Pages

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Chuyển hướng chiến lược

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo châu Phi trong tuần này (từ 4 đến 6-8) của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người từng tạo ra những kỳ vọng lớn tại châu lục này trong cuộc tranh cử năm 2008 đang khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
 
Bởi diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kết thúc chuyến thăm Mexico, Trinidad & Tobago, Chile và Brazil; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa thăm 4 nước châu Mỹ Latinh hồi đầu tháng 7 và Bắc Kinh đang có ảnh hưởng lớn tại châu Phi. Dự kiến sẽ có khoảng 50 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của “lục địa đen” tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi bởi Nhà Trắng đã gửi giấy mời tới họ. Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của châu Phi, sau châu Âu và Trung Quốc. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thừa nhận, Mỹ cần thay đổi “tư duy lạc hậu” về châu Phi và Washington không muốn bị Bắc Kinh qua mặt tại khu vực này.


16 năm và còn bao lâu nữa?

Ngay sau khi lệnh cấm bắt cá do Trung Quốc đơn phương đưa ra hết hiệu lực vào 12 giờ ngày 1-8, Bắc Kinh đã đưa gần 9.000 tàu cá ra Biển Ðông. Bởi số tàu này đã tụ hội tại cảng Tam Á từ hôm 31-7. Ðây là năm thứ 16 Trung Quốc đưa ra lệnh cấm bắt cá phi lý trên Biển Ðông.

Ngày 31-7, trên trang mạng của Cục Hải sự quốc gia Trung Quốc đăng Thông báo số 0168, theo đó kể từ 12 giờ ngày 1-8 lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Ðông chính thức kết thúc, tất cả tàu cá thuộc các tỉnh duyên hải như Hải Nam, Quảng Tây, Quảng Ðông được phép ra khơi đánh bắt cá. Lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Ðông do Trung Quốc đơn phương áp đặt (từ năm 1999), có hiệu lực từ 12 giờ ngày 16-5. Tháng 1-2014, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc còn đơn phương áp dụng “Luật Ngư nghiệp”, theo đó yêu cầu tàu nước ngoài khi đi vào vùng biển gần Hải Nam, cũng như đánh bắt cá hay điều tra tài nguyên ngư nghiệp tại đây phải được sự cho phép của cơ quan quản lý có liên quan của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, Bắc Kinh đang bắt các nước khác phải tuân thủ luật do Trung Quốc đặt ra tại vùng biển không phải của họ.

Hãng Reuters cho rằng, việc trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Ðẩu, hỗ trợ nhiên liệu, tài chính… của chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích ngư dân nước này (hỗ trợ gần 500USD/ngày/tàu và hơn 50.000 tàu cá được trang bị Bắc Ðẩu có thể liên hệ trực tiếp với lực lượng hải cảnh Trung Quốc) tới các vùng biển của các nước trên Biển Ðông. Ðây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn ngư dân Trung Quốc tiến sâu vào vùng biển Ðông Nam Á, để tìm kiếm những ngư trường đánh bắt mới, khi lượng cá ở gần bờ biển nước này đang cạn dần. Và Trung Quốc làm vậy vì cả lý do địa - chính trị, kinh tế lẫn thương mại. Nhiều ngư dân Trung Quốc cho biết, giới chức tỉnh Hải Nam đã khuyến khích họ tới tận Trường Sa bởi đánh bắt ở Biển Ðông là bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc!?

Chuyển hướng chiến lược
Giáo sư Carl Thayer và 10 lời khuyên chân tình dành cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông

Vai trò của ASEAN

Từ 5 đến 10-8, tại Nay Pyi Taw, Myanmar sẽ diễn ra các hội nghị: Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 47 (AMM-47), Hội nghị Ngoại trưởng giữa ASEAN với các Ðối tác (PMC), ASEAN với 3 nước Ðông Bắc Á lần thứ 15 (APT-15), Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21). Ðây là các Hội nghị Ngoại trưởng quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác, do đó thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài khu vực.

Ngày 3-8, tờ Global Research dẫn thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho rằng, sự leo thang căng thẳng trong khu vực là do những hành vi gây hấn không khoan nhượng của Bắc Kinh. CSIS khẳng định, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chắc chắn sẽ nêu vấn đề này tại ARF và Washington sẽ có động thái nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.

Ngày 1-8, Philippines cho biết sẽ giới thiệu “kế hoạch hành động ba phần” tại hội nghị cấp bộ trưởng các nước ASEAN ở Myanmar nhằm làm giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước tại Biển Ðông. Ngoài ra, Philippines cũng sẽ hối thúc hoãn các hoạt động đặc biệt làm leo thang căng thẳng trong khu vực, áp dụng DOC và cơ chế giải quyết tranh chấp dựa trên luật quốc tế.

Sáng 1-8 (theo giờ Việt Nam), Hạ nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Tiểu ban sức mạnh biển và triển khai lực lượng và Hạ nghị sĩ Colleen Hanabusa, thành viên Ủy ban Quân lực Hạ viện, đã giới thiệu Dự thảo nghị quyết lưỡng đảng tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với tự do hàng hải tại Châu Á - Thái Bình Dương. Dự thảo nghị quyết nêu rõ, các vùng biển và vùng trời tại Châu Á - Thái Bình Dương giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng, ổn định và an ninh trong khu vực, trong đó có hoạt động thương mại toàn cầu. Ðồng thời khẳng định, Mỹ có lợi ích rõ ràng trong việc khuyến khích và ủng hộ các nước trong khu vực hợp tác và giải quyết các bất đồng bằng con đường ngoại giao, kịch kiệt phản đối các hành vi cưỡng ép, hăm dọa, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Dự thảo cũng chỉ rõ, những đòi hỏi về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, chưa được chứng thực theo luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, là một mưu toan đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và cho thấy dấu hiệu vi phạm DOC mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002; ủng hộ các nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc trong việc xây dựng COC…

Chuyển hướng chiến lược
Tiến sĩ Alexandr Yankov
Tại sao cứ phải giám sát lẫn nhau

Ngày 1-8, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh đã cáo buộc tàu hải quân và máy bay Mỹ đang liên tiếp thực hiện các hành động do thám ở vùng biển và không phận của nước này; đồng thời cảnh báo những hoạt động này có thể dẫn đến nhiều tai nạn cả trên biển lẫn trên không. Cũng trong ngày 1-8, Trung Quốc đã phản ứng ngay sau khi Nhật Bản đặt tên đối với các đảo đang có tranh chấp. Ngày 1-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương khẳng định, Senkaku/Ðiếu Ngư và các đảo thuộc quần đảo này là “lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc”. Ðồng thời nhấn mạnh, Trung Quốc đã đặt tên cho toàn bộ các đảo này, bất kỳ biện pháp đơn phương nào của Nhật Bản đều là phi pháp và không có hiệu lực. Bắc Kinh kiên quyết phản đối hành vi gây phương hại đến chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc của Nhật Bản.

Ngày 1-8, Tokyo đã đặt tên cho 158 đảo không người ở tại biển Hoa Ðông, trong đó có 5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư (tên của 5 hòn đảo này sẽ được dùng trong các bản đồ mới bởi đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản). Những hòn đảo này nằm trong số 158 hòn đảo không người ở được Nhật Bản tăng cường bảo vệ và tuyên bố chủ quyền.

Ngày 1-8, tờ Thanh niên Bắc Kinh đưa tin, ngày 27-7, cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Yasuo đã bí mật tới Bắc Kinh và hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Fukuda Yasuo được cho là chính khách Nhật Bản thân Trung Quốc và là nhân vật duy nhất có thể nói chuyện trực tiếp với giới chức cao cấp Bắc Kinh. Việc đón tiếp trọng thị ông Fukuda Yasuo cho thấy cựu Thủ tướng Nhật Bản đang mang theo một sứ mệnh quan trọng với vai trò đặc sứ của ông Shinzo Abe. Không loại trừ khả năng ông Fukuda Yasuo được cử làm đặc sứ cho Thủ tướng Shinzo Abe để thu xếp cuộc gặp với ông Tập Cận Bình bên lề hội nghị APEC sẽ diễn ra trong tháng 11 tại Bắc Kinh. Cả Bắc Kinh và Tokyo đều giữ bí mật xung quanh chuyến đi của ông Fukuda Yasuo và đây là lần thứ 2 Thủ tướng Nhật Bản cử đặc sứ tới Bắc Kinh kể từ chuyến đi lần đầu tiên hồi tháng 1 của Chủ tịch đảng New Komeito mang theo thư tay của ông Shinzo Abe gửi ông Tập Cận Bình.

Giới phân tích cho rằng, kể từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền, Tokyo đã thực hiện một số chính sách an ninh đối ngoại mới như chuyển từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”, từ “phòng thủ lãnh thổ” đến “can dự bên ngoài”, từ “lực lượng phòng vệ” đến “quân đội chính quy”, từ phát triển công nghiệp quốc phòng đến xuất khẩu vũ khí và sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ”.

Phải chơi đúng luật

Ngày 2-8, tờ Nhân Dân nhật báo đăng 10 kiến nghị của Giáo sư Carl Thayer về chính sách của Trung Quốc ở Biển Ðông, theo đó để giành được sự ủng hộ, Bắc Kinh phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Thứ nhất, Trung Quốc nên xem lại 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và chân thành áp dụng nó trong quan hệ ngoại giao với khu vực. Thứ hai, Trung Quốc nên xác nhận việc tham gia hệ thống luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Thứ ba, Trung Quốc nên làm rõ yêu sách về “chủ quyền lịch sử” hay “chủ quyền không thể tranh cãi” với độ chính xác. Thứ tư, Trung Quốc nên ra sách trắng về các cơ sở để họ khiếu nại về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” hay “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Ðông. Thứ năm, Trung Quốc nên thay đổi chủ trương giải quyết trực tiếp qua đàm phán song phương đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ tại các vùng biển và các tính năng đảo, đá, rạn san hô trên Biển Ðông.

Thứ sáu, Trung Quốc nên gác sang một bên yêu sách chủ quyền và thỏa thuận về tình trạng hiện tại, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời kiềm chế đơn phương đưa ra các hoạt động “thực thi chủ quyền”. Thứ bảy, Trung Quốc nên kiềm chế không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, tạm gác vấn đề chủ quyền và tạm thời phân mốc giới khu vực hàng hải đợi cho đến khi vấn đề chủ quyền được giải quyết. Thứ tám, Trung Quốc nên xem xét lại lập trường của mình về việc từ chối ra tòa hay chấp nhận trọng tài quốc tế. Thứ chín, Trung Quốc nên dừng chỉ trích tiến trình pháp lý mà Philippines đệ trình lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển, đồng thời ngừng tuyên truyền về việc bảo lưu quyền không tham gia các giải pháp trọng tài, tài phán quốc tế. Thứ mười, nếu tòa án trọng tài ra phán quyết khiếu nại của Philippines là đúng, Trung Quốc nên xem xét lại quyết định tẩy chay tiến trình tố tụng này. Ðiều quan trọng là theo quy định của UNCLOS, các phán quyết của tòa án trọng tài phải được thi hành ngay một cách vô điều kiện.

Chuyển hướng chiến lược
Tên lửa đánh chặn SM-3 của Hải quân Mỹ

Ngày 30-7, khi phát biểu tại diễn đàn Câu lạc bộ Thịnh vượng chung ở California, Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã kêu gọi các nước có tranh chấp trên Biển Ðông hợp tác và xây dựng các thể chế cần thiết để giải quyết tranh chấp tại vùng biển này. Ông Daniel Russel cũng cho rằng, đẩy nhanh đàm phán để cho ra đời COC là việc làm cần thiết hiện nay bởi theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, luật pháp quốc tế chứ không phải sức mạnh quốc gia, phải trở thành cơ sở cho việc giải quyết tranh chấp ở Biển Ðông.

Ngày 1-8, Hãng AFP dẫn lại thông tin của giới truyền thông Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh vừa thừa nhận về sự tồn tại của một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (Ðông Phong-41) có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ. Trước đó (29-7), trang mạng World Politics Review (Mỹ) đăng bài “Trung Quốc thúc đẩy phòng thủ tên lửa”, theo đó Trung Quốc đã thử nghiệm phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) công khai lần thứ 3 trong 4 năm qua. Giới chuyên gia quân sự cho rằng, lần thử nghiệm hệ thống chiến trường tầm trung này của Trung Quốc tương đương với hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối của Mỹ (THAAD). Ngày 24-7, tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) cho biết, ngày 23-7, Trung Quốc đã thành công trong việc thử nghiệm công nghệ phòng thủ tên lửa mặt đất trong lục địa. Và điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc xây dựng khả năng phòng thủ tên lửa đoạn giữa không thua kém chương trình “2 tên lửa đẩy - 1 vệ tinh”.

Dư luận và giới chuyên môn quan tâm tới đề xuất 7 điểm của ông Richard Fisher, chuyên gia quân sự Mỹ, chuyên nghiên cứu về sự phát triển quân sự của Trung Quốc, nhằm giúp Washington kiềm chế Bắc Kinh tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng trên thế giới vào năm 2020. Thứ nhất, Mỹ phải phát triển một thế hệ tên lửa đạn đạo đối hạm tầm ngắn đến tầm trung và bán chúng cho các đồng minh và đối tác an ninh tại Châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, Mỹ phải thành lập một mạng lưới cảnh báo tầm xa ở châu Á có thể cung cấp cho các thành viên trong mạng lưới một sự cảnh báo thời gian với các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Thứ ba, Mỹ nên triển khai các hệ thống súng thanh ray (Railgun) tại eo biển Ðài Loan để Ðài Loan có khả năng đối phó được với mối đe dọa tên lửa từ Trung Quốc. Thứ tư, Mỹ phải tăng số lượng chiến đấu cơ tàng hình F-35. Thứ năm, Mỹ phải xây dựng lực lượng mặt đất có khả năng triển khai nhanh. Thứ sáu, Mỹ phải giúp Ðài Loan tiến hành một cuộc chiến tranh không đối xứng chi phí thấp chống lại cuộc xâm lược tiềm năng từ Trung Quốc. Thứ bảy, Mỹ cần khôi phục lại chương trình mặt trăng.

Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

(PetroTimes)

Không có nhận xét nào: