Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Giữa Nga và Trung Quốc, Mông Cổ chọn Washington

Chủ tịch Trung Quốc (T) và Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj (P).
 Ảnh chụp ngày 21/08/2014, tại Ulan Bator. - 
Reuters
Tú Anh
Trước sau không đầy hai tuần lễ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin lần lượt đến thủ đô Oulan-Bator. Sự kiện này biểu lộ vị thế tế nhị khó khăn của Mông Cổ. gần một phần tư thế kỷ sau ngày Liên Xô sụp đổ, quốc gia Trung Á giàu tài nguyên này chưa hoàn toàn “thoát Nga” nhưng lại có nguy cơ bị Trung Quốc kềm chế bằng kinh tế.

Trong chuyến công du Mông Cổ ngày 22/08 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình long trọng tuyên bố “ tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mông Cổ”.
Lãnh đạo Bắc Kinh tự cảm thấy cần phải trấn an Quốc hội Mông Cổ vì nhiều lý do mà đặc biệt hơn hết là công luận Mông Cổ lo ngại Bắc Kinh chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên qua những hợp đồng bất lợi cho đất nước.
Tại quốc gia “vệ tinh” của của Liên Xô trước đây, kỹ nghệ quặng mỏ chiếm đến 20% tổng sản lượng quốc nội. Do vậy, nhượng quyền khai thác cho các tập đoàn nước ngoài luôn là một vấn đề nóng bỏng. Tài nguyên dồi dào của Mông Cổ đang làm cho Trung Quốc thèm muốn và đã trở thành nguồn đầu tư số một, gần như độc quyền nhập khẩu đồng và than đá.
Trung Quốc còn là bạn hàng xuất khẩu hàng tiêu dùng giá rẻ sang Mông Cổ. Chỉ trong vòng có 10 năm, trao đổi thương mại giữa hai nước đã tăng từ 341 triệu đôla lên 6 tỷ (năm 2013) theo tin của Tân Hoa Xã.
Tình trạng này làm Mông Cổ rất lo ngại nhất là dân số ít ỏi, chỉ độ 3 triệu người, mà phải bảo vệ một diện tích gần gấp 5 lần Việt Nam. Thêm vào đó, do giá than đá sụt giảm trên thị trường quốc tế, giới đầu tư cũng rút dần ra khỏi Mông Cổ.
Chuyên gia Shurkuu Dorj, giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế ở Oulan-Bator nhận định là Mông Cổ rất cần đầu tư nước ngoài và Trung Quốc cho nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, ông cảnh báo là phải “dè chừng Trung Quốc” và đây là một “thách thức lớn” của đất nước khi làm ăn với Bắc Kinh.
Chỉ không đầy hai tuần lễ sau chuyến viếng thăm của Tập Cận Bình với một loạt thỏa thuận cho Mông Cổ xuất khẩu than đá và kim loại sang Trung Quốc, đến lược Vladimir Putin đến Oulan-Bator để ký nhiều hợp đồng thương mại và để kỷ niệm “quan hệ lịch sử” giữa hai nước hôm 03/09.
Theo ghi nhận của giới phân tích thì có sự trùng hợp ngẫu nhiên về thời điểm qua sự kiện lãnh đạo Trung Quốc và Nga, kẻ trước người sau, đến Mông Cổ gặp Tổng thống Tsakhiagiyn Elbeegdorj.
Julian Dierkes, chuyên gia về Mông Cổ thuộc đại học British Columbia lưu ý chính sách đối ngoại của Mông Cổ đặt trên nền tảng “quân bình” giữa Nga và Trung Quốc.
Chính vì để tự vệ trước tham vọng xâm lược của Trung Hoa mà vào đầu thế kỷ 20, Mông Cổ bắt tay với Nga và sau đó là theo Liên Xô.
Đến năm 1990, Mông Cổ thành công thoát khỏi chế độ độc tài cộng sản nhưng không hoàn toàn thoát được ảnh hưởng của Matxcơva, phần lớn vì nhu cầu năng lượng: khí đốt, dầu hỏa.
Thật ra, theo chuyên gia chính trị quốc tế Sergey Radchenko,đại học Aberystwyth, Anh Quốc, thì Nga đã mất ảnh hưởng tại Mông Cổ từ lâu. Để phục hồi uy thế, Matxcơva đã xóa nợ cũ của Mông Cổ từ thời Liên Xô và tham gia vào một số dự án xây dựng hạ tầng và mỏ quặng nhưng không tạo lại được trọng lượng như Vladimir Putin từng hy vọng.
Trong tinh thần giữ gìn độc lập, Oulan-Bator theo đuổi chính sách “ con đường thứ ba”: vừa duy trì hòa khí với Nga và Trung Quốc, vừa mở rộng quan hệ mật thiết với các nước Á châu khác đặt biệt là Nhật Bản mặc dù nhiều quan sát viên cho rằng Hoa Kỳ thực sự đã trở thành “láng giềng thứ ba” của Mông Cổ.
Washington đã tiến hành các biện pháp tăng cường hợp tác quân sự với Oulan-Bator và kỳ vọng vào nền dân chủ non trẻ ở Trung Á này đóng vai trò đối trọng với hai chế độ độc tài Nga –Trung.
Mặc dù một bộ phận dân chúng vẫn gắn bó với Nga về văn hóa và chính trị và nhiều người Mông Cổ nói tiếng Nga nhưng theo nhà nghiên cứu Franck Billé, đại học Cambridge, Mông Cổ tự cho có cùng nền văn hóa với Tây phương và muốn chứng tỏ khác biệt với các nước châu Á khác.

Không có nhận xét nào: