừng đánh” và phản ứng kiểu này thông thuyết phục được Matxcơva.
Nếu thật sự muốn chận Nga thì Châu Âu và Hoa Kỳ phải ấn định một làn ranh đỏ với Nga. Chẳng hạn NATO tuyên bố sẽ gửi “toán cố vấn sang Ukraina huấn luyện quân đội quốc gia. Như vậy sẽ tạo ra một cán cân lực lượng mới trên diện địa như Putin đang làm”. Vấn đề là theo Mark Galeotti và Ian Bremer của trung tâm nghiên cứu chiến lược Eurasia Group thì “Obama không xem Ukraina là quyền lợi cốt lõi”. Washington chỉ viện trợ kinh tế cho Kiev và tăng cường phòng thủ cho NATO mà thôi.
Trong khi đó, Kiev bất ngờ được Belarus ủng hộ. Tổng thống Alexender Loukachenko, nhân vật bị Tổng thống George Bush gọi là nhà độc tài cuối cùng tại châu Âu, tuyên bố ông ủng hộ một nước Ukraina thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, cương quyết chống lại giải pháp biến Ukraina thành liên bang vì sẽ làm Ukrain tan rã. 
Trồng rau ở Việt Nam
Mỗi dân tộc có một cuộc tranh đấu phải chiến thắng. Đó là ý nghĩa của hai bài phóng sự trên nhật báo độc lập Le Monde : Tại Việt Nam, cuộc chiến của các nhà trồng rau để sản xuất rau đậu sạch. Còn ở xứ chùa Tháp láng giềng : cuộc tranh đấu lâu dài của công nhân dệt may.  
Bên dưới bức ảnh một mảnh đất trồng rau gần Hà Nội, đặc phái viên Gilles Van Kote của Le Monde thuật lại những ưu tư của một nhà trồng rau tại Việt Nam muốn cung cấp sản phẩm không độc hại cho thị trường sau hàng loạt vụ tai tiếng mà báo chí hàng tuần vẫn loan tải.
Phóng sự thực hiện tại một hợp tác xã được nhãn hiệu bảo đảm an toàn VietGAP hoạt động từ năm 2008. Thành viên của hợp tác xã này phải tuân thủ một loạt điều kiện nghiêm ngặt: “chỉ được dùng phân bón và thuốc trừ sâu có giấy cho phép, phải tôn trọng thời gian 15 ngày từ sau đợt xịt thuốc cuối cùng trước khi đem bán”.
Thật ra, với cách trồng này, rau quả Việt nam chưa đạt tiêu chuẩn “ sinh thái” nhưng trước nhu cầu của một tầng lớp trung lưu đang lên và nghi ngờ rau quả bán trên thị trường thiếu vệ sinh, giới nuôi trồng tại Việt nam bắt đầu áp dụng một số biện pháp vệ sinh tối thiểu : nước, không khí và đất. Tuy tối thiểu, nhưng giá rau quả có nhãn hiệu VietGAP cũng đắt hơn 20% rau quả cùng loại vì để được nhãn hiệu này chủ nhân nông trại phải đóng 18 triệu đồng cho mỗi hécta canh tác.
Câu hỏi đặt ra là hàng mang nhãn VietGap có thật sự an toàn hay không? Phóng viên Le Monde được một chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu rau quả nhìn nhận là “không” vì thủ tục kiểm soát rất sơ sài do tốn kém và chậm chạp : khi kết quả rơi xuống thì hàng đã được tiêu thụ rồi. Thiếu kiểm soát vệ sinh và mặt nạ sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu quá liều lượng là hai căn bệnh của nông nghiệp Việt Nam.
Chuyên gia Pháp Philiipes Girard, giám đốc khu vực của Trung tâm hợp tác quốc tế nhiên cứu nông nghiệp vì phát triển CIRAD lấy làm tiếc là trong khi ý thức về vệ sinh thực phẩm mỗi ngày mỗi cao tại Việt Nam thì trên thị trường thế giới Việt Nam đứng trong nhóm sản xuất hàng giá rẻ và kém chất lượng”.
Việt Nam giành được vị trí xuất khẩu tôm cá đứng hàng thứ ba thế giới nhưng vì sử dụng quá nhiều kháng sinh bị cấm nên hàng Việt Nam cũng chiếm chức vô địch trên danh sách bị trả về.
Công nhân dệt may lại biểu tình sau Tết ? 
Bên cạnh Việt nam, công nhân dệt may Cam Bốt đang lao vào một cuộc vạn lý trường chinh đòi quyền sinh tồn. Giới công đoàn độc lập kêu gọi nhân công không trở lại làm việc sau ba ngày lễ mừng năm mới của xứ Chùa Tháp kết thúc vào ngày 16/04 để gây áp lực đòi tăng lương.
Theo chứng kiến của đặc phái viên báo Le Monde Florence Beaugé, để sống còn với đồng lương 80 đôla mỗi tháng, công nhân dệt may, đại đa số là phụ nữ, chia nhau từ 10 cho đến 15 người một căn phòng 10 mét vuông với giá thuê 35 đôla.
Sau đợt biểu tình bị đàn áp hồi tháng Giêng, Cam Bốt như “con nước lặng yên” trên bề mặt. Công nhân đã hết sợ và công đoàn kêu gọi nhân công đừng trở về làm việc ngày 17/04. Thế mà ngành dệt là nội lực kinh tế Cam Bốt : tạo ra 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Bị Tổ chức lao động Liên Hiệp Quốc để ý, Cam Bốt mang hình ảnh tốt vào đầu thập niên 2000 nhưng từ ba , bốn năm trở lại đây, tình trạng lao động đã xuống cấp.
Lợi dụng nhân công rẻ, Trung Quốc đã dời về Cam Bốt hàng loạt cơ xưởng gia công. Nhu cầu châu Âu và Mỹ gia tăng, đơn đặt hàng dồn dập càng làm cho tình hình xấu đi : giờ làm việc phụ trội tăng lên từ hai đến bốn tiếng mỗi ngày. Tệ hơn nữa là nhịp độ cũng tăng theo. Sachina, một nữ nhân công than thở : tôi không thể nào may 120 cái quần trong vòng hai tiếng.
Công đoàn tranh đấu tăng lương gấp đôi lên 160 đôla. Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy ủng hộ. Một cố vấn của Thủ tướng Hun Sen nói đối lập mị dân. Chủ xí nghiệp than phiền cảnh trên đe dưới búa: các nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc dọa dời đi nơi khác trong khi các doanh nghiệp Tây phương đặt hàng thì khuyên nên tăng lương để thỏa mãn công nhân nhưng khi thương lượng giá cả thì họ đòi giá thấp.
Một nữ công nhân tên Bopha không tin có thể tăng lương 100% nhưng cô muốn Cam Bốt của cô đổi mới, đầu tiên là hết tham nhũng cho nên cô sẵn sàng tranh đấu.
Lãnh đạo công đoàn độc lập Chea Money cho rằng chỉ cần chấm dứt tham nhũng thì dư điều kiện tăng lương công nhân lên 200 đôla mỗi tháng.
Tuy nhiên, đối với nhà kinh tế Ou Rirak, chủ tịch Trung tâm nhân quyền Cam Bốt thì không thể tăng một lúc từ 80 lên tới 160 đôla. Như thế sẽ làm mất 20% việc làm. Biện pháp lý tưởng nhất theo ông, là tăng 10 đôla mỗi sáu tháng để các nhà đầu tư có thời gian thích nghi và đàm phán.
Theo đại diện của Tổ chức Lao động Liên Hiệp Quốc, Jason Judd thì do lạm phát, giá trị đồng lương của nhân công đã bị hạ xuống từ 10 năm nay mặc dù lương có tăng thêm.
Chuyên gia chính trị Kem Ley nhận định cuộc khủng hoảng xã hội chính trị tại Cam Bốt không thể nào kết thúc vì “bệnh ung thư đã di căn”

Không có nhận xét nào: