Pages

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Hong Kong và Trung Quốc: Khóc Thương Giấc Mộng Dân Chủ


1409558718263_wps_5_Pro_democracy_lawmakers_hYang Hengjun | Hong Kong’s Apple’s Daily
Trần Quỳnh Vi – Trịnh Hữu Long chuyển ngữ
Con Đường Việt Nam: Sinh viên các trường Đại học Hong Kong vừa đưa ra những tuyên bố ủng hộ biểu tình để đòi hỏi quyền tự do bầu cử cho chức vụ Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong năm 2017.
Người dân Hong Kong trước đó đã đồng loạt xuống đường, có lúc lên đến cả trăm nghìn người. Vậy họ đang đòi hỏi điều gì? Họ đang đòi hỏi chính quyền Trung Quốc phải chấm dứt sự can thiệp vô lý và sự tước đoạt trắng trợn quyền tự do bầu cử theo luật định của Hong Kong cho chức vụ Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong năm 2017.

Ngày 31 tháng Tám 2014, Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc đã ra một nghị quyết về việc bầu chọn cho chức vụ nêu trên và nội dung của nghị quyết đã làm người dân Hong Kong quyết định đã đến lúc họ phải có hành động cụ thể để bảo vệ nền dân chủ của mình. Chính quyền Bắc kinh, thông qua nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội muốn biến cuộc bầu cử năm 2017 tại Hong Kong thành một hình thức “Đảng cử dân bầu” khi những ứng cử viên phải được chính quyền Trung Quốc đề cử và chấp nhận. Đây là một hành động vi phạm luật pháp Hong Kong hiện hành cũng như là sự vi phạm các cam kết mà Trung Quốc đã ký với Quốc Tế khi Hong Kong được trao trả vào năm 1997.
Chúng ta hoàn toàn có khả năng ủng hộ những người dân Hong Kong trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền dân chủ của họ trước nhà cầm quyền Bắc Kinh. Ủng hộ họ bằng cách đưa tin, theo dõi và cả vận động cho họ nếu bạn ở các nước Tây phương. Occupy Central Movement là một tổ chức đã đứng ra vận động cho cuộc đấu tranh này tại Hong Kong:
Chúng ta phải cho chính quyền Trung Quốc biết họ không thể ngang ngược tước đi tự do, dân chủ ở Hong Kong vì chúng ta sẽ đồng hành bảo vệ những giá trị ấy với người dân ở đó.
Phong Trào Con Đường Việt Nam (Vietnam Path Movement) và các thành viên sẽ tiếp tục đưa tin cập nhật cũng như sẽ có thông báo chính thức về sự ủng hộ của Phong Trào đối với cuộc đấu tranh giữ gìn nền dân chủ của người dân Hong Kong.
#hongkongfightfordemocracy #occupycentralmovement

YANG HENGJUN – HONG KONG VÀ TRUNG QUỐC: KHÓC THƯƠNG GIẤC MỘNG DÂN CHỦ

Phương pháp hành xử của Bắc Kinh về vụ việc Hong Kong là một đòn đập tan những hy vọng cao xa hơn về một nước Trung Hoa dân chủ
Ngày 31 tháng 8, tôi nhìn thấy đoạn tin trên Tân Hoa Xã: cuộc bầu cử cho chức vụ Trưởng Đặc khu hành chính Macau đã hoàn tất. Ứng cử viên duy nhất Fernando Chui (Thôi Thế An), đã nhận được 380 phiếu bầu để chiến thắng cuộc tuyển cử lần thứ tư ở Macau cho chức vụ Trưởng Đặc khu hành chính. Trong buổi trưa cùng ngày, tôi đọc thêm tin tức từ Tân Hoa Xã: Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua “Nghị quyết của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội trong những vấn đề liên quan đến việc bầu chọn Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong.” Ngay sau đó, tôi nhận được môt tin nhắn trên điện thoại cầm tay: “Occupy Central sẽ họp tối nay từ 19 giờ đến 21 giờ.”
Những tin tức cập nhật này nhấn chìm tôi vào một cảm giác khủng hoảng. Rất nhanh chóng, tôi cảm thấy buồn rầu mà không rõ lý do. Tôi được gửi đến Hong Kong với tư cách là nhân viên của một công ty Trung Quốc và tôi đã làm việc ở đây từ năm 1997. Tôi cũng đã ở Hong Kong hơn phân nửa thời gian trong vòng bốn năm qua. Bạn có thể nói tôi là một người đại lục khá thân thuộc với Hong Kong. Nhưng quan trọng hơn cả là những gì tôi hiểu về người Hong Kong đã giúp tôi có được sự thấu hiểu sâu xa hơn về bản thân cũng như về những người Trung Hoa đại lục nói chung. Dân trí của người Hong Kong và đặc tính chung của họ được xếp vào hạng đáng nể nhất trển thế giới. Tuy rằng Hong Kong đã và đang tồn tại ở khe hở giữa Trung Hoa và Anh quốc từ năm 1840, mảnh đất này đã đạt được vị trí của một thành phố tự do trưởng thành nhất trên thế giới và là nơi nhà nước pháp quyền lên ngôi. Tôi tự suy ra từ những kinh nghiệm của bản thân về sự khác biệt giữa người đại lục và người Hong Kong.
Nhưng hôm nay, điều này lại chính là cội nguồn cho nỗi buồn của tôi. Tôi vẫn luôn quan tâm đến Hồng Kông. Tôi có những mối liên hệ với vài quan chức nhà nước ở đại lục cũng như giới trí thức có nghiên cứu về Hong Kong, và cũng chẳng cần nhắc đến là tôi đã luôn nhìn thấy các vị ấy trả lời với đầy vẻ tự tin trên các chương trình truyền hình hoặc trên các tạp chí. Mỗi lần tôi nghe họ nói về Hong Kong, tôi luôn có một cảm giác lo lắng và thậm chí là sợ hãi. Tôi có một nỗi lo sợ sâu xa là họ sẽ bất chợt nảy ra những sáng kiến mới để kiến tạo một phương pháp “quản lý” người Hong Kong.
Không có gì để phải ngạc nhiên ở đây – Các quan chức Đảng luôn luôn có cùng thái độ và phương thức để quản lý từng thành phố ở Trung Quốc. Trong mắt họ, những người dân cư trú tại nỗi địa phương đều như nhau. Khi họ nói về “lòng yêu nước,” có bất kỳ người đại lục nào mà lại không hiểu? Cho đến cuối cùng, điều mà họ thật sự muốn nói đó là tình yêu dành cho các quan chức nhà nước của Đảng. Nhưng xin hãy nhìn vào sự tham nhũng ở từng cấp bậc: hãy nhìn vào sự vô liêm sỉ của Xu Caihou, người đã từng nắm giữ quyền lực quân đội, và tên đáng ghét Zhou Yongkang, người giám sát mạng lưới an ninh quốc nội của Trung Quốc. Hãy nhìn vào tình hình hiện nay, khi mà dường như mỗi vị lãnh đạo đều tham nhũng: Như vậy, họ có thể nào mong đợi người dân đồng thuận việc yêu mến các quan chức Đảng viên với lòng yêu nước? Tạm thời, người dân đại lục không có chọn lựa – nhưng người Hong Kong, với sự tự do và nhà nước pháp quyền của họ, có.
Sau bao nhiêu năm biết về Hong Kong, tôi nhận ra rằng tất cả người Hong Kong đều là người Trung Quốc, tuy nhiên người Hong Kong chắc chắn không muốn trở thành người đại lục trong văn hóa và suy nghĩ. Điều mong mỏi mà mỗi người Hong Kong cố gắng đòi hỏi là một cuộc bầu cử dân chủ, mỗi người dân có một lá phiếu cử tri. Tôi không bao giờ tin dù chỉ trong một giây là người Hong Kong sẽ bầu lên một người chống lại chính quyền trung ương, hoặc là căm ghét Trung Quốc và yêu nước ngoài. Nhưng người Hong Kong thật sự lo ngại rằng nếu những ứng cử viên cho chức vụ Trưởng đặc khu hành chính được đề cử bởi một nhóm nhỏ, thì như vậy vị Trưởng đặc khu hành chính của họ cũng sẽ như các vị bí thư Đảng hay thị trưởng cùng một kiểu na ná nhau, mà chúng ta hiện đang có ở đại lục. Điều lo ngại này có thật sự khó hiểu lắm không?
Khi các vị quan chức chính phủ dùng đến những cây dùi cui với tên gọi “lòng yêu nước” hay “an ninh quốc gia” để dạy người Hong Kong một bài học, họ có biết rằng những người Trung Quốc trong chúng tôi mà đã từng được ra nước ngoài thường xuyên khoe khoang về Hong Kong, “hòn ngọc phuơng đông” của Trung Quốc? Hong Kong có được một nhà nước pháp quyền với phẩm chất tốt nhất và những chuẩn mực đạo đức cao; một xã hội ngăn nắp và tình trạng an ninh tốt.
Tại sao nỗi buồn của tôi lại tột cùng đến thế? Đó là bởi vì, mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu tìm kiếm dân chủ và chủ nghĩa hợp hiến cả trăm năm trước, những điều đó vẫn là những ước mơ xa tầm tay ngày hôm nay. Đầu tiên, người ta cho rằng Trung Quốc vốn quá nghèo và không thể chấp nhận nổi dân chủ, vì vậy mọi người dồn hết sức lực để kiếm tiền, bất chấp đó là “mèo trắng hay mèo đen”. Khi chúng ta đã giàu có lên, thì họ lại nói đặc tính của người Trung Quốc còn quá thấp kém và cũng không thích hợp cho dân chủ, và chúng ta lại một lần nữa nghe lời – chúng ta cố gắng học hành thật chăm chỉ và hy vọng rằng họ sẽ nghĩ là chúng ta đã chạm đến được trình độ tính cách mà họ đòi hỏi. Khi hệ thống giáo dục đã đạt đến một điểm nhất định, họ lại đột ngột bảo rằng dân chủ không thích hợp cho Trung Quốc – đó là một hệ thống Tây phương.
Và vì vậy, chúng ta đã bắt đầu phản đối bằng cách đòi hỏi, “Hãy cho chúng tôi một hệ thống Đông phương – cho chúng tôi dân chủ với đặc tính của Trung Quốc.” Và họ đã trả lời: “Quý vị đang sống trong một thể chế dân chủ đấy chứ, quý vị không cảm nhận được sao? Quý vị không biết đến sự may mắn của bản thân!” Và như thế họ đã bắt đầu bảo vệ sự ổn định; họ đã bắt đầu đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Nhìn đến Hong Kong và nghĩ về Trung Quốc, nỗi buồn của tôi như lớp màn khói bụi ở Bắc Kinh – thật khó để xua tan.
Yang Hengjun là một học giả Trung Quốc độc lập, một nhà văn, và một blogger. Ông đã từng làm việc ở Bộ Ngoại Giao Trung Quốc và là một nghiên cứu sinh tốt nghiệp tại Atlantic Council ở Washhington, D.C. Giáo sư Yang nhận bằng Tiến sĩ từ trường Đại học Công nghệ ở Sydney, Úc. Trang blog tiếng Trung Quốc của ông nổi bật trong các vấn đề Trung Quốc đương đại, quan hệ quốc tế và các bài viết của ông nhận được hàng triệu lượt đọc. Trang blog của giáo sư Yang có thể được truy cập tại www.yanghengjun.com.
Bài viết này được đăng bằng bản gốc tiếng Trung trên trang bình luận (op-ed) của nhật báo Apple Daily ở Hong Kong. Bài gốc có thể tìm thấy tại đây.
Trần Quỳnh Vi – Trịnh Hữu Long chuyển ngữ
Nguồn: The Diplomat

Không có nhận xét nào: