Pages

Thứ Tư, 1 tháng 10, 2014

Hồng Kông : Chập chờn bóng Thiên An Môn


mediaHồng Kông : phong trào dân chủ tiếp tục đấu tranh. Ảnh ngày 30/09/2014Reuters – Minh Anh
Việc chính quyền Hồng Kông sử dụng vũ lực, hơi cay và bột tiêu để giải tán đoàn người biểu tình ôn hòa đã tiếp thêm sức cho phong trào đòi dân chủ. Nhưng Hồng Kông không phải là Thiên An Môn. Đài Loan “suy nghĩ” nhiều từ trường hợp của Hồng Kông
Người dân Hồng Kông sôi sục tiếp tục biểu tình đòi dân chủ là chủ đề thời sự quốc tế được các báo Pháp sáng nay 30/09/2014 bàn luận nhiều nhất. Le Monde đề tựa : “Cuộc nổi dậy ôn hòa của Hồng Kông chống lại Bắc Kinh”. Nhật báo công giáo La Croix thì cho rằng: “Hồng Kông luôn đòi hỏi dân chủ từ Bắc Kinh”.

Libération tả lại “Đám đông chiếm giữ đường phố tại Hồng Kông”. Nhưng đối với nhật báo Le Figaro hay nhật báo kinh tế Les Echos “Đường phố Hồng Kông đang thách thức Bắc Kinh” và “Tại Hồng Kông, cuộc biểu tình mang một tầm quan trọng không gì bì được”.
“Cuộc cách mạng ô dù”, là thuật ngữ các báo Pháp dùng để chỉ cuộc biểu tình của người dân Hồng Kông hôm qua. 20.000 người, dưới bóng những chiếc ô che nắng đủ màu sắc, đã tụ tập tại khu Admiralty, gần trụ sở hành chính của đặc khu hành chính. Một thất bại ê chề cho ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo Hồng Kông. Chính ông đã kêu gọi người dân phải giải tán trong ngày biểu tình cuối tuần mà ông cho là “bất hợp pháp”.
Theo nhận định chung của các tờ báo Paris, chính việc chính quyền Hồng Kông sử dụng vũ lực (hơi cay và bột tiêu) để giải tán đoàn người biểu tình ôn hòa hôm Chủ nhật 28/09/2014 đã tiếp thêm sức cho phong trào đòi dân chủ. Chính quyền từng hy vọng rằng những bất ổn sẽ đẩy những người biểu tình phải trực diện với một công luận lo sợ khủng hoảng chính trị sẽ ảnh hưởng nặng lên kinh tế. Thế nhưng nước cờ đó đã bị thất bại.
Ngày hôm qua, biểu tình đã lan rộng khắp Hồng Kông, lan sang cả vùng đảo Cửu Long và khu phố mua sắm nổi tiếng Mongkok. Phong trào phản kháng sẽ phải tiếp tục cho đến ngày mai, 01/10, cũng là ngày quốc khánh của Đại lục. Theo nhận định của giáo sư đại học Hồng Kông, Jean-Pierre Cabestan,: “Hồng Kông dưới cú sốc. Thái độ hung hăng của cảnh sát đã gây sốc cho nhiều người Hồng Kông. Bắc Kinh đã nhầm khi nghĩ rằng đại bộ phận dân chúng ủng hộ cải cách ( do họ đề ra )”.
Mọi câu hỏi giờ đây đều dồn về phía Trung Quốc. Bất ngờ trước tầm mức của làn sóng phản đối, chính quyền trung ương đã tìm cách hạ nhiệt khi cho rút lui lực lượng chống bạo động, nhưng cũng không làm chùn bước được đám đông. Cũng theo vị giáo sư trên hiện “Bắc Kinh đang trong một thế khó khăn và để cho phong trào tự tan rã. Câu hỏi là liệu họ (Bắc Kinh) có sẵn sàng đàm phán các nhượng bộ về cải cách để thoát khủng hoảng hay không”.
Các tờ báo cũng dự đoán đến kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra đó là khai hỏa, thậm chí sử dụng cả quân đội để vãn hồi trật tự. Và nếu như vậy bóng ma Thiên An Môn như đang chập chờn đâu đây, theo như quan sát của các báo Pháp. Theo như Libération, hành động vũ lực của cảnh sát Hồng Kông đối với người biểu tình gợi nhắc lại vụ đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ Thiên An Môn, vào mùa xuân năm 1989. Nỗi ám ảnh đó không phải là không có cơ sở.
Libération nhớ lại, vào tháng 08/2014 vừa qua, tờ nhật báo chính thức của chính quyền Bắc Kinh bằng tiếng Anh, Global Times, có đăng xã luận của Tổng biên tập viên khẳng định rằng vụ trấn áp quân sự năm đó là “cần thiết” để “thiết lập trật tự và ổn định”. Bằng chứng cho hành động “khôn ngoan” của những người ra lệnh năm đó là những năm tháng phát triển kinh tế theo sau.
Gần đây nhất Global Times có đăng trên website của mình bài viết của một giáo sư “Học viện cảnh sát vũ trang” cảnh báo nếu cảnh sát Hồng Kông không kiểm soát được tình thế, quân đội Trung Quốc sẽ can thiệp. Tuy nhiên, Libération cho hay bài viết này chỉ xuất hiện có vài giờ trên mạng. Mặc dù lãnh đạo Hồng Kông là Lương Chấn Anh trấn an dân chúng cảnh sát sẽ không nổ súng vào người biểu tình và sẽ không nhờ đến sự trợ giúp của quân đội Trung Quốc, nhưng người dân Hồng Kông cảm thấy ông đã không nói thật. Tuy nhiên cũng đừng quên rằng “Hồng Kông lệ thuộc vào chính quyền Trung Quốc”, theo như lời nhắc nhở của phát ngôn viên chính phủ, Ngoại trưởng Hoa Xuân Óanh.
Trung Quốc không đủ sức đối mặt với những đấu tranh ý tưởng
Về phần mình, La Croix không lấy làm ngạc nhiên về thái độ đe dọa của Bắc Kinh. Bài xã luận đề tựa “Nền dân chủ Trung Quốc”, cho rằng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cho phản ứng tự vệ của chính quyền Trung Quốc khi có một sự cố xảy ra diễn biến theo chiều hướng xấu. Điển hình lần này là kiểm duyệt Internet. Báo chí chính thống trong nước tuân theo chỉ đạo im lặng hay thay vào đó là tuyên truyền. Trung Quốc tỏ ra yếu ớt, không có khả năng đối đầu về quan điểm chính trị.
Hồng Kông cũng không phải là Thiên An Môn
Tuy nhiên, xã luận của Les Echos cho rằng, tuy cái bóng sự kiện Thiên An Môn chập chờn trên đầu những người biểu tình, nhưng cũng sẽ rất sai lầm nếu cho rằng phong trào “Occupy Central” with Love and Peace sẽ bị thua cuộc. Đầu tiên hết chính Bắc Kinh là kẻ đã nuốt lời hứa đưa ra vào năm 2007, chấp nhận bầu cử theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào năm 2017. Đối với người dân tại đây, việc Bắc Kinh chỉ định ứng cử viên là một hành động “khiêu khích”.
May mắn thứ hai cho những nhà đấu tranh dân chủ tại cựu thuộc địa Anh quốc này là Hồng Kông cũng không phải Thiên An Môn. Những người ủng hộ dân chủ luôn tìm cách tránh để cho sự việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Và vai trò kinh tế và tài chính của đảo quốc đang đặt ông Tập Cận Bình vào thế khó xử.
Và trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc cũng phải có tầm nhìn xa về vấn đề Đài Loan. Bắc Kinh không thể nào để cho Đài Bắc có cảm giác là lời hứa “một quốc gia, hai hệ thống” chỉ là lời đùa cợt. Trung Quốc có lẽ sẽ phải nhượng bộ. Mức độ quan trọng của sự nhún nhường đó sẽ còn phụ thuộc nhiều vào các phong trào dân chủ trên đảo quốc và tại Hoa lục.
Sinh viên Hồng Kông, động lực chính phong trào dân chủ
Bàn về sự thành công cho đến ngày hôm nay của phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, Le Figaro nhận thấy “Sinh viên, đầu tàu của ‘cách mạng ô dù’”. Sinh viên tiếp nối vai trò dẫn đầu phong trào đòi dân chủ từ những đàn anh quá cẩn trọng bằng cả nhiệt huyết. Dám thách thức cả cảnh sát và hơi cay, họ đã tiếp sức cho phong trào bất tuân dân sự Occupy Central, do các giáo sư đại học ủng hộ dân chủ tiến hành.
Cách đây một tuần nhiều nhà quan sát còn cho rằng phong trào bãi khóa cũng sẽ làm thay đổi được gì. Nhưng giờ đây, theo đánh giá của giáo sư Jean-Pierre Cabestan, tại đại học Hồng Kông: “Phong trào sinh viên được ủng hộ đông hơn dự kiến. Kể từ giờ, phong trào tự phát đã vượt qua cả làn sóng Occupy Central”.
Đài Loan : “trông người lại nghĩ tới ta”
Nếu như người dân Hồng Kông mang trong mình mối lo âu mất các quyền dân chủ, thì tại Đài Loan, nỗi sợ Trung Quốc tấn công ngày một lớn. Chưa bao giờ Trung Quốc từ bỏ khả năng lấy lại Đài Loan bằng vũ lực, theo như một báo cáo đưa ra hồi năm rồi và nếu như các đạo quân hùng mạnh của Bắc Kinh tấn công, Đài Bắc sẽ phải lao vào một cuộc chiến bất cân xứng. Do đó, theo Le Figaro, “Đài Loan đang xem lại hệ thống phòng thủ trước Trung Quốc”.
Bộ quốc phòng Đài Loan trong một báo cáo hồi năm 2013 đã gióng lên hồi chuông báo động: Quân đội Nhân dân Giải phóng có thể kháng cự lại được các cuộc phản công của Hoa Kỳ, trong trường hợp Bắc Kinh xâm chiếm lại Đài Loan ngay từ năm 2020. Việc Trung Quốc đang hiện đại hóa không quân và hải quân khiến Đài Bắc rất lo lắng, vì như thế Bắc Kinh có thể đối đầu với Hoa Kỳ. Bằng chứng cụ thể việc triển khai tên lửa đạn đạo Đông Phong 21. Loại vũ khí này nổi tiếng là một “kẻ hủy diệt tàu sân bay”. Và chúng có thể gây ra những thiệt hại to lớn cho hạm đội Hoa Kỳ khi đến giải cứu đồng minh.
Theo giải thích của thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan: “Bắc Kinh có ba chọn lựa để chinh phục Đài Loan: đổ quân bằng tàu đổ bộ, bắn tên lửa, hay phong tỏa đường biển. Chúng ta đang đầu tư vào hệ thống mìn thông minh, tên lửa chống tên lửa. Chúng ta cần loại vũ khí rẻ tiền để chống lại những thiết bị quân sự đắt tiền của Trung Quốc. Nhưng chúng ta lại thiếu tàu ngầm, một công cụ không thể thiếu cho hệ thống phòng thủ, vì nó có thể giúp chúng ta phá được vòng vây”.
Đây cũng chính là khó khăn mấu chốt của Đài Bắc. Việc Trung Quốc đi lên thành cường quốc gây cản trở cho mọi cuộc thương thuyết để mua tàu ngầm. Ngay cả đồng minh lâu đời của Đài Loan là Hoa Kỳ cũng phải kiêng dè nên tìm cách trì hoãn mọi cuộc thương lượng.
Điều này buộc Đài Loan giờ phải tự thân vận hành, nghiên cứu tự chế tạo tàu ngầm. Đài Bắc hy vọng có thể thuyết phục được các nhà thầu nước ngoài cung cấp những hệ thống. Một kiểu mua bán mà Đài Loan cho là “ít nhạy cảm” hơn là mua nguyên chiếc. Đảo quốc này cũng ban hành lệnh tòng quân theo lớp tuổi để huấn luyện một đội quân chuyên nghiệp hơn.
Dù vậy, Le Figaro cũng nhận thấy Đài Loan không có khả năng tạo được thế đối trọng với người khổng lồ Trung Hoa.
Tại Ukraina, Putin chưa hẳn đã thắng
Về thời sự Châu Âu, Les Echos trở lại với đề tài Ukraina qua bài phân tích khá sâu sắc đề tựa “Tại Ukraina, thắng lợi chiến thuật mâu thuẫn của Putin”. Từ nhiều tháng nay, Vladimir Putin ấn định các lịch trình tại Ukraina và chưa bao giờ được lòng dân như lúc này. Thế nhưng, xung đột tạm ngưng giữa Kiev và phe nổi dậy chỉ là một thành công tương đối.
Les Echos xác nhận thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hôm 05/09/2014 vừa qua tại Minks là một thất bại quân sự rõ ràng của Kiev. Thỏa thuận ký kết để thảo luận về quy chế đặc biệt cho các vùng đông-nam Ukraina với sự có mặt của phe nổi dậy cho thấy thắng lợi phần nào của Putin.
Ở một góc độ nào đó, Nga sẽ mất Ukraina trong lâu dài, chủ bài chính cho giấc mơ Âu-Á của Putin. Trên chính trường quốc tế, tính chính đáng của tổng thống Nga trong dài hạn cũng bị xấu đi. Việc ông tham gia vào tiến trình hòa binh và nhìn nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, ông Putin đã gián tiếp công nhận có liên can phần nào trong xung đột.
Tất cả những điều đó giờ cho thấy tổng thống Nga hiện đang trong một thế mạnh. Giờ ông chỉ việc ngồi chờ thời, chờ đợi kết quả bầu lập pháp tại Ukraina vào ngày 26/10 sắp đến, với hy vọng một Maidan thứ ba sẽ xảy ra. Đối mặt với một Tổng thống Ukraina, Petro Porochenko bị suy yếu, rõ ràng ông Putin đang làm chủ các lịch trình. Chỉ cần đợi Ukraina bị nhấn chìm vào trong khủng hoảng kinh tế, và mùa đông đang sắp tới, Gazprom sẽ bước vào bàn thương lượng trên thế thượng phong.
Ukraina nghi ngờ Kremlin chỉ lợi dụng khủng hoảng Ukraina để tiến các quân cờ. Chừng nào Kiev không rơi vào tay của Nato chừng ấy Putin mới buông tha cho Ukraina.
Ông Putin có thể làm chủ được tình thế là phần nào cũng có trách nhiệm của Châu Âu. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, Bruxelles đã không biết triển khai với Nga các thỏa ước về an ninh, kèm theo vế chính trị, kinh tế và năng lượng. Và nếu như Châu Âu biết cách đáp trả những đề xuất của Nga. Bởi vì thỏa ước đó có thể giúp giải quyết những bất đồng giữa Châu Âu và Nga. Nó cũng cho phép tránh được cái bẫy lệnh trừng phạt lẫn nhau. Cho dù Mỹ và Châu Âu có chứng minh được thiện chí trừng phạt Putin về việc Nga sáp nhập Crimee và vai trò của tổng thống Nga tại đông Ukraina, nhưng đối với giới doanh nhân lại một điều khó hiểu.
Theo bài viết, các lệnh trừng phạt đó không những không giải quyết được xung đột mà cũng không làm suy yếu được vị thế của Putin. Rõ ràng, Nga và Phương Tây đã bắn vào chân lẫn nhau, bằng chính các lệnh trừng phạt. Phương Tây mất thị trường tiêu thụ, còn Nga thì bị mất nguồn tài chính, công nghệ và đầu tư. Nước Nga bắt đầu rơi vào khủng hoảng : tăng trưởng giảm đến mức sắp nhấn chìm đất nước vào suy thoái, lạm phát tăng vọt, tiêu thụ giảm.
Les Echos kết luận :thắng lợi chiến thuật của Putin xem vậy mà cũng đắng lắm !

Không có nhận xét nào: