Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Cấm bán rượu, bia sau 22 giờ - ý bạn thế nào?

10% số người chết liên quan đến bia rượu

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Vụ Pháp chế, Bộ Y tế xây dựng có quy định bán rượu bia có thể bị cấm từ  22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau và trong thời gian nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc. Cấm uống rượu đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người có bệnh lý,...

Theo giải thích của TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế trên báo Pháp Luật TP.HCM khi xây dựng dự thảo luật, đã thu thập các văn bản luật của nước ngoài để tham khảo, thu thập bằng chứng khoa học trong và ngoài nước để làm căn cứ xây dựng. Đa số các nước trên thế giới đều có quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Thái Lan và Singapore chỉ cho phép bán rượu từ 17 giờ đến 22 giờ. Lý do là sau thời điểm này uống rượu, bia rất có hại cho sức khỏe, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng người xung quanh..

Trong khi đó, các chủ nhà hàng lại cho biết giấy phép kinh doanh do Sở KH&ĐT cấp được phép kinh doanh đến 23 giờ. Nếu đến gần 22 giờ nhiều khách hàng gọi thêm bia rượu, chẳng lẽ không bán? Quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi cũng rất khó thực hiện. Không lẽ mỗi lần khách trẻ tuổi vào quán phải kiểm tra chứng minh nhân dân?

Ông Huy Quang cho rằng đúng là các cơ sở kinh doanh được phép hoạt động đến 24 giờ. Tuy nhiên, khi kinh doanh những mặt hàng có điều kiện thì phải tuân thủ quy định đặc thù. Rượu bia là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Trong giờ cấm, các hàng quán chỉ không được bán rượu bia thôi, còn các mặt hàng khác vẫn được phép kinh doanh theo đăng ký.

Cũng theo ông Quang, lực lượng thanh tra như: quản lý thị trường, thanh tra y tế, thanh tra ngành kế hoạch đầu tư hoặc có thể là chủ tịch UBND các cấp sẽ chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở kinh doanh rượu, bia. Khi phát hiện vi phạm thì xử phạt nghiêm, thậm chí rút cả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Nếu làm thật nghiêm thì nhận thức của mọi người sẽ thay đổi. Luật có khả thi, có thực tế hay không còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức chấp hành, hiểu và chấp hành đúng quy định của pháp luật của mỗi người. Các nước trên thế giới cũng thường tuyên truyền, kêu gọi uống rượu bia phải có trách nhiệm và mỗi người cần tự điều chỉnh hành vi của mình.

Trên thực tế, việc uống rượu bia tràn lan và không kiểm soát ở nước ta trong những năm gần đây đã gây rất nhiều hệ lụy. Thống kê cho thấy trong hai năm 2012-2013, trung bình mỗi năm người Việt uống khoảng 3 tỉ lít bia (tiêu tốn khoảng 4,56 tỷ USD). Với mức tiêu thụ này, Việt Nam đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á, thứ 3 châu Á và nằm trong danh sách 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới. Đó là chưa kể đến lượng rượu tự sản xuất thủ công cũng được tiêu thụ không nhỏ. Quốc nạn giao thông mỗi năm cướp đi mười mấy ngàn sinh mạng cũng có nguyên nhân rất lớn từ việc uống rượu bia...

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia ra đời với mong muốn giảm thiểu tác hại của rượu bia đến người dùng nhưng rõ ràng đang gặp phải nhiều tranh luận về tính khả thi khi áp dụng.

Vậy theo bạn, có nên siết việc mua bán, sử dụng rượu bia hay không? Quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ có cần thiết và có hiệu quả hạn chế việc uống rượu bia hay không? Nếu phải siết việc kinh doanh rượu bia thì nên quy định như thế nào để có thể thực thi trên thực tế?...

 
Chúng tôi chờ nghe quan điểm cũng như những kiến giải của các bạn về câu chuyện quản lý bia rượu này (vui lòng gửi ngay ở phần "Ý kiến bạn đọc" của bài viết này), bởi có lẽ không ai trong chúng ta không phải là "người trong cuộc".


Dự thảo của Bộ Y tế quy định người mua dưới 18 tuổi là phụ nữ mà người bán nhận biết rõ ràng đang có thai, người đã uống quá đơn vị rượu, bia được phép uống thì người bán không được bán rượu, bia để người mua uống tại chỗ.

Dự thảo cũng quy định không được bán rượu ở cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nơi làm việc, địa điểm cấm bán rượu, bia. Không bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ đến 6 giờ, không bán bằng máy bán hàng tự động, qua mạng Internet.

Ngoài ra, người bán chỉ được bán rượu, bia cho một người uống tại chỗ với hàm lượng tối đa không quá một đơn vị rượu/giờ, ba đơn vị rượu/ngày đối với nam và 1/2 đơn vị rượu/giờ, hai đơn vị rượu/ngày đối với nữ.

Đơn vị rượu là đơn vị đo lường dùng để quy đổi lượng rượu, bia, đồ uống có cồn với nồng độ khác nhau, tương đương với 10 g etanol nguyên chất chứa trong dung dịch uống (khoảng 2/3 chia bia 550 ml hoặc một lon bia 330ml 5%, một cốc bia hơi 330 ml, một ly nhỏ 100 ml rượu vang 13,5%, một chén rượu mạnh 40%-43%).

 
( Pháp Luật )

Không có nhận xét nào: