Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Bs. Phạm Hồng Sơn: Hãy nói lên đi!

VRNs (04.08.2014) – Hà Nội – Bác sĩ Phạm Hồng Sơn là một người được mời tham dự hội thảo Truyền thông phi nhà nước ở Việt Nam trong thời kỳ hiện nay do Sứ quán Úc phối hợp với Đại diện Liên Minh Châu Âu tại Việt Nam và năm Sứ quán khác (Hoa Kỳ, Canada, Na-uy, New Zealand và Thụy-sỹ) tổ chức tại Sứ quán Úc, ngày 30.07 vừa qua, nhưng ông đã bị ngáng đường, không thể đến tham dự được.
Sau đây là bài phát biểu của ông gởi đến Hội Thảo, và đã được phổ biến trên trang Như Cây Tre Việt Nam.
Bs. Phạm Hồng Sơn và Ls. Lê Quốc Quân, tại nhà thờ Thái Hà, sau khi rời nhà tù Hỏa Lò.
Bs. Phạm Hồng Sơn và Ls. Lê Quốc Quân, tại nhà thờ Thái Hà, sau khi rời nhà tù Hỏa Lò.
___

Tôi tin tất cả chúng ta sẽ lúng túng với câu hỏi này: Quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ở Việt Nam trong một thập niên qua đã diễn tiến như thế nào?

Còn đây là cố gắng trả lời ngắn gọn của tôi:
Một: chúng ta có thể khẳng định ngay mà không sợ sai rằng Việt Nam hoàn toàn không có những tự do đó hoặc tình trạng còn trở nên tồi hơn nếu nhìn vào cấu trúc căn bản của nền chính trị Việt Nam hoặc xem lại những khung pháp lý như Điều 4 Hiến pháp mới sửa 2013 hoặc Nghị định 72/CP năm 2013 của Chính phủ Việt Nam.
Hai: chúng ta có thể phải rơi nước mắt nếu nhìn vào danh sách những người đang bị cầm tù hoặc đang bị quản chế tại gia trên khắp ba miền đất nước chỉ vì họ đã dám viết, dám bày tỏ theo tiếng nói lương tâm của chính họ một cách ôn hòa nhưng trái với quan điểm của đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam.
Ba: nhưng chúng ta cũng có thể khẳng định các quyền trên tại Việt Nam trong một thập niên qua đã có tiến bộ đáng kể nếu nhìn vào thực tế của sự đa dạng về tính chất và số lượng đang nở rộ của những tiếng nói bất đồng hoặc nếu đọc những trang mạng đăng những quan điểm chính trị ngược với chính quyền do chính người dân đang sống ở trong nước khởi sự và duy trì. Cách đây 10 năm những điều vừa kể không thể có.
Ba cách nhìn vừa nói, dù rất thiếu sót, có thể giúp chúng ta tránh sa vào hai thái cực: bi quan cùng cực hay lạc quan liều lĩnh về quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ở Việt Nam – những yếu tố cơ bản của một hệ thống truyền thông tư nhân – phi nhà nước.
Thực trạng nhân quyền thu nhỏ vừa nêu cũng làm lộ ra một nghịch lý oái ăm của đất nước Việt Nam chúng tôi: nhu cầu tự do của toàn xã hội Việt Nam đang bị ngáng trở bởi ý chí chính trị của một nhóm người.
Tuy nhiên, không có con người nào sinh ra đã biết nói, không một xã hội toàn trị nào lại có hệ thống truyền thông tư nhân. Muốn lớn khôn, con người không thể không học nói. Để tự do, xã hội không thể không tạo lập truyền thông tư nhân.
Vì vậy, hội thảo “Truyền thông phi nhà nước tại Việt Nam hiện nay” do Sứ quán Úc phối hợp với Phái đoàn Liên minh Châu Âu, Sứ quán Hoa Kỳ, Sứ quán Canada, Sứ quán Na-uy, Sứ quán Thụy-sỹ tổ chức, là một biểu hiện cụ thể của sự ủng hộ giá trị cho tiến bộ của Việt Nam chúng tôi. Một cách thẳng thắn, tôi muốn ví hành động đó giống như một thiện nhân khích lệ một tù nhân bị cấm nói lâu ngày: Hãy nói lên đi!
Dĩ nhiên, “học nói” trong một chế độ toàn trị không thể chỉ gặp những tiếng cười hân hoan hay sự dịu dàng như trẻ thơ học nói. Song, nhiều người Việt Nam, tôi đoan chắc, đã thấu hiểu điều này.                                                                    
Thứ Tư, ngày 30 tháng 7 năm 2014
Phạm Hồng Sơn

Không có nhận xét nào: