Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Điều xảy ra ở Trung Quốc sẽ không nằm yên ở Trung Quốc

Tác giả: Yizhe Daniel Xie, Đại học Waseda
Người dịch: Huỳnh Phan
BRAZIL-BRICS-XI
Kinh nghiệm mà các lãnh đạo Trung Quốc thu được về chính trị trong nước có ảnh hưởng lớn đến cách họ nhìn nhận và xử lý các vấn đề quốc tế. Nhiều nhà quan sát Trung Quốc và các nhà phân tích chính trị thường bỏ qua nguồn gốc trong nước về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, đặc biệt là trong cách TQ thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính quốc tế.
Việc công bố thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS vào ngày 15 tháng 7, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần sáu ở Brazil, biểu hiện một chiến thắng quan trọng của TQ trong vận động cải cách hệ thống tài chính thế giới và thu được nhiều ảnh hưởng hơn trong các tổ chức quốc tế. Thành công này xuất hiện theo sau áp lực liên tục của TQ lên phương Tây, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho phép các nền kinh tế mới trỗi dậy có một sự hiện diện lớn hơn trong hệ thống tài chính.


Tuy nhiên, các nhà phân tích nhầm lẫn khi khung sứ mệnh giành ảnh hưởng lớn hơn thuần tuý như là một chức năng của những mối quan tâm chính sách đối ngoại của TQ. Trong thực tế, cả Ngân hàng Phát triển BRICS lẫn chiến lược rộng lớn hơn mà nó thêm vào, bắt nguồn từ những quan ngại trong nước của các nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách của Đảng Cộng sản TQ.
Mặc dù nằm trong hệ thống chính trị tập trung, cải cách kinh tế của TQ không bao giờ là một quá trình dễ dàng và các nhà cải cách thường gặp sự phản kháng dữ dội từ các nhóm lợi ích. Khi sự phản kháng hung hãn của các nhóm lợi ích đe dọa hoặc trì hoãn việc thực hiện chính sách, các nhà lãnh đạo TQ áp dụng một chiến thuật khác – tận dụng sức mạnh của lực lượng bên ngoài hoặc trực tiếp hoặc uỷ nhiệm tạo ra một tổ chức tương tự để cạnh tranh và gây áp lực lên tổ chức hiện có để thúc ép thay đổi. Ví dụ, khi cải cách doanh nghiệp nhà nước được đưa ra thảo luận, đã có sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ đảng. Thủ tướng lúc đó là Chu Dung Cơ, một nhà cải cách, phản ứng bằng cách đề xướng TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để thu hút các tập đoàn đa quốc gia vào TQ cạnh tranh với các doanh nghiệp nhà nước. Cuối cùng, doanh nghiệp nhà nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận cải cách.
Hiện tượng tương tự cũng đang diễn ra trong nỗ lực của TQ cải cách hệ thống tài chính quốc tế. Khi TQ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, TQ thấy Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) không còn phản ánh tầm vóc và vị thế quốc tế của họ. Bằng cách hợp tác với các nền kinh tế mới trỗi dậy khác, như Ấn Độ và Brazil, TQ tích cực tìm cách đòi hỏi một sự gia tăng tương xứng về quyền biểu quyết trong hai thể chế Bretton Woods này (Ngân hàng Thế giới và IMF) tại Hội nghị thượng đỉnh G20 và các hội nghị quốc tế khác.
Mặc dù có một vài sửa đổi, tỉ trọng lá phiếu của TQ tại Ngân hàng Thế giới và IMF vẫn còn dưới 5%, tức vào khoảng một phần tư tỉ trọng của Mỹ và chỉ hơn một nửa tỉ trọng của Nhật một ít. Ngoài ra, trong ADB, Hoa Kỳ và Nhật Bản lại nắm giữ tỉ lệ lớn nhất về cổ phiếu với 12,78% cho mỗi nước, trong khi TQ chỉ giữ 5,45%. Thất vọng của TQ lại càng tăng thêm bởi sự kiện là nền kinh tế của họ lớn hơn Nhật khoảng 1,9 lần nhưng tất cả các thống đốc được chỉ định của ADB kể từ khi thành lập vào năm 1966 đều là người Nhật.
TQ đã trở nên quyết đoán hơn và ít kiên nhẫn hơn trên trường quốc tế khi Tập Cận Bình nắm quyền vào tháng 11 năm 2012. Điều này có thể thấy được qua các nỗ lực của TQ trong việc định hình lại hệ thống tài chính quốc tế. Theo “giấc mơ TQ” do Tập Cận Bình đề ra, TQ với tư cách là một cường quốc lớn mới trỗi dậy sẽ không còn thụ động chấp nhận bế tắc cải cách trong các tổ chức hiện có, bị các nền kinh tế đã định hình phương Tây chi phối. Việc hệ thống hiện nay không có khả năng đáp ứng nhu cầu TQ được minh chứng qua việc Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn gói cải cách IMF.
Để đối ứng với tình trạng này, và sao chép chiến lược cải cách trong nước, chính phủ TQ đã nỗ lực tiến hành thiết lập các tổ chức quốc tế song song, cạnh tranh khuôn khổ Bretton Woods hiện có và ADB. Để thúc đẩy quá trình này, Chủ tịch Tập Cận Bình chọn Bộ trưởng Tài chính Lou Jiwei (Lâu Kế Vĩ), người chỉ đạo việc thành lập quỹ đầu tư chủ quyền TQ, Tổng công ty Đầu tư TQ (CIC). Sự ra đời của Ngân hàng Phát triển mới, và Thoả thuận Dự trữ dự phòng, là chỉ dấu của chiến lược rộng lớn hơn này và là một cột mốc quan trọng của chính sách đối ngoại chủ động của Tập Cận Bình.
Đó sẽ không phải là điều cuối cùng.
Lâu Kế Vĩ đã cho thấy rõ ràng rằng TQ quyết tâm lập ra Ngân hàng Đầu tư hạ tầng cơ sở châu Á (AIIB). Ngân hàng này dự kiến sẽ xuất hiện trực tuyến với nhiệm vụ thách thức Ngân hàng Phát triển châu Á do Nhật thống lĩnh và qua đó tạo ra các thị trường tài chính châu Á và chính trị khu vực theo hình ảnh của chính họ.
Điều đó nói lên rằng động lực của TQ trong việc tạo ra Ngân hàng Phát triển BRICS và AIIB không chỉ nhằm mục đích thúc ép phương Tây và Nhật Bản cải cách các tổ chức quốc tế. TQ cũng có lợi ích đáng kể trong việc chi tiêu dự trữ ngoại hối vượt mức $ 3.900 tỉ của họ, quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và đảm bảo an toàn những hợp đồng cho các công ty của chính TQ, đồng thời mở rộng ảnh hưởng chính trị và tài chính. Giống như nhiều quốc gia, lãnh đạo TQ quan niệm chính sách đối ngoại là phần nối dài các công việc nội bộ của mình.
Yizhe Daniel Xie là một nghiên cứu sinh tại Trường Đại Học Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương, Đại học Waseda ở Tokyo và là phóng viên đặc biệt của Yazhou Zhoukan (tuần báo Châu Á). Trước đây ông làm việc tại Goldman Sachs ở Bắc Kinh và Công ty chứng khoán IBK (Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc) tại Seoul.
Ông cảm ơn sự ủng hộ và các ý kiến đóng góp củaTiago Mauricio, nhà nghiên cứu WSD-Handa không thường trú tại diễn đànThái Bình Dương, CSIS.

Không có nhận xét nào: