Pages

Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Thiếu trình độ hay thiếu trách nhiệm?

 
Các dự án đường sắt đô thị ở VN hầu hết đều bị đội vốn, 
ít cũng tăng 60%, nhiều thì đến trên 160%. Ảnh : TL.

Cuộc họp của Bộ Giao thông Vận tải về tiến độ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM đã bộc lộ một mảng xám trong quá trình chuẩn bị đầu tư các công trình có chi phí lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng này.

Tất cả đều chậm tiến độ. Tất cả đều đội vốn, ít cũng tăng 60%, nhiều thì đến trên 160%, tức là tăng hơn 2,6 lần so với ban đầu. Lý do chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư không còn là khó giải phóng mặt bằng như thường thấy, mà do thiếu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Một lý do mà thoạt nghe thấy hợp lý.

Từ thông tin trong cuộc họp, chúng ta thấy nổi lên hai vấn đề chính:

Thứ nhất, tất cả nghiên cứu khả thi (FS) của các dự án đều được thực hiện sơ sài, nên đến giai đoạn thiết kế kỹ thuật đã phát sinh nhiều và buộc phải điều chỉnh lại và tất yếu là phải xin phê duyệt lại dự án, dẫn đến tăng chi phí và chậm tiến độ.

Thứ hai, do phía Việt Nam non về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, nên tư vấn nói sao phải nghe vậy và khi đàm phán hợp đồng bị ép.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao các nghiên cứu khả thi được đánh giá là sơ sài đó lại lọt qua được hết các cấp thẩm định và cuối cùng vẫn được phê duyệt. Cần biết rằng, nghiên cứu khả thi là bước rất quan trọng để đánh giá tính khả thi của một dự án, trong đó nội dung quan trọng nhất là hiệu quả về kinh tế - xã hội.

Phải chăng khi lập dự án chủ đầu tư đã cố tình “làm đẹp” nghiên cứu khả thi để dự án dễ được duyệt, đưa dự án vào tình trạng đã “lỡ phóng lao phải theo lao” buộc Nhà nước không còn cách nào khác là phải cho tăng vốn. Nghi vấn này không phải không có cơ sở. Ngay tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, đã nói về việc tăng vốn hai lần của tuyến Nam Thăng Long như sau: lỗi do ban đầu khi lập dự án mới chỉ là “cái vỏ” để ký hợp đồng vay vốn.

Ngược lại, nếu các nghiên cứu khả thi sơ sài là sản phẩm của các công ty tư vấn kém cỏi chuyên môn và kinh nghiệm, thì câu hỏi lại là “vì sao chúng ta lại chọn những công ty kém cỏi như thế làm tư vấn?”. Do họ chạy chọt, như trường hợp Công ty Tư vấn Nhật Bản (JTC) đã bị phanh phui, hay còn lý do nào khác?

Việc các chủ đầu tư không có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm liên quan đến dự án của mình là điều rất bình thường. Chính vì thế mà chủ đầu tư mới phải thuê tư vấn, là những người am hiểu trong lĩnh vực đó, để trợ giúp cho mình. Thế nhưng, các cơ quan nắm vai trò thẩm định tính khả thi của dự án, thẩm định về thiết kế kỹ thuật... thì không thể nói là do thiếu trình độ và kinh nghiệm. Nếu không đủ sức thẩm định thì phải thuê người đủ trình độ chuyên môn để trợ giúp. Đáng lo ngại nhất là các cơ quan thẩm định không đủ chuyên môn và kinh nghiệm, nhưng vẫn đặt bút ký vào các biên bản thẩm định để bật đèn xanh cho dự án được thông qua.

Khi ông Ngô Anh Tảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nói về thiết kế của dự án metro số 1 ở Hà Nội là đường sắt chạy ba ray mà “trên thế giới chưa có đường sắt nào như vậy”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã hỏi lại ngay: “Căn cứ vào đâu lại phê duyệt thiết kế không giống ai?”. Câu hỏi của ông Thăng đã không có câu trả lời. Thế nhưng, chủ đầu tư đã biết “thế giới chưa có đường sắt nào như vậy” nhưng vẫn phê duyệt thiết kế, đó là do thiếu trình độ hay thiếu trách nhiệm?

(Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Không có nhận xét nào: