Pages

Thứ Tư, 12 tháng 11, 2014

Quan hệ Việt Nam – Ấn Độ có thể đe dọa vị thế thống trị của Trung Quốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) bắt tay với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau một thỏa thuận ký kết tại New Delhi vào 28/10/2014. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tìm kiếm hỗ trợ từ phía Ấn Độ để giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, đồng thời củng cố liên minh khu vực khi quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng. (Ảnh Internet)
NEW DELHI—Chính phủ Ấn Độ đang nỗ lực tăng cường hợp tác với Việt Nam. Mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia có thể sẽ cân bằng lại quyền lực ở Châu Á và giảm sức mạnh thống trị của Trung Quốc.

Tuần trước, khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm thủ đô New Delhi, Việt Nam đã cho phép cho một công ty của Ấn Độ là ONGC Videsh Ltd. được khai thác dầu ở ngoài khơi lãnh hải Việt Nam.

Trung Quốc đã có phản ứng thận trọng trước thông tin này. Trung Quốc khẳng định, họ sẽ không bận tâm đến việc thăm dò dầu khí của Ấn Độ nếu như Ấn Độ không xâm phạm vào khu vực đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi phát biểu: “Nhưng nếu sự hợp tác trên gây tổn hại đến chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, chúng tôi sẽ kiên quyết phản đối”.
Là quốc gia lớn nhất trong khu vực, Trung Quốc ngày càng cứng rắn trong những tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ.

Tiến sĩ Kodur Venkatesh, nhà phân tích các vấn đề chiến lược có tại Bangalore, nói: “Toàn thế giới đang lo lắng tìm ra một “kẻ đối trọng” chiến lược đối với Trung Quốc”. Ông cũng cho rằng, đây chính là thời điểm thuận lợi để Ấn Độ hợp tác với Việt Nam, vì Việt Nam hiện cũng đang tìm kiếm giao thương tài nguyên với các quốc gia khác.

Tương tự như vậy, Ấn Độ cũng quan tâm đến Việt Nam, bởi Việt Nam kiểm soát một phần lớn Biển Đông, khu vực được đánh giá là có nguồn tài nguyên biển dồi dào và phong phú, như: hải ngư, dầu và khí tự nhiên,… khiến nơi đây trở thành một địa điểm hợp tác vô cùng hấp dẫn.

“Nguồn tài nguyên Biển Đông chủ yếu vẫn chưa được khai thác, và Việt Nam cũng là một trong những quốc gia nòng cốt đóng vai trò hiển nhiên: bảo vệ phần lớn khu vực Biển Đông”, trích lời ông Jagannath P Panda, điều phối viên chủ chốt về Đông Á tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Phân tích ở New Delhi.

Địa chính trị

Không chỉ quan tâm đến trữ lượng dầu khí tự nhiên của Việt Nam, mà Ấn Độ còn thấy ở Việt Nam là một đồng minh quân sự hùng mạnh nằm kế cạnh Trung Quốc.

“[Hợp tác với Việt Nam] sẽ là lợi thế lớn nhất đối với Ấn Độ”, ông Venkatesh nói. Ông cũng cho rằng điều này sẽ góp phần kìm hãm sức mạnh của Trung Quốc khi có một quốc gia lớn như Ấn Độ hậu thuẫn cho người láng giềng của Trung Quốc là Việt Nam.

Và Ấn Độ đã nhận ra điều này.

“Hợp tác quốc phòng giữa Ấn Độ và Việt Nam là một trong những chiến lược quan trọng nhất của chúng tôi”, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trả lời các ký giả vào thứ Ba, 3/11. Ông cũng nói thêm rằng, việc hợp tác sẽ còn mở rộng trong tương lai.

Tuần trước, Ấn Độ đã  hứa sẽ cung cấp 4 tàu tuần tra hải quân cho phía Việt Nam. Đây là đợt chuyển giao quân sự đầu tiên cho Hà Nội với giá trị lên tới 100 triệu Đô la Mỹ. Hiện tại, Ấn Độ đang theo đuổi một thỏa thuận cung cấp tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam. Đây có thể là vũ khí ngăn chặn tiềm năng các tàu Trung Quốc đã tiến nhập vào vùng biển của Việt Nam.

Hồi tháng Năm năm nay, Trung Quốc và Việt Nam đã xảy ra xung đột sau khi một giàn khoan của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển nằm trong vòng 200 hải lý thuộc Khu Kinh tế Đặc quyền của Việt Nam, gần quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa kể từ những năm 1970 và tuyên bố rằng giàn khoan vẫn nằm trong lãnh hải của Trung Quốc.

Việt Nam đã cử nhiều tàu thuyền để đuổi giàn khoan nói trên, nhưng thất bại do hạm đội bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc quá lớn và hùng mạnh. Cuối cùng, vào tháng Bảy, Trung Quốc đã di dời giàn khoan với lý do mùa mưa bão, và rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch cho các bước tiếp theo trong khu vực sau khi họ phân tích dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm đã được tiến hành tại đây.

Ích lợi song phương

Theo Panda, Việt Nam cần được hỗ trợ từ một quốc gia quyền lực trong khu vực để cân bằng với Trung Quốc. Việt Nam cũng muốn Ấn Độ đi đầu về quản trị, an ninh, và tự do hàng hải trong khu vực.

Panda cũng cho rằng các quan chức lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại về việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ và do đó, họ lo lắng trước sự hiện diện của Ấn Độ trong khu vực.

Vào Chủ Nhật (2/11) vừa qua đã có nhiều báo cáo về việc một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc neo đậu tại một cảng của Sri Lanka gần mũi phía Nam của Ấn Độ. Trước đó, vào tháng Chín, một tàu ngầm hạt nhân khác cũng xuất hiện tại đó, trùng hợp với thời gian tổng thống Ấn Độ sang thăm Việt Nam.

Theo tờ Times of India, tàu ngầm hạt nhân này có thể là một động thái ‘ăn miếng trả miếng’ của Trung Quốc sau khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Ấn Độ.

Panda cũng nhận định rằng, Trung Quốc coi mối quan hệ Việt-Ấn là mối đe dọa đối với con đường tơ lụa hàng hải (MSR –  Maritime Silk Route) của nước này, một bước đi đầu của lãnh đạo Tập Cận Bình vào năm ngoái, nhằm thiết lập mối quan hệ đối tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và trên Ấn Độ Dương.

Ông Tập nói, Ấn Độ và Việt Nam đã nhận ra  tầm quan trọng của MSR đối với Trung Quốc.

“Như Trung Quốc lo ngại, tôi nghĩ hai thập kỷ qua, Ấn Độ đã theo đuổi chính sách đơn diện: quan hệ với Trung Quốc về mặt kinh tế, nhưng đối với vấn đề an ninh và chính trị, đặc biệt là với các vấn đề chính sách đối ngoại nhạy cảm, họ lại vô cùng thận trọng khi quan hệ với Trung Quốc”, Panda bình luận.

Venus Upadhayaya, Epoch Times

(Đại Kỷ Nguyên)

Không có nhận xét nào: