Pages

Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Vận động quốc tế cho Anh Ba Sàm và bảo vệ Facebook


Facebook-socialbot-2_09d45Đỗ Quyên
Cùng với việc Việt Nam “chủ động hội nhập quốc tế” như cách nói của chính phủ, các cá nhân, tổ chức dân sự trong và ngoài nước cũng tăng cường các hoạt động truyền thông về nhân quyền, phản ánh tình hình nhân quyền ở Việt Nam ra cộng đồng quốc tế.
Từ ngày 5 đến 10/7, ba nhà hoạt động nhân quyền người Việt Nam là nhà hoạt động quyền con người Lê Quốc Tuấn, luật sư Trần Quỳnh Vi và nhà báo Đoan Trang đã đến Washington DC để thúc đẩy một số hoạt động như vậy. (Ông Lê Quốc Tuấn và luật sư Quỳnh Vi là thành viên phong trào Con Đường Việt Nam). Ba người đã có những cuộc tiếp xúc với một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, các tổ chức nhân quyền quốc tế như Freedom House, World Movement for Democracy, Open Tech Fund…

Tại các cuộc gặp, ba người thông báo sơ qua về tình hình nhân quyền ở Việt Nam kể từ tháng 1/2014, khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ngoài việc bắt giam thêm một số blogger như Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm), Nguyễn Thị Minh Thúy, chính quyền chuyển sang hướng tăng cường sử dụng các biện pháp “ngoài luật pháp” để trấn áp những tiếng nói đòi hỏi dân chủ-nhân quyền. Khuynh hướng này ngày càng rõ nét với những biện pháp cụ thể như: sử dụng côn đồ, dân phòng để gây sự và đánh đập nhà hoạt động nhân quyền; sách nhiễu, theo dõi, nghe trộm điện thoại, hack email và tài khoản Facebook; huy động đội ngũ “dư luận viên” khiêu khích, xúc phạm và đe dọa các blogger ủng hộ dân chủ.
Thủ thuật mới trong đàn áp nhân quyền
Trong nội dung các cuộc tiếp xúc, ba nhà hoạt động phản ánh cho cử tọa một “chiêu thức” mới của chính quyền Việt Nam trong việc đàn áp quyền tự do thông tin, tự do biểu đạt. Đó là huy động lực lượng “dư luận viên” sách nhiễu các blogger, Facebooker trên mạng. Đặc biệt, xác định được Facebook là diễn đàn duy nhất tương đối tự do để những người tham gia có thể phát biểu quan điểm hoặc kết nối với nhau, nên trong thời gian gần đây, dư luận viên đã sử dụng trò “báo cáo vi phạm” để “tố” với Facebook, đánh sập trang của các blogger, Facebooker ủng hộ dân chủ-nhân quyền.
Ngoài ra, nhà nước còn leo thang trong việc ngăn chặn quyền tự do đi lại của người dân: Gần 60 blogger đã bị tịch thu hộ chiếu và/hoặc cấm xuất cảnh, hoặc không lý do, hoặc với một lý do rất mơ hồ là “an ninh quốc gia”. Đại diện cho phong trào Con Đường Việt Nam, ông Lê Quốc Tuấn và luật sư Trần Quỳnh Vi đã chính thức công bố một danh sách cập nhật (chưa đầy đủ) gần 60 trường hợp này.
Phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một quan chức cho biết ông rất quan tâm đến thủ thuật “báo cáo vi phạm lên FB” của lực lượng an ninh mạng, dư luận viên ở Việt Nam, vì quả thật là nó quá mới. Ông cũng ghi chép và tiếp nhận danh sách những người bị cấm xuất cảnh mà Con Đường Việt Nam cung cấp.
Bảo vệ Anh Ba Sàm và các tù nhân lương tâm
Quan chức trên cho hay, Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu vấn đề “trả tự do cho tù nhân lương tâm” trực tiếp với chính phủ Việt Nam, tại các cuộc đối thoại nhân quyền cũng như các diễn đàn quốc tế khác. Ông khẳng định, Mỹ sẽ tiếp tục nêu vấn đề này, gồm cả trường hợp Anh Ba Sàm, trong các cuộc tiếp xúc tương lai với chính phủ Việt Nam.
Luật sư Trần Quỳnh Vi phản ánh tình trạng đối xử vô nhân đạo với các tù nhân, trong đó có tù nhân lương tâm. Hai trường hợp bi thảm gần đây là thầy giáo Đinh Đăng Định – đã mất vì ung thư một thời gian ngắn sau khi được “ân xá” – và anh Huỳnh Anh Trí – chết vì nhiễm HIV/AIDS trong tù. Luật sư Vi nhấn mạnh, mọi sự đối xử tồi tệ, hành hạ về thể xác và hạ nhục về nhân phẩm đối với tù nhân đều là vi phạm Công ước Quốc tế về Chống Tra tấn, mà Việt Nam đã ký tháng 11 năm ngoái nhưng chưa phê chuẩn.
Ba nhà hoạt động đề nghị Mỹ và các tổ chức nhân quyền quốc tế lưu ý đến việc bảo vệ các tù nhân lương tâm, thúc đẩy chính phủ Việt Nam phê chuẩn và thực thi Công ước Chống Tra tấn, đồng thời, có các biện pháp để buộc nhà nước Việt Nam phải tôn trọng tự do thông tin, tự do biểu đạt trên Internet và cả ngoài đời thực.
Đáp lại, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng cải thiện nhân quyền là điều kiện tiên quyết để Mỹ tán thành việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Một tổ chức khác, Freedom House, tỏ ra rất quan tâm đến Anh Ba Sàm – trường hợp điển hình bị đàn áp tự do ngôn luận – và Nguyễn Thị Minh Thúy, bị bắt giam trong khi hai con còn nhỏ, không nơi nương tựa.
Cũng trong thời gian vận động nói trên, vào sáng ngày 9 tháng 7, tại trước điện Capitol, Quốc hội Hoa Kỳ, nhà báo Đoan Trang đã đại diện cho VOICE, phát biểu cùng một nhóm 5 dân biểu hàng đầu của quốc hội Hoa Kỳ (Loretta Sanchez, Rosa DeLauro, George Miller, Louise Slaughter, và Donna Edwards.) về chủ đề “tại sao TPP không thể thành công”.
Trong ngày cuối cùng, trước khi rời thủ đô Washington DC. Nhà hoạt động Lê Quốc Tuấn và nhà báo Đoan Trang đã dành cho đài SBTN và RFA một cuộc phỏng vấn. Tại đây cả hai tiếp tục nhấn mạnh đến sự sai trái của chính quyền trong việc trường hợp bắt giữ blogger Anh Ba Sàm, cô Nguyễn thị Minh Thuý.

Không có nhận xét nào: