Pages

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Tiến tới đối thoại giữa chính quyền và xã hội dân sự

Nam Nguyên, phóng viên RFA

IMG_0585-600.jpg

Đại diện Mạng lưới Bloggers Việt Nam trao Tuyên bố 258 cho ông Stale Torstein Risa, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Nauy tại Việt Nam sáng 20/9/2013.
Courtesy of tuyenbo258.blogspot.com

Nghe Bài Này

Giới quan sát chính trị cho rằng, dưới chế độ toàn trị nếu nhà nước không muốn một tổ chức xã hội dân sự nào hoạt động độc lập với chính quyền thì chắc chắn nhà nước sẽ làm được.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện sống ở Hà Nội nhận định về xu hướng phát triển xã hội dân sự trong bối cảnh hiện nay. Ông nói:
“Đặc biệt bây giờ một số anh em lập ra mười mấy tổ chức xã hội dân sự, nhưng tôi nhìn thấy là nó còn mỏng lắm, khởi xướng của anh em rất là đáng khuyến khích, đáng hoan nghênh. Nhưng mà cái để đảm bảo các tổ chức đó hoạt động chính là cơ sở pháp luật. Nếu không có Luật lập hội thì làm sao những tổ chức đó có cơ sở phát triển được. Cho nên người ta để như vậy nhưng lúc nào muốn dẹp là dẹp nó không có bảo đảm gì. Cho nên việc thúc đẩy là đòi hỏi phải có luật cơ bản, có nghĩa là bây giờ Việt Nam có một qui trình không bình thường Hiến pháp thì bị luật treo, còn luật thì bị nghị định treo, thông tư treo, đưa ra thì có số liệu nhưng không có hiệu lực thi hành.”
Sáng ngày 5/8/2014, đại diện của 19 tổ chức xã hội dân sự độc lập đã nhóm họp trong vòng 2 giờ tại Văn phòng Công lý Hòa bình, Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở Saigon. Đây là cuộc họp thường kỳ lần thứ ba mà các hội đoàn độc lập tự phát này thực hiện, các cuộc họp thường chú trọng thảo luận tình hình đất nước.
Thông tin ghi nhận một số người bị chính quyền ngăn trở không cho đến dự phiên họp này bằng hình thức công an gởi giấy triệu tập và lịch hẹn trùng khớp với thời gian các cuộc hội họp diễn ra. Ít nhất có 5 thành viên của các Hội đoàn dân sự không đến được phiên họp, trong đó có TS Phạm Chí Dũng chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập, Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển và blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Đã "dễ thở" hơn
Trao đổi nhanh với chúng tôi vào tối 5/8/2014, TS Phạm Chí Dũng người bị triệu tập tới Công an TP.HCM, mà giấy triệu tập ghi là liên quan tới các bài viết trên Internet, đã ghi nhận điều ông gọi là một tín hiệu đáng ghi nhận từ phía nhà cầm quyền. Ông nói:
“Tôi làm việc với cơ quan an ninh điều tra và tôi biết là còn nhiều khó khăn đối với các tổ chức xã hội dân sự độc lập, nhưng dù sao so với hai năm trước thái độ của họ đã mềm đi khá nhiều và so với một năm trước thì bớt khó khăn hơn. Tôi hy vọng trong thời gian tới họ và chúng tôi sẽ có được mối dung hòa chung và có thể giải thích đối thoại thậm chí là chia sẻ với nhau và chúng tôi cũng có thể có điều kiện để chia sẻ phần nào đối với nhà nước Việt Nam về những vấn đề liên quan tới đại sự quốc gia.”
TS Phạm Chí Dũng cho biết ông đã thông báo cho các thành viên Hội Nhà báo Độc lập về tín hiệu mà ông ghi nhận. Đó là ngược lại với những thông tin mà giới dư luận viên trong gần 30 bài viết công kích Hội Nhà báo Độc lập suốt một tháng qua, thì điều tra viên đã không hề đề cập tới “đối lập chính trị” về Hội Nhà báo Độc lập và họ cũng không nói rằng Hội Nhà báo Độc lập ra đời là vi phạm pháp luật Việt Nam theo cách nhìn và quan điểm thường thấy của họ. TS Phạm Chí Dũng nhấn mạnh:
Tôi làm việc với cơ quan an ninh điều tra và tôi biết là còn nhiều khó khăn đối với các tổ chức xã hội dân sự độc lập, nhưng dù sao so với hai năm trước thái độ của họ đã mềm đi khá nhiều ...
- TS Phạm Chí Dũng
“Tôi cho đó là một tín hiệu mà họ dần chấp nhận xã hội dân sự và có thể kể cả việc là họ dần nhìn thấy cái sai từ phái Quốc hội từ phía Nhà nước khi đã suốt 20 năm vừa qua đã không ra được một Luật về tổ chức hội để có thể đảm bảo cho quyền tự do lập hội của người dân.”
Theo TS Phạm Chí Dũng tín hiệu mới của chính quyền xuất phát từ những cam kết quốc tế, đến từ Công ước quốc tế cấm tra tấn, từ việc Việt Nam gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, từ việc Nhà nước Việt Nam cam kết sẽ mở rộng xã hội dân sự có thể liên can tới quyền lập hội. Chủ yếu là từ những tác động quốc tế nó dẫn đến thái độ của nhà nước Việt Nam đối với các tổ chức xã hội dân sự thể hiện với cá nhân ông trong lần triệu tập ngày 5/8/2014.
Blogger Ngô Nhật Đăng, thành viên Hội Nhà báo Độc lập từ Hà Nội phát biểu với Đài ACTD đánh dấu 1 tháng ra đời của tổ chức xã hội dân sự này:
“Thứ nhất về phần hội viên thì có thêm hơn 30 người nữa vào Hội trong đó có vài ba trường hợp đi ra, còn mặt nhân sự lãnh đạo thì không có gì thay đổi. Về những việc sắp tới, trong cuộc họp vừa rồi thì có đặt những mục tiêu rất là cụ thể. Việc thứ nhất là tập trung xây dựng hai tờ báo có nó chuyên nghiệp hơn, các bài vở được tốt hơn và có những nội dung cụ thể cho gần cuộc sống hơn, có những chương trình đào tạo, hội thảo nhắm tới các bạn trẻ và việc mời thêm những nhà báo có kinh nghiệm để viết bài cho báo.”
Một số ý kiến cho rằng nhà nước Việt Nam trong xu thế hòa nhập cởi mở với thế giới và đang cần tới phương tây thì không thể có cách nào khác là phải chấp nhận các tổ chức xã hội dân sự.  Hiến pháp Việt Nam qui định các quyền căn bản của công dân trong đó có các quyền lập hội, biểu tình... việc cải cách rất dễ dàng chỉ cần Quốc hội được Bộ Chính trị Trung ương Đảng bật đèn xanh ban hành các bộ luật thi hành Hiến pháp là xong. Tuy vậy sự kiện diễn ra gần đây nhất, liên quan đến việc Luật sư Nguyễn Đăng Trừng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM bị khai trừ Đảng trong quá trình tranh đấu cho tính độc lập của hoạt động Luật sư, làm cho người ta nghi ngờ về khả năng Đảng chấp nhận cải cách một cách tích cực
.

Không có nhận xét nào: