Pages

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

Cam kết của chính phủ Việt Nam và cơ hội của các tổ chức phi chính phủ (NGO) sau UPR 2014

Ngày 20 tháng 6 năm 2014, trong phiên kiểm định nhân quyền (UPR) lần thứ 2 tại Geneva, chính phủ Việt Nam chính thức chấp nhận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị của các nước trên thế giới. Ngoài các khuyến nghị “truyền thống” như “tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền” hay “tiếp tục các nỗ lực để cải thiện tiếp cận với giáo dục, nhà ở và y tế”, chính phủ Việt Nam đã đồng ý thực hiện một số khuyến nghị có tính “gai góc” hơn về quyền dân sự và chính trị. Bước tiến này đã tạo cơ hội cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người hợp tác và giám sát chính phủ Việt Nam trong việc thực thi các cam kết này. 

Ảnh: Đoàn Việt Nam tại Hội đồng nhân quyền LHQ (Nguồn: Internet)
Lần đầu tiên Việt Nam chấp nhận một khuyến nghị liên quan đến việc “thông qua một luật chống lại phân biệt đối xử đảm bảo bình đẳng cho tất cả công dân, bất kể xu hướng tính dục và bản dạng giới” [kiến nghị 143.88 của Chile]. Ngoài ra, có một số kiến nghị khác liên quan đến việc xóa bỏ kỳ thị và phân biệt xử với người dân tộc thiểu số/bản địa như kiến nghị 143.17 của Gabon và 143.211 của Côngo yêu cầu Việt Nam “tiến hành những biện pháp cần thiết để chống các định kiến và phân biệt đối xử [với người dân tộc thiểu số/bản địa] hiệu quả hơn”, hay các kiến nghị 143.84 của Slovenia, 143.86 của Serbia, 143.87 của Hà Lan, 143.206 của Libya và 143.207 của Argentina đề nghị Việt Nam có biện pháp cần thiết để chống phân biệt đối xử với phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, và các nhóm yếu thế khác. Như vậy, để thực hiện các cam kết này, Việt Nam cần xây dựng một bộ luật chống lại tất cả các hình thức phân biệt đối xử. Các tổ chức và cá nhân hoạt động vì quyền của người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới, người khuyết tật, người có HIV, phụ nữ, trẻ em, tôn giáo nên hợp tác để hỗ trợ chính phủ thực thi cam kết này.

Bên cạnh cam kết ra một luật phòng chống tất cả các hình thức phân biệt đối xử, chính phủ Việt Nam cam kết “thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia theo hướng dẫn của các nguyên tắc Paris” [khuyến nghị 143.36 của Indonesia]. Tuy chính phủ Việt Nam từ chối tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc Paris, nhưng đồng ý thực hiện các khuyến nghị 143.35 của Nepal, 143.37 của Thái Lan, 143.38 của Morocco, và 143.39 của Niger về việc thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia độc lập. Đây là một trong những nội dung quan trọng để bảo vệ nhân quyền mà các tổ chức phi chính phủ cần vận động.

Nhưng cam kết quan trọng nhất của Việt Nam trong lần kiểm định này liên quan đến đảm bảo quyền tự do biểu đạt của công dân. Quyền tự do biểu đạt được cam kết dưới nhiều hình thức khác nhau.

Thứ nhất, chính phủ Việt Nam đồng ý “dành không gian cho truyền thông phi nhà nước, và làm cho các điều 79, 88 và 258 của Luật hình sự cụ thể hơn và nhất quán với các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế về tự do biểu đạt” [khuyến nghị 143.156 của Úc]. Đây cũng là khuyến nghị 143.157 của Canada, 143. 150 của Phần Lan và 143. 166 của Thụy Điển mà chính phủ Việt Nam cũng chấp nhận. Điều 79, 88 và 258 của Luật hình sự đã là cơ sở để buộc tội và bỏ tù một số blogger và các nhà đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Việc chính phủ đồng ý xem xét lại các điều này để nó nhất quán với nghĩa vụ của Việt Nam về các quyền Dân sự và Chính trị là một bước tiến lớn.

Thứ hai, chính phủ Việt Nam chấp nhận một loạt kiến nghị liên quan đến tự do biểu đạt, đặc biệt trên báo chí và internet. Các khuyến nghị 143.144 của Ý, 143.146 của Nhật Bản, 143.148 của Hà Lan, 143.149 của Luxembourg, 143.153 của New Zealand, 143.154 của Ai Len, 143.155 của Phần Lan, 143.158 của Brazil, 143.159 của Estonia, 143.161 của Áo, và 143.164 của Hungary đều xoay quanh nội dung này. Các khuyến nghị này nhấn mạnh đến tự do báo chí và tính cấp thiết sửa đổi các nghị định 72 và nghị định 174 về quản lý internet. Như vậy, các tổ chức phi chính phủ nên tham gia góp ý cho Luật báo chí sửa đổi đã được Ban thường vụ quốc hội cho vào kế hoạch trong năm 2015-2016 để đảm bảo Luật thực sự bảo vệ quyền tự do biểu đạt của người dân trên truyền thông và internet.

Thứ ba, chính phủ Việt Nam chấp nhận các khuyến nghị liên quan đến quyền tự do lập hội, tự do hội họp và tự do biểu tình. Các khuyến nghị 143.145 của Lithuania, 143.147 của Bỉ, 143.165 của Ba Lan, và 143.172 của Pháp nhấn mạnh các quyền quan trọng này. Việc chấp nhận các khuyến nghị này cũng nằm trong chương trình làm luật của Quốc hội Việt Nam khi các Luật về hội, Luật tiếp cận thông tin, và Luật biểu tình đã được đưa vào chương trình chính thức của Quốc hội trong các năm 2014-2016. Như vậy, các tổ chức xã hội dân sự cần đặc biệt quan tâm đến ba luật này, để luật bảo vệ quyền của người dân hơn là hạn chế quyền của người dân.

Riêng với các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động nhân quyền chính phủ Việt Nam đã chấp nhận một số khuyến nghị liên quan trực tiếp đến việc thành lập và hoạt động của họ. Đầu tiên là khuyến nghị 143.162 của Na Uy kêu gọi chính phủ Việt Nam công nhận tính chính danh của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy nhân quyền và biểu đạt quan điểm một cách công khai. Nội dung này cũng là khuyến nghị 143.167 của Tunisia, 143.169 của Tây Ban Nha, 143.173 của Ireland, và 143.174 của Cộng hòa Séc. Các khuyến nghị này liên quan trực tiếp đến Luật về hội và các nghị định liên quan. Các tổ chức xã hội dân sự cần làm việc chặt chẽ với Bộ nội vụ và Quốc hội trong việc soạn thảo và thông qua luật này.

Như vậy, cho dù chính phủ Việt Nam đã từ chối 45 khuyến nghị, chủ yêu liên quan đến việc thả các tù nhân chính trị [khuyến nghị 143.118 của Hoa Kỳ], loại bỏ ngay lập tức các điều 79, 88 và 258 của Luật hình sự [khuyến nghị 143.151 của Đan Mạch và 143.152 của Pháp], từng bước thực hiện dân chủ đa đảng [khuyến nghị 143.177 của Cộng Hòa Séc], xóa bỏ toàn bộ án tử hình [từ khuyến nghị 143.96 đến khuyến nghị 143.113 của một số quốc gia], việc chấp nhận các khuyến nghị nêu trên là bước tiến lớn trong cam kết bảo vệ quyền con người của chính phủ Việt Nam. Điều quan trọng là các tổ chức xã hội dân sự, cá nhân hoạt động vì quyền, và các tổ chức quốc tế hợp tác, hỗ trợ và giám sát việc chính phủ thực hiện đầy đủ các cam kết này.

Trung Lập

Không có nhận xét nào: