Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Luật sư Lê Công Định - Nguồn gốc và vai trò của luật pháp

Kết quả hình ảnh cho lê công định
Lê Công Định

Người La-Mã (Roma) cổ đại đã đưa ra quan niệm về nguồn gốc của luật pháp trong một tục dao Latin danh tiếng còn lưu truyền: “ubi societas, ibi jus” (tức là “ở đâu có xã hội, ở đấy có luật pháp”). Theo quan niệm này, bất cứ lúc nào và ở đâu con người sống tập quần, luật pháp sẽ hiện hữu để chi phối các mối tương quan giữa họ với nhau và với cộng đồng. Cộng đồng ấy có thể là nhóm, tộc, họ, làng, đô thị, v.v… hoặc quốc gia, tức một xã hội nói chung. Xã hội loài người luôn có tổ chức, dù sơ khai như thời tiền sử hay văn minh như thời cận và hiện đại, dù có hay không một nhà nước theo khái niệm thông thường mà chúng ta biết.

Luật pháp gồm những quy tắc có thể bất thành văn dưới dạng tục lệ, tập quán hay lẽ công bằng, hoặc có thể thành văn dưới dạng chỉ dụ của vua, phán quyết của tòa án hay đạo luật của quốc hội. Dù dưới hình thức nào, luật pháp do con người đặt ra, gọi là luật thực tại (droit positif), phải có nền tảng xuất phát từ và thuận theo lẽ trời đất, tức luật tự nhiên (droit naturel). Luật tự nhiên là các quy luật đương nhiên chi phối cuộc sống cá nhân và đời sống xã hội, mà từ khi hiện hữu con người đã phải chấp nhận và tuân hành. Chẳng hạn, chế độ thai sản chỉ dành cho phụ nữ, nghĩa vụ quân dịch chỉ áp dụng cho đàn ông, quyền con người mang tính phổ quát đối với mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, văn hóa, tuổi tác, v.v… .

Quan niệm của người La-Mã được chấp nhận rộng rãi ngày nay trên thế giới, nhất là tại các nước phương Tây và những nước chịu ảnh hưởng của nền văn minh đó. Chủ nghĩa Marx-Lenin, trái lại, đưa ra một quan niệm khác hẳn, theo đó luật pháp chỉ xuất hiện trong một xã hội có giai cấp, bởi nó là sản phẩm của một nhà nước do giai cấp thống trị thiết lập và duy trì. Dựa vào phương pháp biện chứng, Marx luôn chia xã hội thành hai giai cấp thống trị và bị trị trong mối quan hệ đối kháng, mà nhà nước và luật pháp là công cụ của giai cấp thống trị dùng để trấn áp giai cấp bị trị. Như vậy, nguồn gốc và vai trò của luật pháp được Marx nhìn trong nghĩa hẹp, bởi nếu không có một nhà nước theo khái niệm thông thường thì không có luật pháp. Do đó, xã hội nguyên thủy (mà Marx gọi là xã hội Cộng sản Nguyên thủy) và các cộng đồng dân cư bình thường dù có tục lệ, tập quán hay lẽ công bằng vẫn không có luật pháp.

Từ luận điểm của Marx như vậy, Lenin vẽ ra một xã hội chuyển tiếp (hay quá độ) từ tư bản chủ nghĩa đến cộng sản chủ nghĩa, mệnh danh “xã hội chủ nghĩa”, trong đó nhà nước và luật pháp vẫn hiện hữu. Tuy nhiên, Lenin vấp phải một nan đề đó là, nếu thừa nhận còn tồn tại nhà nước và luật pháp, tức là mặc nhiên thừa nhận có sự đối kháng giữa hai giai cấp thống trị và bị trị như Marx nói, mà xã hội chủ nghĩa trong trí tưởng tượng của Lenin không thể có sự đối lập như vậy. Vì thế, để thoát khỏi sự lúng túng trong lý luận chấp vá của mình, Lenin gọi nhà nước xã hội chủ nghĩa là “nhà nước một nửa”, tức là một nhà nước không hẳn là nhà nước, bởi nó không phải của giai cấp thống trị mà của “nhân dân lao động”, nó vẫn có luật pháp và các công cụ bạo lực, nhưng không trấn áp giai cấp bị trị, mà chỉ dùng để thực hiện sự chuyên chế đối với “kẻ thù của nhân dân” mà thôi. Ngày nay, thuật ngữ “kẻ thù của nhân dân” được các nhà lý luận nô bộc đổi lại thành “các thế lực thù địch”!

Tiếc thay, thực tiễn tại các nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa từ 1917 đến nay đã bác bỏ học thuyết gượng ép của Lenin, bởi lẽ các nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn sử dụng luật pháp và các công cụ bạo lực khác để đàn áp tầng lớp bị trị chính là nhân dân lao động. Khi nền tảng triết học đã sai lầm, thì mô hình đó tất nhiên phải sụp đổ. Đó chính là quy luật phát triển tự nhiên của mọi xã hội.

Lê Công Định

( Dân Luận )

Không có nhận xét nào: