Pages

Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

Obama cảnh báo an ninh khu vực châu Á

Tổng thống Hoa Kỳ cảnh báo an ninh khu vực châu Á không thể dựa trên lệ nước lớn 'hăm dọa' nước nhỏ.
Ông Obama nói trước các sinh viên ở Brisbane, Úc – nơi ông đang tham dự Hội nghị G20 – rằng an ninh khu vực phải được dựa trên mối quan hệ tương trợ đồng minh.
Tổng thống Hoa Kỳ không nhắc cụ thể tới Trung Quốc nhưng ông cảnh báo mối nguy từ các tranh chấp lãnh thổ trên biển Nam Trung Hoa, với hành động của Bắc Kinh gây lo ngại cho nhiều quốc gia láng giềng.

Ông nói “không có nghi ngờ” gì về cam kết của ông với các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương, và nhắc tới nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc củng cố quan hệ chiến lược với các nước trong khu vực.
Hội nghị thượng đỉnh G20 kéo dài hai ngày sẽ tập trung vào đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.
Dự kiến các lãnh đạo thế giới sẽ mở rộng kế hoạch đã được các bộ trưởng tài chính khối G20 thông qua hồi tháng Hai đối với việc nâng mức tăng trưởng toàn cầu lên 2% trong 5 năm.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban ki-moon cũng yêu cầu hội nghị giải quyết các thách thức lớn như dịch Ebola, thay đổi khí hậu và xung đột ở Ukraine.

'Ra khỏi Ukraine'

Thủ tướng Canada (ngồi giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình) tỏ ra lạnh lùng với Tổng thống Putin
Trong cuộc gặp bên lề hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin hối thúc người tương nhiệm của Pháp, ông Francois Hollande cùng tham gia làm giảm căng thẳng giữa hai quốc gia về vấn đề Ukraine.
Pháp đã tạm hoãn chuyển giao hai chiếc tàu chiến cho hải quân Nga do những hành động của nước này ở Ukraine.
Tổng thống Nga cũng bàn về việc “xây dựng lại quan hệ” với Anh Quốc sau cuộc họp song phương với Thủ tướng David Cameron, theo ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin.
“Trước khi bắt đầu kỳ họp, ông Cameron nói Nga có thể sẽ phải chịu thêm cấm vận nếu không ngừng “làm mất ổn định” Ukrane.
Tổng thống Putin cũng đã bị Thủ tướng Canada, Stephen Harper tiếp đón lạnh lùng do can thiệp quân sự của Nga ở Ukraine.
“Tôi sẽ bắt tay ông, nhưng điều duy nhất tôi muốn nói với ông là: ông phải ra khỏi Ukraine,” ông Harper nói với lãnh đạo tối cao của Nga.
Trước đó Tổng thống Obama gọi hành động “xâm lấn” của Nga ở Ukraine là “mối đe dọa với cả thế giới”.

'Gánh vác kinh tế'

Tổng thống Obama phát biểu rằng tất cả các quốc gia cần tăng cường phát triển kinh tế, cảnh báo Mỹ không thể “gánh vác kinh tế thế giới trên lưng mình”.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Tony Abbott nói ông muốn dùng sự kiện này để trấn an người dân về hướng đi của kinh tế thế giới, “với thông điệp đầy hy vọng và lạc quan”.
Ông cho biết những vấn đề như tạo việc làm, phát hiện gian lận thuế và củng cố kinh tế toàn cầu sẽ được bàn đến.
Chính quyền của ông cũng đã không đưa thay đổi khí hậu vào nghị trình, mặc dù có sự kêu gọi từ phía các nhà vận động.
Hôm thứ Năm 13/11, hơn 200 người đã tự vùi đầu xuống hố cát ở bãi biển Bondi để biểu tình phản đối thái độ thụ động trước thay đổi khí hậu.
Chính quyền Úc cũng phải đối mặt với chỉ trích về chính sách khí hậu. Kể từ khi nắm quyền, ông Abbott đã cắt bỏ thuế áp dụng lên khí carbon và đầu tư vào năng lượng sạch giảm tới 70%.

Không có nhận xét nào: