Pages

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

TỒN TẠI HAY KHÔNG TỒN TẠI

Nguyễn Đình Bổn 
Ở những đất nước toàn trị, rất nhiều hành vi của con người bị ràng buộc, và muốn vượt thoát nó cần một sự dũng cảm, có khi là rất dũng cảm. Ở đây tôi chỉ nói về những người (và tổ chức) cầm bút tại Việt Nam ở thì hiện tại.


 Hiện người cầm quyền vẫn luôn cho rằng Việt Nam có đầy đủ về quyền tự do ngôn luận như quyền về báo chí, xuất bản, lập hội và chứng minh rằng có trên 60 nhà xuất bản, trên 800 tờ báo, hàng ngàn cái hội… Dẫn chứng để chứng minh đó thật ngô nghê, buồn cười, không đáng phân tích, bởi chỉ cần dẫn lời của ông Thủ tướng mà báo Tuổi trẻ đăng vào năm 2009, ông Nguyễn Tấn Dũng đã nói đại ý “dứt khoát không cho thành lập nhà xuất bản và báo chí tư nhân”. Dứt khoát không cho! Rất rõ ràng!
Trong và trước thời điểm đó, Bùi Chát đã lập ra, điều hành, hoạt động Nhà Xuất Bản Giấy Vụn. Cái tên nhà xuất bản của ông mang hơi hướm hài hước, mỉa mai bởi phần lớn sách in từ nhà xuất bản này đều lén lút  in photocopy, và nhiều công đoạn làm bằng tay của chính ông giám đốc. Tuy vậy sách khá đẹp, nhiều cuốn có chất lượng và Nhà xuất bản Giấy Vụn được Hiệp hội các nhà xuất bản quốc tế (International Publishers Association)
 
chính thức công nhận như một nhà xuất bản tư nhân của Việt Nam. Bùi Chát được mời đi dự hội thảo, được giải thưởng và sau chuyến đi nhận “Giải thưởng Tự Do Xuất Bản” do hiệp hội này trao tặng tại thành phố Buenos Aires (Argentina) vào năm 2011, khi về ông bị thu hộ chiếu cho đến nay không thể xuất ngoại. Nhà xuất bản Giấy Vụn dần bị lãng quên bởi tất cả điều hành, quản lý và xuất bản đều do một người, là ông Bùi Chát đảm đương, tuy nhiên sự dũng cảm của Bùi Chát khi một mình đương đầu với cả một thể chế không cho phép thành lập nhà xuất bản tư nhân là một ghi nhận không thể thiếu trong lịch sử xuất bản Việt Nam. Hiện nay Giấy Vụn vẫn tồn tại nhưng không còn gây tiếng vang như trước.
 
Sau xuất bản, một dấu ấn đáng lưu ý là vào ngày 3/3/2014 nhà văn Nguyên Ngọc đã thay mặt cho 61 cây bút trong và ngoài nước tuyên bố kêu gọi thành lập “Văn đoàn độc lập Việt Nam” trên mạng internet. Cùng với tuyên bố kêu gọi là sự ra mắt của trang web vanviet.info như một tiếng nói chính thức của văn đoàn này. Và tiếp theo ngày 4.7.2014 vừa qua, một tổ chức khác có tên “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam” được tuyên bố thành lập với danh sách 42 hội viên, trong đó chỉ có 1 người ở Pháp. Như vậy cả Nhà xuất bảnVăn đoàngiành cho người sáng tác và Hội  nhà báo giành cho người hoạt động báo chí tại Việt Nam nhưng không cần xin phép của nhà cầm quyền, đều đã được công khai thành lập hoặc đang “vận động” thành lập.
 
Dù Hội nhà báo độc lập mới thành lập vài ngày, nhưng có thể nói nếu Văn đoàn độc lập quá chậm vì đến giờ vẫn chưa chính thức thành lập mà chỉ mới ở ngưỡng “vận động” thì Hội nhà báo độc lập lại quá nhanh. Họ tuyên bố thành lập và ra ngay một trang báo mạng có tên “Việt Nam Thời báo” trên face book. Trả lời RFI ông Chủ tịch hội là Phạm Chí Dũng nói: “Hoạt động thứ hai là chúng tôi phải có ngay một trang báo để phục vụ cho nhu cầu của độc giả; và chúng tôi kỳ vọng trong 10 năm, nó phải trở thành một tờ báo có đẳng cấp quốc tế trong khu vực Đông Nam Á và ít nhất có thể sánh ngang với tờ Bangkok Post và có thể tiến lên so sánh với tờ  Strait Times của Singapore.”
 
Quả là một mơ ước tích cực. Nhưng với một tờ báo, nói chưa đủ mà phải chứng minh. Face book chỉ là một trang mạng xã hội miễn phí có đủ thành phần, nó không thể là một trang “thời báo” đúng nghĩa nghiêm túc, nên muốn 10 năm sau, Việt Nam Thời Báo sánh ngang với Bangkok Post và Strait Times e là quá lạc quan, nhất là khi chúng ta nhìn vào nhân sự đã được công bố. Rất tiếc cho Hội nhà báo độc lập, lẽ ra họ nên chuẩn bị thật kỹ càng, để ngay sau tuyên bố thành lập tổ chức và tên tờ báo, tờ Việt Nam Thời Báo ít nhất phải là một trang web chỉn chu, độc lập, mang đầy đủ tính “thời báo” chứ không phải chỉ là một nick name trên face book.
 
Nhìn chung cả ba tổ chức trên, điều cần và thiếu nhất là nhân sự và sự tin tưởng của cộng đồng. Riêng Văn đoàn độc lập và Hội nhà báo độc lâp dù mới ra đời nhưng có thể nhận xét nó sẽ khó thu hút mạnh mẽ những người hoạt động trong lĩnh vực mà họ tuyên bố. Điều này không chỉ vì nỗi sợ nhà cầm quyền mà còn những nghi ngại khi nhìn vào danh sách những người tổ chức. Nó khá là “dung hợp” với người cũ, người mới, cả đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam và cả các nhân vật bị chính quyền “điểm mặt”. Lòng người vốn đa nghi nhưng không thể trách lòng người!
 
Dù vậy trong tình hình Việt Nam trước đây và hiện nay, cần ghi nhận sự dũng cảm của các thành viên độc lập và công tâm, khi họ không chịu sự quản lý của nhà nước ở các lĩnh vực xuất bản, văn học nghệ thuật và báo chí. Nhưng trong nghề báo, nghề văn, chỉ dũng thôi là chưa đủ, thời gian vẫn còn ở phía trước, tạm nghĩ vậy, và những tổ chức kia sẽ đủ thời gian để chứng minh họ “tồn tại hay không tồn tại”.

5.7.2014

Không có nhận xét nào: