Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Nga-Trung: Đối tác chiến lược không có nghĩa là 'bạn tốt'

(Quan hệ quốc tế) - Vòng vây của Mỹ ngày càng siết lại khiến Nga phải bắt tay hợp tác với Trung Quốc nhưng Moscow không quên “người bạn tốt” đã từng “thọc dao sau lưng mình”.

Giao thương vùng Viễn Đông-Nga và Đông Bắc Trung Quốc

Theo trang “Nikkei” của Nhật cho biết, tại Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông Nga, cách đây một năm, công ty thương mại chuyên bán hàng gia dụng Decorte của Nga đã hợp tác với doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng Trung Quốc đã đưa ra một dịch vụ độc đáo, nhằm đẩy mạnh hoạt động giao thương xuyên biên giới.

Theo đó, nhóm người tiêu dùng Nga muốn đặt mua hàng gia dụng Trung Quốc, sẽ xuyên qua biên giới đến khu trung tâm tiêu thụ hàng gia dụng nằm ở bên kia biên giới, sau khi xem xét kỹ và ưng ý về chất lượng các sản phẩm trưng bày, khách hàng mới đặt hàng và tiến hành nhập khẩu.

Chủ tịch quản trị công ty thương mại Decorte của Nga giới thiệu: Khắp cả vùng Viễn Đông, ai cũng muốn được tham gia vào đoàn du lịch mua sắm. Mục đích của hoạt động này chính là phấn đấu sau hai năm nữa, nâng doanh thu hàng năm đạt tới 360 triệu Rub (khoảng 51 triệu Nhân dân tệ).

Được biết, ở khu vực giáp biên giữa Nga và Trung Quốc, người Nga nhập cảnh trong thời gian ngắn có thể được miễn thị thực, thậm chí còn có xe bus đưa đón đến các trung tâm thương mại và vui chơi giải trí. Lĩnh vực giao dịch thương mại ngày càng phát triển và mở rộng.

Trong vòng vây của Mỹ và NATO, Nga buộc phải bắt tay với Trung Quốc
Trong vòng vây của Mỹ và NATO, Nga buộc phải bắt tay với Trung Quốc
Tháng 10 năm 2004, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Nga Putin và chủ tịch Trung Quốc tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, hai nước đã ký kết “Hiệp định bổ sung về đường biên giới quốc gia phía Đông giữa Nga và Trung Quốc”, chấm dứt những ám ảnh quá khứ về tranh chấp biên giới từ thời Liên Xô cũ với Trung Quốc.

Năm 1969, hai nước đã từng liên tiếp xảy ra nhiều cuộc xung đột quân sự trên đảo Trân Bảo hay còn gọi là đảo Damansky. Hòn đảo này nằm trên sông Ussuri trên biên giới giữa Primorsky Krai của Nga và tỉnh Hắc Long Giang của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Những cuộc xung đột biên giới này lúc đó đã làm rạn nứt tình cảm của 2 nước Xã hội Chủ nghĩa lớn nhất thế giới. Nhưng hiện nay, tình hình trên toàn bộ tuyến biên giới dài 4.300km giữa hai nước đang dần thay đổi, hạn ngạch thương mại với Trung Quốc ở Primorsky Krai chiếm hơn nửa doanh thu của Vladivostok và Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Moscow.

Vùng đông bắc Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, dân số đã vượt hơn 100 triệu người. Còn vùng Viễn Đông Nga do phát triển chậm, dân số không ngừng giảm xuống, hiện chỉ còn khoảng 6,2 triệu người. Cùng với dòng lao động người Trung Quốc ồ ạt tràn vào, Nga lo sợ khu vực này “sẽ bị nền kinh tế Trung Quốc nuốt chửng”.

Nhưng cố vấn của trưởng khu hành chính Primorsky Krai cho rằng, mối đe dọa hôm nay đã mất đi. Người đầu tiên cảm thấy mối đe dọa của Trung Quốc không ngừng tăng lên và sớm đưa ra những biện pháp loại bỏ tình thế nguy hiểm này, ngay từ lúc nó còn manh nha chính là Tổng thống Nga V.Putin.

Lính biên phòng Trung Quốc đổ bộ lên đảo Damansky trong cuộc chiến biên giới 1969
Lính biên phòng Trung Quốc đổ bộ lên đảo Damansky trong cuộc chiến biên giới năm 1969
“Đối tác chiến lược” không có nghĩa là “bạn tốt”

Năm 2000, khi ông Putin đi thị sát các thị trấn biên giới, ông đã bị “sốc” khi các biển hiệu tiếng Trung xuất hiện ở khắp nơi. Tổng thống Nga bày tỏ sự lo ngại: “Nếu chúng ta không hành động thiết thực, khoảng vài chục năm nữa, người dân Nga ở khu vực này sẽ chuyển sang nói tiếng Nhật hoặc tiếng Trung hay tiếng Triều Tiên”.

Các phương tiện truyền thông Nhật Bản cho hay, trước bối cảnh cấp bách phải ổn định biên giới để phát triển kinh tế, trong hoạch định lãnh thổ bị tranh chấp, tổng thống Putin đã lựa chọn hình thức mềm dẻo, có những nhượng bộ nhất định để đẩy nhanh việc ký kết hiệp định phân giới, đồng thời tăng cường siết chặt công tác quản lý biên giới.

Đã 10 năm trôi qua, “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” Trung - Nga đã bước sang một giai đoạn mới. Tháng 5 năm 2014, hai nước đã đạt được thỏa thuận xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc, ký kết hợp đồng cung ứng trị giá 400 tỷ USD. Bắc Kinh và Moscow đang bắt đầu xây dựng mối quan hệ “đồng minh năng lượng”.

Công ty dầu khí Rosneft hồi tháng 10 tuyên bố, công ty đã đề nghị chuyển nhượng 10% quyền lợi ở mỏ dầu Đông Siberia cho doanh nghiệp bên kia biên giới. Quy tắc ngầm “Không chuyển quyền khai phá cho Trung Quốc” đã bị phá bỏ, khiến giới doanh nghiệp chấn động. Chi nhánh khí đốt hóa lỏng (LNG) Yamal Peninsula phía Bắc Nga đã bỏ qua Nhật Bản và Ấn Độ, đồng ý trao cho Trung Quốc 20% quyền lợi.

Trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận, Nga đã ký với Trung Quốc hàng loạt hợp đồng kinh tế lớn
Trong bối cảnh bị Mỹ cấm vận, Nga đã ký với Trung Quốc hàng loạt hợp đồng kinh tế lớn
Nguyên thủ hai nước nhất trí đưa “quan hệ đối tác hợp tác chiến lược” lên một “tầm cao mới”. Nhưng trên thực tế, hai nước đều có lợi ích và tính toán riêng của mình, đó thực chất là “quan hệ đối tác” trên cơ sở “việc nào ra việc đó”. “Chiến lược” có nghĩa là hợp tác trong các lĩnh vực thống nhất với lợi ích quốc gia, nhưng khi có bất đồng về quan hệ lợi ích đa phương, các bên phải tự giải quyết.

Một ví dụ điển hình là thái độ của Trung Quốc đối với khủng hoảng Ukraine. Tuy Bắc Kinh rất coi trọng việc Moscow cung cấp tài nguyên cho mình, nhưng trong mối quan hệ kinh tế đan xen mật thiết với cả Nga và Mỹ, cùng với châu Âu, Trung Quốc luôn duy trì thái độ trung lập.

Hay trong quá trình đàm phán giá cả hợp đồng khí đốt khổng lồ giữa hai nước, có trị giá tới 400 tỷ USD, Trung Quốc đã lợi dụng tình thế khó khăn của Nga, sau khi bị Mỹ và châu Âu trừng phạt kinh tế do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine để ép giá nhập khẩu khí đốt.

Về phía Nga, Tổng thống Putin cũng giữ thái độ lãnh đạm khi tuyên bố, Nga và Trung Quốc “không có ý định xây dựng liên minh quân sự, chính trị”, hay trong lĩnh vực mua bán vũ khí quốc phòng Nga cũng ép giá Trung Quốc quyết liệt và chỉ bán các loại trang bị thế hệ cũ hoặc hạn chế bớt tính năng.

Tuy nói là mối quan hệ bạn bè, nhưng thực chất lại là “mối quan hệ rủi ro dựa trên lợi ích thực tế”. Với tính chất như vậy, khi lợi ích trong các mối quan hệ đa phương đối lập nhau, liệu hai nước sẽ duy trì quan hệ vững chắc ở mức độ cao hay không? Đây còn là một câu hỏi chưa lời đáp nhưng chắc chắn ràng Nga không quên bài học “người bạn tốt” đã “thọc dao sau lưng mình”.

Tuệ Lâm

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: