Pages

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Triều Tiên "thoát Trung": Bắc Kinh bắt đầu cuống?

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể tới Trung Quốc trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền.
 Thông tin trên được hãng tin Yonhap dẫn lời Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc Qiu Guohong cho biết.

“Tôi nghĩ rằng chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong Un sẽ thành hiện thực vào một thời điểm nào đó trong tương lai. Trung Quốc và Triều Tiên đã duy trì một mối quan hệ bình thường và đã có những cuộc trao đổi bình thường các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước”, ông Qiu Guohong nói.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không thăm Triều Tiên nhưng lại có chuyến thăm cấp nhà nước đến Hàn Quốc vào tháng 7, một hành động khi đó được đánh giá là “làm mất mặt” Bình Nhưỡng.

“Tôi không nghĩ điều đó có liên quan chặt chẽ đến câu hỏi liệu quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên là tốt hay xấu”, ông Qiu nói, ý đề cập đến thời điểm ông Kim đến Trung Quốc.

Ông Kim Jong Un chưa hề thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền
Ông Kim Jong Un chưa hề thăm Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền
Thông tin Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un đang dần "thoát Trung".Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại quốc tế Hàn Quốc (KITA), kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm tới hơn 50% trong nửa đầu năm nay.

Đặc biệt, vào thời điểm này, đoàn quan chức cấp cao Triều Tiên đã tiến hành chuyến công du tới hàng loạt nước châu Âu và sắp tới là Mỹ nhằm tìm kiếm những đối tác mới.

Trung Quốc là đồng minh thân cận nhất và là người bảo trợ duy nhất của Triều Tiên trong hàng chục năm qua. Tuy nhiên, từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền, mối quan hệ Trung-Triều đã có những trục trặc nghiêm trọng. Ông Kim chưa hề sang thăm Trung Quốc, trong khi đó cha ông trong thời gian nắm quyền 7 lần sang thăm Trung Quốc. Tương tự, ông Tập Cận Bình đã đi thăm rất nhiều nước trên thế giới, nhưng chưa hề thăm Triều Tiên. Cho tới nay, hai nước chưa hề có gặp gỡ thượng đỉnh.

Trên thực tế, Kim Jong Un đã hai lần cử phái viên sang thăm dò vào tháng 8/2012 và tháng 5/2013, nhưng phía Trung Quốc tỏ ra lạnh nhạt và từ chối thẳng thừng những yêu cầu viện trợ của Triều Tiên. Kể từ đó, Kim Jong Un bắt đầu thực hiện giữ cự ly với Trung Quốc.

Có vẻ như tới thời điểm này, nhìn thấy quá trình "thoát Trung" đang được đẩy nhanh của Triều Tiên, Bắc Kinh đã bắt đầu cuống, bởi mất Triều Tiên, đó chính là mối đe dọa nghiêm trọng đối với Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, về quân sự và địa chiến lược, hiện nay sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong điều kiện xã hội bị mất ổn định, số vũ khí hạt nhân này nếu không được quản lý chặt chẽ nghiêm ngặt sẽ là mối đe dọa trực tiếp gây hiểm họa đối với Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong trường hợp Triều Tiên vẫn giữ được ổn định xã hội, nhưng lại xa lánh Trung Quốc, gần gũi gắn bó với Nhật, Mỹ thì một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân ngay gần kề cũng là một hiểm họa đối với Trung Quốc.

Sở dĩ Trung Quốc viện trợ và cam chịu thiệt thòi về kinh tế để nhằm mục đích chủ yếu là xây dựng tấm lá chắn và khu đệm với Nhật, Mỹ. Một khi khu đệm và tấm lá chắn này mất đi thì thế trận và cục diện địa chiến lược của Trung Quốc ở Đông Bắc Á bị vỡ. Nhật, Hàn, Triều Tiên và Đài Loan đều thân Mỹ là điều đáng sợ và sẽ làm đảo lộn thế cờ chiến lược của Trung Quốc ở Đông Bắc Á.

Về ngoại giao, Triều Tiên xa lánh Trung Quốc chứng tỏ một thất bại lớn về chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Trong khi, Trung – Nhật đang đối đầu nhau ở Đông Bắc Á, nay có Triều Tiên hùn vào đã trở thành một biến số mới đe dọa Trung Quốc.

Chính sách "thoát Trung" đang khiến Triều Tiên trở nên khó lường đối với Trung Quốc. Bởi vậy, tuyên bố của đại sứ Trung Quốc giống như một sự xoa dịu Triều Tiên cũng như lời cảnh báo đối với các nước đang nhăm nhe nhảy vào Triều Tiên nhân lúc quan hệ Trung-Triều "cơm không lành, canh không ngọt". Dù vậy, với một người như ông Kim Jong Un, có lẽ Trung Quốc cần hành động nhiều hơn là một lời nói suông.

An Nhiên

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: