Pages

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Hiệu Minh - Thiên An Môn phiên bản 2.0?

Thế giới vừa tưởng niệm ¼ thế kỷ sự kiện Thiên An Môn (Tiananmen ) cách đây 6 tháng, thì nay tại Hong Kong đang có một sự kiện tương tự, cũng khởi đầu bằng đòi hỏi về dân chủ và đều do thanh niên tổ chức.
Ngày 15-4-1989, sau cái chết của Hồ Diệu Bang, có tới 400 thành phố và địa phương tại Trung Quốc đã tổ chức tang lễ, biết ơn người khởi xướng cải cách. Sau đó, các cuộc biểu tình biến thành phản đối chính phủ do lạm phát và tham nhũng tràn lan.

Khi đó khoảng 10 ngàn sinh viên biểu tình ngồi trên Thiên An Môn. Vài ngàn sinh viên còn đến trước Trung Nam Hải, trụ sở của chính phủ, đòi gặp mặt đại diện của chính phủ, nhưng đã bị an ninh giải tán. Dường như vụ xô xát  này đã kích động dân chúng quay sang ủng hộ giới trẻ nhiều hơn.

Vài ngày sau, có hàng triệu người đổ về quảng trường , phần đông là giới trẻ, sinh viên, trí thức, biểu tình trong nhiều tuần liền.

Khi cảm thấy đảng độc tôn bị thách thức bởi dân chủ, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh “tắt đèn nổ súng” vào đêm 4-6-1989, xe tăng và lính tiến vào trung tâm, tàn sát người biểu tình. Khoảng 2600 người bị chết theo số liệu của báo chí quốc tế, hàng chục ngàn bị thương.

Xe tăng và họng súng của những nhà lãnh đạo cộng sản nửa văn minh, nửa phong kiến, tàn bạo, coi máu người như nước lã, đã chấm dứt giấc mộng dân chủ của một đất nước hơn một tỷ dân.

Sau ¼ thế kỷ, tại Hong Kong có một sự kiện khác chưa lôi kéo được hàng triệu người đổ ra đường như Thiên An Môn, nhưng cũng đủ làm Bắc Kinh đau đầu.

Ngày 22-9-2014, hàng ngàn sinh viên và học sinh tập trung trong công viên trước trụ sở chính quyền Hong Kong để phản đối chính quyền Bắc Kinh về việc bầu chọn lãnh đạo cho đặc khu hành chính được hưởng qui chế “một nhà nước hai chế độ”. Tin cho hay, cùng ngày có tới 13.000 sinh viên bãi khóa.

Thủ tục bầu lãnh đạo ở Hong Hong vào năm 2017 đã gây căng thẳng trong thời gian qua, có nhiều cuộc biểu tình của cả hai phía ủng hộ và phản đối.

Trước đó, Bắc Kinh từng hứa cho dân Hong Kong bầu lãnh đạo trực tiếp trưởng đặc khu vào năm 2017. Nhưng vào đầu tháng Tám, họ quyết định, cử tri Hong Kong chỉ có thể bầu chọn từ một danh sách do một ủy ban đề cử. Mà ủy ban này là con rối của Bắc Kinh.

Phía dân chủ cho rằng đây là mẹo giúp Bắc Kinh loại bỏ những ứng cử viên mà họ không thích. Tuy nhiên, phe ủng hộ lại lý luận, biểu tình chỉ làm rối loạn và phá hoại đặc khu Hong Kong.

Một người biểu tình trẻ nói với CNN “All the candidates will be pre-selected by Beijing … It’s more or less like North Korea – Nếu mọi ứng viên phải được Bắc Kinh lựa chọn trước, thì ít nhiều giống như Bắc Triều Tiên”.

Phong trào này sau một tuần biến thành Chiếm giữ trung tâm – Occupy Central. Ngày 30-9, chính quyền và biểu tình cương quyết không tỏ ra nhượng bộ. Lãnh đạo của Hong Kong CY Leung kêu gọi người biểu tình ngừng chiến dịch “ngay lập tức”Cho đến tối 30-9, hàng ngàn người vẫn nằm lại trên đường cao tốc, nhất định không lui.
Theo dự kiến, ngày 1-10 kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Trung quốc, sẽ có nhiều người đổ ra đường, bởi vào đêm Chủ nhật (28-10-2014), cảnh sát đã phun hơi cay vào người biểu tình ôn hòa, bùng lên sự giận dữ trong dân chúng. Giống như sự kiện Thiên An Môn 25 năm trước, nếu ủng hộ biểu tình, dân chúng sẽ ra đường.

Người thanh niên đứng chặn xe tăng. Ảnh: Internet
                     Tank Man – Người thanh niên đứng chặn xe tăng năm 1989. Ảnh: Internet

Hong Kong từng là nơi “đô hộ của thực dân” Anh 99 năm, được hưởng nền tự do dân chủ phương Tây. Nay về với đại lục, dù được biểu tình, báo chí đa chiều, có quyền phê phán Bắc Kinh, 7 triệu dân ở đây không dễ bảo như các tỉnh khác.

Sự phản ứng của phương tây và Mỹ khá chừng mực vì họ có quyền lợi rất lớn tại đây. Chuyện không hay xảy ra, cả thế giới bị rung chuyển.

Phía Bắc Kinh không dẹp được loạn Hong Kong, các tỉnh khác sẽ bắt chước. Đây mới là thách thức thực sự, vì suốt bao năm dưới triều đại cộng sản, quyền con người bị chà đạp, bị rẻ rúng, khi biến cố xảy ra, khó ai nói trước được điều gì. Sự kiện Thiên An Môn vẫn âm ỷ, bùng nổ bất kỳ lúc nào. Xa xa là Tân Cương đang đòi độc lập.

Cả hai sự kiện, đều do lớp trẻ khởi xướng. Năm 1986, một giáo sư tên là Fang Lizhi từ đại học Princeton (Hoa Kỳ) về Bắc Kinh và đi nói chuyện về tự do, nhân quyền và chia sẻ quyền lực. Sinh viên đến dự các cuộc nói chuyện của ông rất đông. Đặng Tiểu Bình từng dọa giáo sư là ông đang tuyên truyền cho lối sống phương tây trong khi coi thường các giá trị văn hóa Trung Hoa có từ hàng ngàn năm. Sau đó có những cuộc biểu tình xảy ra khắp nơi. Tiếp đến là Thiên An Môn.

Đối với dân Hong Kong, nhất là giới trẻ, họ đã thừa hưởng nền dân chủ hàng thế kỷ. Họ không cần một giáo sư Fang nào cả. Joshua Wong, 17 tuổi, đang là biểu tượng của biểu tình. Anh nói với CNN, “Tôi chưa đủ tuổi hợp pháp để lái xe nhưng đủ lớn để thay đổi cả thế hệ.” Hàng chục ngàn người đang đi theo chàng trai 17 tuổi này.

Quảng trường Thiên An Môn từng chứng kiến một thanh niên gầy gò đeo cái túi, tay không tấc sắt, đứng chặn trước mũi xe tăng. Anh không được thế giới biết tên vì sau đó chẳng ai tìm ra anh nữa. Nhưng người vô danh “tank man” ấy trở thành biểu tượng đấu tranh cho dân chủ trước họng súng.

Kẻ ra lệnh nghiền nát người biểu tình dưới xích xe tăng năm 1989 là Đặng Tiểu Bình đã dưới mồ, nhưng sự kiện Thiên An Môn còn sống mãi với thời gian và luôn gắn với bàn tay đẫm máu của ông ta, không trừng phạt nào xứng đáng hơn.

Trên báo chí thế giới đăng ảnh một chàng trai đeo ba lô, tay giương cao cái ô, miệng bịt khẩu trang, đi hiên ngang trong khí cay bay mù mịt do cảnh sát bắn ra.

Giường như hai hình ảnh đó cách nhau 25 năm chỉ thấy trong trường ca bất tử. Chỉ có tuổi trẻ mới làm nên lịch sử.

Hai thế hệ đều tay không chống bạo quyền, đòi hỏi dân chủ và công bằng. Thế hệ trước đã bị thất bại nhưng bài học để lại về dân chủ còn mãi. Thế hệ hôm nay với cái ô cũng truyền cảm hứng cho hàng tỷ người trên hành tinh. “Người dân không nên sợ chính phủ của mình. Chính phủ phải sợ người dân của mình” như thông điệp của Joshua gửi tới các bạn.

Biểu tượng của Hong Kong. Ảnh: Reuters.
                                              Biểu tượng của Hong Kong. Ảnh: Reuters.

Những thể chế dọa nạt dân chúng, bắt họ sống như loài cừu ngoan ngoãn, cuối cùng đã sụp đổ. Bất bình tăng lên, cừu dễ biến thành sói.

Nếu xử lý thông minh, có lý có tình, đúng với lời hứa “một quốc gia, hai chế độ”, thỏa mãn yêu cầu của người biểu tình, để cho họ quyền dân chủ lựa chọn qua lá phiếu bầu, thì mọi việc sẽ ổn, không có kịch bản Thiên An Môn. Hong Kong tiếp tục là viên ngọc tỏa sáng.

Nếu biểu tình ở Hong Kong dài ngày, Trung Nam Hải hết mọi kiên nhẫn, bỗng có một Đặng Tiểu Bình thứ hai ra lệnh “nghiền nát người biểu tình” như 25 năm trước, thế giới có thêm Thiên An Môn 2.0.

Liệu nhân loại còn tiếp tục chứng kiến hành xử của thể chế độc tài và tàn bạo như cách đây 1/4 thế kỷ?

HM. 1-10-2014

Không có nhận xét nào: