Pages

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Đừng để Quốc Hội “phục vụ” cho nhóm lợi ích ngầm

Mỗi lá phiếu mà đại biểu QH bấm nút thông qua phải đứng về lợi ích của người dân, vì họ là người đại diện của nhân dân chứ không phải của ai khác (ảnh minh họa, nguồn VTV)

Đại biểu vừa chơi game vừa bấm nút thông qua nghị quyết, đại biểu “đọc nhầm” bài tham luận của người khác, đại biểu “biểu quyết hộ” hay chỉ thụ động có mặt, không bào giờ thèm chất vấn về những vấn đề nóng mà người dân đang quan tâm… - một loạt hiện tượng có thể nói là tệ hại, lại tồn tại ngay trong cơ quan quyền lực cao nhất nước, mới đây được chính các vị lãnh đạo của cơ quan này lên tiếng báo động, trong sự ngỡ ngàng của người dân.

Trong một xã hội dân chủ, hoạt động của đại biểu QH là rất quan trọng, tác động lớn đến xã hội và đời sống người dân. Thế nhưng, do “đặc thù” của hệ thống chính trị tại Việt Nam, nên đã từ lâu, vẫn tồn tại thực tế một tỷ lệ không nhỏ những vị dân biểu mà hoạt động của họ thực chất giống như những con “bù nhìn”. Bộ chính trị, trung ương Đảng đã quyết mọi chủ trương đường lối, và đại biểu chỉ cần… bấm nút thông qua!

Nhưng, cho đến khi vị “đại biểu số 1” là ông Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng than phiền rằng: "Khi làm nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm tín nhiệm, Trung ương nhất trí rất cao, có một số đồng chí ở Trung ương cũng phát biểu, ở Thường vụ Quốc hội cũng phát biểu mà ra Quốc hội lại không nói gì cả" - thì dường như vai trò “bù nhìn” của những đại biểu này đã được công khai trước bàn dân thiên hạ.

Còn nhớ cách nay chưa lâu, quanh chuyện bỏ phiếu tín nhiệm đại biểu QH, đại biểu Nguyễn thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TP.HCM) có ý kiến khác biệt từng thừa nhận “đây là vấn đề Đảng bàn, có định hướng, tôi biết rõ điều đó. Nhưng tôi còn biết một điều nữa là Đảng luôn luôn lắng nghe và đại biểu Quốc hội là một kênh cần lắng nghe”. Việc bà Tâm bày tỏ công khai quan điểm khác biệt là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vì sao sự khác biệt ấy lại không được tranh luận tới cùng, để tìm ra phương án có lợi nhất có thể cho xã hội, mà chỉ là mong chờ “Đảng lắng nghe”.

Qua một vài biểu hiện như trên, có thể thấy hiện có sự khác biệt về lợi ích của những đảng viên trong vai trò đại biểu QH. Có người đứng trên lập trường, lợi ích của Đảng. Ngược lại, có người muốn kỳ vọng vào vai trò quyền lực chính trị mà mình đang gánh vác - trước người dân.

Theo tôi, trong khi tại Việt Nam đảng cộng sản đang là đảng cầm quyền, thì những biểu hiện như trên chính là đang làm lộ dần những mâu thuẫn về lợi ích, chính sách, giữa trung ương Đảng (đại diện cho hơn 3 triệu đảng viên) và Quốc hội - về mặt lý thuyết, là đại diện cho lợi ích của toàn bộ người dân còn lại.

Quốc Hội là môi trường để các chính khách cống hiến tài năng trí tuệ cho dân cho nước. Theo Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, kỹ năng của chính khách là xác định các mục tiêu cần ưu tiên thực hiện và thuyết phục, vận động được sự ủng hộ để có thể hiện thực hóa thành những chính sách cụ thể. Như vậy, kỹ năng của nhà chính trị ở đây là tập hợp được lực lượng ủng hộ các chính sách, chứ không phải là lên kế hoạch triển khai, phê duyệt, ra lệnh, kiểm tra...

Thấp thoáng đâu đó, các đại biểu tại QH bắt đầu đề xuất luật lobby, đó là công cụ để các nghị sĩ thực hiện chức năng chính trị của mình, tìm kiếm và vận động ủng hộ những chính sách mà họ cho là có lợi cho đất nước.

Với cơ chế đảng lãnh đạo như hiện nay, những quyết sách từ các cuộc họp kín trong trung ương Đảng đã chiếm ưu thế vượt trội và luôn có xu hướng “định hướng” chính sách ban hành tại QH, hướng đến phục vụ cho lợi ích của đảng. Lợi thế ấy, do không được luật hóa để có công cụ giám sát và cùng với cơ chế “đảng cử dân bầu” đã biến một số vị dân biểu một mặt ỷ lại vào việc mình là đảng viên có nghĩa vụ tuân theo sự lãnh đạo của đảng, một mặt lại né tránh được trách nhiệm trước nhân dân. Họ núp trong vỏ kén quyền lợi, tiêu xài tiền thuế của dân. Đáng buồn hơn là họ thậm chí nhân danh là người đại diện, để tham gia biểu quyết nhiều vấn đề liên quan đến người dân, mà lại né tránh được trách nhiệm trước nhân dân.

Thế nên, việc đại biểu QH bấm nút hộ, hay “cầm nhầm” tham luận của người khác không nên chỉ được nhìn nhận ở thói vô trách nhiệm của họ. Mà cần được nhìn nhận ở một nguy cơ khác nữa. Trong không gian chính trị hiện nay, câu khẩu hiệu “ý đảng lòng dân” liệu có thực sự đúng? Ai sẽ đảm bảo rằng việc QH đạt được đa số phiếu thông qua một vấn đề nào đó thực sự vì lợi ích của người dân, chứ không vì lợi ích của phe nhóm "ngầm" nào đó?

Quốc Học

(*): Tác giả là một nhà báo đang sống và làm việc tại TP. HCM

(Quê choa)

Không có nhận xét nào: