Pages

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Nội thành Hà Nội: xuất hiện 8 ổ dịch sốt xuất huyết




Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị phòng chống sốt xuất huyết nên người dân cần tăng cường phòng tránh cho con em mình.

Mới từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội đã ghi nhận gần 200 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Chính sự chủ quan của những người tại Hà Nội đã khiến các ổ dịch SXH lan rộng và tới nay đã ghi nhận 8 ổ dịch SXH tại các phường, xã ở ngay trong chính nội thành của Hà Nội.

Trao đổi với Một Thế Giới, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết các ổ dịch lan ra là do sự chủ quan của chính người dân Hà Nội. Thậm chí, người người dân cứ đinh ninh những nơi đô thị không có ao tù nước đọng sẽ không có muỗi sinh sống và không vệ sinh sạch sẽ cũng như không mắc màn mỗi khi đi ngủ.



Theo báo cáo tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn Hà Nội, Bộ Y tế đã báo cáo Hà Nội có tổng 8 ổ dịch SXH. Xin ông cho biết nguyên nhân để xảy ra các ổ dịch ngay trong nội thành Hà Nội?

PGS.TS. Trần Như Dương: -Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính gây ra. Nguyên nhân mắc bệnh SXH là con người bị muỗi Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Trong khoảng thời gian sống còn lại sau đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Ở Hà Nội, chính vì tâm lý chủ quan của chính người dân khi không vệ sinh sạch sẽ các môi trường có nước đọng lại là nơi đẻ trứng của muỗi như: bể chứa nước mưa, lốp xe cũ, chén bát cũ, bát đựng cây cảnh có nước, bình hoa, thậm chí bồn cầu, chung cư ở những nơi không có người ở. Đó chính là môi trường lý tưởng để muỗi gây bệnh SXH sinh sôi, nảy nở.
Bên cạnh đó, các ổ dịch xuất phát từ các hộ dân, cụm dân cư trong nội thành Hà Nội nhưng lại sống gần khu vực có ao tù, nước đọng và có các rác thải sinh hoạt nên việc phòng chống dịch của các phường, xã có phần lơ là. Ví như chùm ca bệnh SXH đầu tiên trên địa bàn phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy ghi nhận có 8 người mắc. Các quận / huyện nguy cơ cao gồm: Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thanh Trì, Từ Liêm. Ngoại thành là Thường Tín, Phúc Thọ, Đan Phượng. Quận nội thành có nguy cơ cao vì dân số đông, vệ sinh chưa đảm bảo, dụng cụ chứa nước nhiều.
Sau khi phát hiện có ổ dịch, chúng tôi đã cử người đến triển khai dập tắt ổ dịch như phun thuốc hóa chất để diệt muỗi, diệt loăng quăng và trứng muỗi.
Nhưng ngay cả vùng ổ dịch có những gia đình không chịu hợp tác để Ban phòng chống dịch tễ thực hiện công việc của mình nên chúng tôi chỉ phun ở những nơi xung quanh chứ không được vào nhà phun trực tiếp. Chính vì tâm lý chủ quan như vậy đã dẫn đến tình trạng người dân ở phường có nhiều người bị lây nhiễm. Đến nay đã tạm thời khống chế không để ổ dịch lây lan nhưng mức độ chưa đạt đến sự an toàn.

Với những người đã nhiễm bệnh sốt xuất huyết thì cách chữa trị như thế nào, thưa ông?

Sốt xuất huyết gây ra các rối loạn, đặc biệt ở mạch máu - máu. Dùng thuốc nhằm lập lại thăng bằng, chống lại các triệu chứng bất lợi. Nhưng nếu dùng không đúng thuốc, không đúng cách thì sự rối loạn ấy sẽ tiến triển theo hướng xấu, khiến bệnh trầm trọng thêm. Virus Dengue gây ra sốt xuất huyết (SXH) không hoặc có sốc, chúng ta chỉ nên dùng paracetamol khi dùng với liều điều trị thấp. Liều dùng trong điều trị SXH: Một lần: 15mg/kg thể trọng (750mg cho người 50kg). Một ngày: 2-3 lần (1.500mg-2.250mg).
Tuyệt đối không dùng Aspirin, kháng viêm hay steroid. Ưu tiên bù dịch và nước cho người bệnh bằng đường uống oresol. Người bệnh chỉ được truyền dịch khi thật sự cần thiết, khi SXH ở cuối độ II hay đầu độ III. Huyết tương thoát ra ngoài mạch nhiều, thể tích máu trong lòng mạch giảm sút, sốt cao làm mất nước, làm cho sự giảm sút này tăng thêm, máu bị cô đặc lại, huyết áp tụt xuống, tim nhanh dẫn đến trụy tim mạch cho nên cần truyền dịch chứa ít muối. Cần bù đủ lượng dịch bị mất trong vòng 24 giờ nhưng trong 8 giờ đầu chỉ bù 50% và 16 giờ sau bù tiếp 50% lượng dịch bị mất. 

Rất tiếc là hiện nay chưa có một vắc xin nào có thể chống lại các virut gây bệnh SXH hay thuốc điều trị đặc hiệu nào. Chính vì vậy việc phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là tiêu diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng và mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt. Khi có các biểu hiện nghi ngờ bị mắc SXH cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị kịp thời.

Xin ông cho biết dịch SXH thường xảy ra vào thời điểm nào trong năm?

Bệnh SXH thường xuất hiện và tạo thành các ổ dịch vào các tháng mùa mưa, nhiệt độ trung bình trong tháng cao. Ví dụ ở Miền Nam thì bệnh xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng ở Miền Bắc thì thường xảy ra vào tháng 4 đến tháng 11 và mạnh nhất ở các tháng như: 7,8,9,10 vì lúc đó nhiệt độ cao nhất dễ để cho muoxi SXH sinh sôi từ những dụng cụ chứa nước.
Thậm chí trứng của muỗi có thể chịu được ở nhiệt độ khô hạn và sống lâu trong nhiều tháng, nếu gặp nước hoặc mưa trứng sẽ nở ra và gây bệnh. Để kiểm soát bọ gậy, loăng quăng, mỗi gia đình phải thường xuyên theo dõi và kiểm tra tại nhà xem tình hình vệ sinh chung diệt tận gốc mầm bệnh SXH. Trong các tháng tới do bước vào thời điểm mùa mưa cùng với thói quen tích lũy dụng cụ chứa nước, ý thức của cộng đồng trong việc chủ động diệt bọ gậy / lăng quăng ngay trong hộ gia đình chưa cao, mật độ dân số và tốc độ đô thị hóa gia tăng nhanh dễ dẫn đến việc khó kiểm soát bệnh dịch.
Thời gian tới, Sở Y tế và Viện vệ sinh dịch tễ sẽ tham mưu cho thành phố Hà Nội ra chỉ thị tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết, đồng thời triển khai quyết liệt các biện pháp phòng dịch, lưu ý các quận nội thành và các huyện vùng ven, đặc biệt là hai huyện nguy cơ cao Thanh Trì và Thường Tín. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là trong mùa hè, toàn ngành y tế đã và đang cố gắng nỗ lực không ngừng để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, hạn chế những biến chứng nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe cho nhân dân.
Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn báo Một Thế Giới!Nguyễn Dũng

Không có nhận xét nào: