Pages

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Hoạt động ngoại giao dồn dập của Ấn Độ trong tháng Chín.

RFI
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (P) tiếp Ngoại trưởng Mỹ
 John Kerry, tại New Delhi, 01/08/2014 - 
REUTERS
Theo trang thông tin India.com, tháng Chín là tháng rất bận rộn về mặt đối ngoại, đối với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, với năm chuyến thăm, được coi là ưu tiên hàng đầu – bao gồm các chuyến công du nước ngoài và đón khách ngoại quốc tới thăm, trong đó có cuộc viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Pranab Mukherjee – chuyến công du ngoại quốc đầu tiên kể từ khi Ấn Độ có Thủ tướng mới.

Đầu tháng Chín, Thủ tướng Modi sẽ đi Nhật Bản để dự cuộc họp song phương hàng năm và sẽ thảo luận về chủ đề hạt nhân dân sự. Cuối tháng Chín, Thủ tướng Modi sang Hoa Kỳ và có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Barack Obama.
Trước khi Thủ tướng tới Mỹ, Ấn Độ sẽ đón hai vị khách ngoại quốc rất quan trọng : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào giữa tháng và trước đó, là Thủ tướng Úc Tony Abbott.
Trong cùng thời gian này, Tổng thống Mukherjee sẽ thăm Việt Nam, nhằm thúc đẩy chính sách của chính phủ Modi là gia tăng và mở rộng quan hệ với các nước láng giềng. Trước chuyến công du của Tổng thống, Ngoại trưởng Sushma Swaraj sẽ tới Việt Nam vào giữa tháng Tám để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của Tổng thống.
Lãnh đạo có quyền lực nhất của Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt Nam đã thực hiện một chuyến công du cấp Nhà nước tại Ấn Độ vào tháng 11 năm ngoái. Trong chuyến đi này, ông Trọng đã mời Ấn Độ tham gia tìm kiếm dầu khí tại Biển Đông. Đầu tháng Tám, một tàu chiến Ấn Độ đã tham gia tập trận với hải quân Việt Nam ở Biển Đông, khu vực đang có căng thẳng, nơi mà Trung Quốc đang có những động thái gia tăng đòi hỏi chủ quyền. 
Căng thẳng đối đầu giữa tàu bè Trung Quốc và Việt Nam tại vùng biển có tranh chấp hồi đầu tháng Năm, trong vụ giàn khoan Trung Quốc HD-981, đã dẫn đến bạo động tại Việt Nam, nhiều cơ xưởng của người Trung Quốc bị tấn công và công dân Trung Quốc bị giết. Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về các căng thẳng tại Biển Đông và nhấn mạnh đến « tự do lưu thông ở Biển Đông », kêu gọi hợp tác để bảo đảm « an ninh cho các tuyến đường biển và tăng cường an ninh hàng hải ».
Điều trớ trêu là Chủ tịch nước Trung Quốc sẽ tới New Delhi ngay sau khi Tổng thống Ấn Độ từ Việt Nam trở về.
Nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Tony Abbott, New Delhi và Canberra sẽ ký thỏa thuận về hạt nhân dân sự vì các cuộc đàm phán đã kết thúc. Việc ký kết thỏa thuận mở đường cho việc nhập khẩu uranium từ Úc, và Canberra trở thành một trong những đối tác chiến lược của New Delhi.
Thủ tướng Abbott tới thăm Ấn Độ vào ngày 03/09, một ngày sau khi Thủ tướng Narendra Modi về nước, sau chuyến công du Nhật Bản. Ông Modi có kế hoạch thăm Úc nhân Thượng đỉnh G-20, vào tháng 11 tới.
Hiện nay, Ấn Độ cũng đang tìm cách ký kết một dự án hợp tác hạt nhân dân sự với Nhật Bản. Trong cuộc gặp song phương với đồng nhiệm Nhật Bản Fumio Kishida, tại Miến Điện, Ngoại trưởng Sushma Swaraj thông báo là Ấn Độ « rất mong muốn » kết thúc các cuộc thương lượng về dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực hạt nhân dân sự.

Không có nhận xét nào: