Pages

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Dân chủ, nhân quyền và các vấn đề khác đều không hề quan trọng trong chính sách về châu Á của Hoa Kỳ

Banyan
Athena chuyển ngữ
Theo tờ Economist
Dân Luận


Khi ông Barack Obama né tránh tham dự hai hội nghị ở Indonesia và Brunei vào hồi năm ngoái, sự tin tưởng vào chính sách “xoay trục sang châu Á” mà ông Obama từng công bố, nâng tầm quan trọng của khu vực này trong chính sách của Hoa Kỳ, bị giáng một đòn đau. Tháng Mười này, ông Obama sẽ phải có mặt ở những cuộc gặp gỡ ở Bắc Kinh, Naypyidaw – thủ đô Myanmar, và Brisbane ở Úc, sửa chữa lỗi lầm này. Đây sẽ là một thách thức rất lớn. Trọng tâm chính về mặt kinh tế của chính sách xoay trục này, một hiệp định thương mại tự do khu vực gọi tắt là TPP (Trans-Pacific Partnership), vẫn chưa được hoàn thiện. Một số quốc gia châu Á đang không chắc chắn liệu việc xoay trục chiến lược và quân sự có thực sự mang lại thành quả đáng kể hay không. Tất nhiên sẽ nảy sinh ra khó khăn khác: đó là châu Á nhận ra rằng niềm tin của Mỹ vào các giá trị phổ quát như tự do và dân chủ đang dần suy yếu.
Các lãnh đạo Hoa Kỳ từng rất nhiều lần nêu các vấn đề nhân quyền và dân chủ ở châu Á bất cứ khi nào có cơ hội, đặc biệt là ở Trung Quốc, Indonesia, Myanmar, Việt Nam và một số quốc gia khác. Và giờ đây nhiều chính quyền châu Á vui mừng khi thấy Hoa Kỳ không còn lớn giọng như trước. Nhưng điều đó có vẻ đi ngược với triển vọng tiếp tục dẫn dắt thế giới của Hoa Kỳ.
Sự trầm lắng này phản ánh hai xu hướng. Xu hướng đầu tiên là cả thế giới như đang chìm trong biển lửa. Sự trỗi dậy của lực lượng nhà nước Hồi giáo IS, dịch Ebola tràn lan và lực lượng ly khai của Ukraine: tất cả đều lôi kéo sự chú ý của Hoa Kỳ. Khi những nhà lãnh đạo Hoa Kỳ phải trả lời các ký giả thì những thắc mắc về tình hình châu Á không phải là câu hỏi đầu tiên mà họ nhận được, và ngay cả khi họ nhìn đến châu Á thì đó cũng là qua lăng kính của các vấn đề toàn cầu.
Xu hướng còn lại là về tham vọng kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á sẽ là ưu tiên hàng đầu, hơn cả phổ cập các giá trị chính trị kiểu Mỹ. Hãy xem những phản ứng câm lặng của Hoa Kỳ trước các sự kiện chính trị đang diễn ra ở châu Á. Tại Hong Kong, nơi cuộc biểu tình của sinh viên vừa kỷ niệm một tháng kể từ ngày chiếm giữ các khu phố lớn, các quan chức Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ yêu cầu đòi phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử trưởng đặc khu vào năm 2017, chứ không phải là cách thức bầu cử giả tạo mà Trung Quốc áp đặt. Thế nhưng ông Obama đã không nói câu nào về cuộc biểu tình. Tiếng nói của ông có thể khuyến khích xu hướng lo ngại một cách hoang tưởng của Trung Quốc rằng cuộc biểu tình này là một phần của kế hoạch do Hoa Kỳ sắp đặt để làm suy yếu và cuối cùng là lật đổ Đảng CS Trung Quốc. Tất nhiên, khi giữ im lặng, ông Obama cho người ta thấy rằng ông không hề coi Hong Kong quan trọng đến mức để ông phải mạo hiểm gây thêm bất kỳ căng thẳng nào trong mối quan hệ vốn đã không hề êm thấm với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ cũng sẽ phải suy nghĩ rất nhiều trước khi nói về Myanmar khi ông tham dự diễn đàn Đông Á được tổ chức tại đó. Cuộc cải cách dân chủ vào năm 2011 đã diễn ra và được xem là thành công lớn nhất của ông Obama trong chính sách “bàn tay nới lỏng” đối với quốc gia này, cùng với lợi ích chiến lược trong việc kết thân với một đất nước từng mắc kẹt trong quỹ đạo của Trung Quốc. Nhưng tình hình có vẻ đang khá căng thẳng. Hy vọng về việc sửa đổi hiến pháp một hiến pháp cho phép quân đội ngăn chặn nhóm thiểu số tham gia quốc hội, cũng như lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi không được ngồi vào ghế tổng thống đang mờ dần. Có một số thậm chí nghi ngờ cho rằng cuộc tổng tuyển cử vào năm tới vẫn sẽ diễn ra. Nếu [Obama] nhấn mạnh những thay đổi tích cực ở Myanmar thì nghe sẽ quá lãng mạn và lý tưởng hóa, nhưng nếu tập trung vào những bước lùi thì sẽ làm lu mờ một điểm sáng hiếm hoi về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.
Ngay cả trường hợp ở Thái Lan, nơi quân đội đã thực hiện cuộc đảo chính vào hồi tháng Năm vừa qua, vị trí của Hoa Kỳ vẫn không hề rõ ràng. Nó đã lên án các cuộc nổi dậy, kêu gọi phục hồi nền dân chủ cũng như tạm dừng việc trợ quân sự cho lực lượng đồng minh cũ này. Nhưng rồi nó rút bỏ lời đe dọa sẽ chuyển cuộc tập trận thường niên “Hổ Mang Vàng” giữa Hoa Kỳ và Thái Lan ra khỏi đất nước này vào năm tới. Các mối liên kết của Hoa Kỳ với Thái Lan đã chịu vô số những thay đổi từ phía chính phủ. Chắc chắn Hoa Kỳ không hề muốn gây nguy hiểm cho chính mình, cũng như đẩy Thái Lan ngả sâu vào vòng tay của Trung Quốc.
Tương tự, chính sách của Hoa Kỳ đối với Malaysia cũng đã nhuốm màu sắc thực dụng. Các chính trị gia đối lập và một số nhà quan sát khác chỉ ra một xu hướng đàn áp đáng lo ngại trong chính phủ, cùng với điều luật nổi dậy cổ xưa từng được dùng để trấn áp đối thủ. Trong tuần này chúng ta vừa được chứng kiến một phiên tòa sơ thẩm lố bịch, xét xử ông Anwar Ibrahim – lãnh đạo phe đối lập về tội quan hệ đồng giới (năm ngoái, liên minh của ông Anwar đã giành được số phiếu phổ thông, dù không phải là đa số ghế). Tuy nhiên, phía Hoa Kỳ vẫn giữ im lặng hoàn toàn về trường hợp này, vào tháng Tư khi ở Malaysia, ông Obama thậm chí còn không dành thời gian để gặp ông Anwar. Najib Razak, thủ tướng chính phủ, một đồng minh quan trọng trong khu vực – một tín đồ Hồi giáo ôn hòa sẵn sàng lên tiếng chống lại lực lượng IS, và thực hiện vận động hành lang trong nước nhằm đưa Malaysia vào TPP. Hơn nữa, hai ông Obama và Razak được xem là khá ăn ý với nhau.
Một đồng minh tự nhiên hơn có thể là tín đồ Hồi giáo ôn hòa theo dân chủ khác, ông Joko Widodo, được biết đến với cái tên Jokowi, tổng thống mới của Indonesia, người lên ngôi quyền lực nhờ sự hỗ trợ của quần chúng giống trường hợp của Obama. Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry, đã tham dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Jokowi vào tháng trước và có cuộc gặp gỡ kéo dài 30 phút. Nhưng dường như ông John Kerry chỉ tập trung vào các vấn đề nghị sự của Mỹ- như biến đổi khí hậu, IS và dịch Ebola- hơn là tập trung vào ông Jokowi, hay vào việc Mỹ có thể giúp chính quyền mới thành lập của ông Jokowi thế nào.

Mềm mại và mềm mại

Giảm thiểu tranh cãi về chính trị nội bộ để dành được ủng hộ hợp tác quốc tế dường như có ý nghĩa tại thời điểm chuyển giao quyền lực toàn cầu và căng thẳng dâng cao. Nhưng cũng có cái giá của nó: gây lãng phí một phần “quyền lực mềm” không hề nhỏ của Mỹ. Rất nhiều nước châu Á tin rằng Trung Quốc là cường quốc đang lên còn Mỹ thì đang đi xuống. Nhưng Mỹ vẫn là nơi mà rất nhiều người trẻ tuổi muốn đến thăm và hy vọng đất nước của mình có thể cạnh tranh được với Mỹ. Dù có những sai lầm và thiếu sót, Mỹ không chỉ đại diện về sức mạnh kinh tế và quân sự, mà còn là lý tưởng để theo đuổi, theo cái cách mà Trung Quốc không thể làm được. Khi các nhà lãnh đạo của Mỹ ít chú trọng đến lý tưởng này, họ không chỉ làm giảm sức hấp dẫn của Mỹ mà còn làm cho nhiều người tin rằng sự suy giảm một cách tương đối về kinh tế và quân sự của Mỹ là có thật.
Nguồn: The city on the hill, The Economist

1 nhận xét:

người già VN đau khổ nói...

Nếu chiến thuật và chiến lược của mình mà đúng như ý của nhiều người "cần phải làm như thế,như thế,để được như thế" thì Mỹ đã không là nước đứng đầu các nước tự do Lâu Như Thế .Kẻ yếu thường học ở kẻ mạnh cách mạnh hơn hiện tại của mình và kế tiếp là cách mà kẻ mạnh ấy thoát hiểm để dụng cho mình .Nước nào cầm nắm được nhiều sức mạnh thì nước đó biến hóa nhiều chiêu thức và nước nào có Quốc Hội là đại diện đúng cho "ý chí toàn dân tộc" thì nước đó có lãnh đạo tài năng .Không phải ai muốn cũng được mà mơ nhé .