Pages

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

Đô đốc hải quân Mỹ chỉ trích Trung Quốc gây mất ổn định khu vực

BienDong.Net: Theo Washington Times, Đô đốc hải quân Mỹ phụ trách khu vực Châu Á đã chỉ trích giới chức Trung Quốc cố ý gây bất ổn định khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông thay vì sử dung sức mạnh kinh tế và quân sự để duy trì hòa bình và an ninh khu vực.
"Trung Quốc là quốc gia lãnh đạo khu vực và có thể sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tương lai không xa", Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
"Họ phải có trách nhiệm lãnh đạo và bảo vệ an ninh khu vực", ông cho biết. "Nói thẳng ra, trong quan điểm của tôi thì Trung Quốc đang làm những điều ngược lại trong những năm gần đây".

Đô đốc Locklear cũng cho rằng quan hệ Mỹ - Trung về tổng thể chỉ có "80% tích cực". Tuy nhiên, trong bối cảnh chính quyền Obama đang có chính sách "tái cân bằng" về đối ngoại, sự chỉ trích của ông đối với Trung Quốc là tín hiệu cho thấy sự thất vọng của giới quân sự Mỹ đối với Bắc Kinh.
Tuyên bố của Đô đốc Locklear được đưa ra chỉ một tuần sau khi Lầu Năm Góc chỉ trích máy bay tiêm kích Trung Quốc có hoạt động ngăn chặn một máy bay P-8 Poseidon của hải quân Mỹ trên vùng trời ngoài khơi bờ biển Trung Quốc.
Sự kiện này diễn ra hôm 19/8 khi một máy bay chiến chiến đấu Trung Quốc bay cách chiếc máy bay Poseidon chỉ 10 mét, đã gây ra lo ngại trong giới chức Mỹ rằng Bắc Kinh đang sử dụng lại chiến thuật đã hủy hoại mối quan hệ quân sự Mỹ - Trung năm 2001, khi một chiếc máy bay phản lực Trung Quốc va chạm với một máy bay do thám Mỹ.
Tuy nhiên Đô đốc Locklear không đề cập đến những vụ đối đầu này trong một cuộc hội đàm bàn tròn với các phóng viên quốc tế được tổ chức tại Trung tâm Đông Tây ở Hawaii hôm thứ Năm.
Thay vào đó, ông đã đề cập đến các hành động do Trung Quốc tiến hành thời gian gần đây, trong đó có việc Trung Quốc hồi tháng Năm đã đưa một giàn khoan ra vùng biển tranh chấp gần quần đảo Hoàng Sa ngoài khơi bờ biển Việt Nam.
"Nếu quý vị nhìn vào tình hình trên Biển Đông hồi năm ngoái thì sẽ thấy đã có một nỗ lực đáng kể của Trung Quốc nhằm thay đổi thực địa theo hướng có lợi cho họ", ông tuyên bố. "Đưa một giàn khoan vào vùng biển tranh chấp mà không tham vấn Việt Nam không phải là một động thái mà một quốc gia lãnh đạo khu vực nên làm".
Khi Trung Quốc rút giàn khoan vào giữa tháng 7 do Việt Nam phản đối mạnh mẽ, Đô đốc Locklear cho rằng sự kiện này phù hơp với xu hướng chống Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự để gây áp lực đối với các nước láng giềng nhỏ hơn.
Ông đã ám chỉ việc Bắc Kinh vào cuối năm ngoái đơn phương thiết lập một khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) trên khu vực biển Hoa Đông, cụ thể là quan chuỗi đảo có sự tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Sau khi Mỹ có phản ứng mạnh mẽ đối với động thái này, Bắc Kinh đã cho rằng Mỹ đang can thiệp một cách không công bằng vào khu vực Đông Á và rằng các lãnh đạo Mỹ và Nhật Bản đã phản ứng quá mức đối với sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực.
Hôm thứ Năm, Đô đốc Locklear đã không mô tả cụ thể về việc làm thế nào Trung Quốc có thể khẳng định vai trò lãnh đạo an ninh khu vực mà không gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng như Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng bước đầu tiên Trung Quốc có thể làm là cần có sự "minh bạch" hơn đối với các nước láng giềng.
Ông cho rằng, nếu không có sự minh bạch, Mỹ sẽ buộc phải theo sát hơn các hành động của Trung Quốc trong việc "thiết lập quyền tài phán của nước này trên một khu vực tranh chấp rộng lớn, nhằm độc chiếm nguồn khai thác cá và tài nguyên".
Đô đốc Locklear cho biết, căng thẳng trong khu vực được gây ra bởi các hành động đó của Trung Quốc cũng như việc nước này "không muốn sử dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp" - một cơ sở quan trọng mà chính quyền Obama đã dành 6 năm qua để thúc đẩy nhằm giảm nguy cơ đụng độ quân sự giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.
"Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền Trung Quốc minh bạch hơn, và tích cực tham gia vào các diễn đàn luật quốc tế", Đô đốc Locklear cho biết. "Có thể họ có lý do biện minh cho các hành động mà họ đang tiến hành, nhưng các lý lẽ này phải được được đưa ra trước các thiết chế quốc tế, và họ cần phải minh bạch hơn về các hành động đang tiến hành".
Hồi đầu tháng 8, Ngoại trưởng John Kerry đã chính thức đề nghị các nước ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản dừng các hành động gây hấn trên các quần đảo tranh chấp trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này và cho rằng Mỹ đang tìm cách can thiệp vào khu vực.
BDN

Không có nhận xét nào: