Pages

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì?

VRNs (22.11.2014) - Sài Gòn – Những ngày qua, người dân Việt Nam đều được thông tin Quốc Hội vừa “lấy phiếu tín nhiệm” đối với 50 quan chức hàng đầu của chính phủ Việt nam, với cách thức được nhiều người cho là “có một không hai”: tín nhiệm, tín nhiệm thấp và tín nhiệm cao. Cách thức này, được Đại biểu Quốc Hội Bà Lê Thị Nga, nói thay cho nhiều người là: “chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm”.
Hôm qua, báo Vnexpress thông tin: Báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội nội dung dự thảo Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chiều 20/11, Ủy ban thường vụ Quốc hội giữ nguyên 3 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ.
Phản đối nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm dẫn đến hệ quả, chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp.

Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả mọi quan chức "đều được tín nhiệm".
Quốc hội Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm. Kết quả mọi quan chức “đều được tín nhiệm”.
“Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?”, bà Nga đặt câu hỏi.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị cần phải có mức phiếu “không tín nhiệm” để phù hợp với quy định đánh giá cán bộ “không hoàn thành nhiệm vụ” thể hiện tại Điều 29 Luật cán bộ, công chức. Nếu không có quy định “không tín nhiệm” thì vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu Quốc hội, hạn chế luôn cả quyền của cử tri vì lá phiếu đánh giá là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình vì nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ.
“Chỉ cần quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm và không tín nhiệm”, bà Nga đề xuất.
Phải nói là ý kiến của Bà Nga được đông đảo cư dân mạng ủng hộ. Thế nhưng, vẫn có ý kiến của một blogger cho là “ngu hết chỗ để tả, ngu hết phần thiên hạ…”.
Blogger này phân tích“bản chất của lấy phiếu là “thăm dò mức độ tín nhiệm. Phần thăm dò mức độ, việc định danh ra 3 mức độ hay 10 mức độ đi chăng nữa là điều hoàn toàn không quan trọng, thậm chí nó có thể thay đổi theo từng kì. Bản chất chính trị của 3 lọai phiếu đó là đồng lòng, ko đồng lòng hay trung dung. Đó không phải là loại phiếu phủ quyết hay không phủ quyết để có thể dẫn đến hệ lụy: hạn chế quyền của đại biểu trong trường hợp đại biểu không tín nhiệm một chức danh nào đó.
Xét trên tầm ảnh hưởng chính trường, xét trên tầm trí lực của đại biểu quốc hội hiện hành và xét thêm cả cơ chế tổ chức của ta (ban chấp hành trung ương Đảng mới thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất), thì những lá phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm kia, thậm chí còn chẳng ảnh hưởng nổi tới những vị trí lãnh đạo đất nước trong nhiệm kì tiếp theo.”
Đúng là tìm hiểu sâu hơn, mấu chốt của cái “trò chơi chính trị” vẫn nằm ở Điều 4 Hiến pháp: “đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Thế cho nên, Điều 69 Hiến pháp qui định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhưng thực tế, “ban chấp hành trung ương đảng mới thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất”.
Ngày 3/5/1999, Bộ chính trị đảng cs Việt Nam có ra Quyết định số 49-QĐ/TW kèm theo qui định về “phân cấp, quản lý cán bộ”. Theo đó “Bộ chính trị: Quyết định phân công công tác các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Quyết định việc bố trí, giới thiệu ứng cử, chỉ định; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, miễn nhiệm; khen thưởng, kỷ luật; nghỉ hưu và thực hiện chính sách đối với cán bộ có chức danh nêu tại Điều 9 chương IV của Quy định này…
Điều 9. Chức danh cán bộ do Bộ Chính trị trực tiếp quyết định.
1- Cơ quan Trung ương.
- Uỷ viên Bộ Chính trị; Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng.
- Phó chủ tịch nước; Phó thủ tướng Chính phủ; Phó chủ tịch Quốc hội.
- Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng An ninh.
- Thành viên đảng đoàn Quốc hội; thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ; Bí thư Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bí thư ban cán sự đảng Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư ban cán sự đảng các bộ và cơ quan ngang bộ; Bí thư đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư đảng uỷ khối cơ quan Trung ương.
- Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; Trưởng ban của Trung ương; Chánh Văn phòng Trung ương; Giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
- Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Chủ nhiệm Uỷ ban của Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
- Bộ trưởng; Chủ nhiệm uỷ ban nhà nước; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ quốc gia; Giám đốc Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia.
- Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam; Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
- Tổng biên tập Báo Nhân dân; Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
Như thế, Điều 70 Hiến pháp qui định quyền hạn của Quốc Hội là: “7. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia”.
Quốc Hội chỉ được bầu sau khi đã được bộ chính trị “phân công”, sẽ chỉ được “phê chuẩn” cái đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức của bộ chính trị. Và quyền hạn của Quốc Hội do Hiến pháp qui định là: “8. Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” sẽ đương nhiên chỉ là ” tín nhiệm, tín nhiệm cao, thấp” chứ làm sao có thể thực hiện “bất tín nhiệm” khi quyền hạn “phân công” ,”đề nghị” là của bộ chính trị.
Hiểu như vậy, để đừng có mơ “chỉ cần tín nhiệm và bất tín nhiệm”. Ông Dũng thủ tướng từng tuyên bố: “đảng phân công” thế nên dù tín nhiệm thấp mà đảng vẫn “phân công” thì làm sao “từ chức” ? Bà Tiến – tín nhiệm thấp, nhưng nếu không có “đề nghị” thì làm sao Quốc hội được “phê chuẩn” cho Bà nghỉ làm Bộ trưởng. Và có nhiều nghịch lý xem ra bình thường ở chế độ này, mà cái bỏ phiếu tín nhiệm cao, thấp tưởng là nghịch lý, nhưng lại vô cùng bình thường là thế.
Câu chuyện vui, do một công thần chế độ này kể lại: Có ông lão mang bầy vẹt ra chợ bán. Ông giới thiệu: Con vẹt này giá một triệu. Mọi người ồ lên thắc mắc: sao mắc vậy? Ông trả lời: Nó mắc vì biết nói tiếng người. Còn con này giá hai triệu, vì nó vừa biết nói lại vừa biết hát. Còn con này giá ba triệu vì nó vừa biết hát, biết nói lại vừa biết nhảy múa. Con kia giá tới bốn triệu, vì nó vừa biết hát, biết nói, biết nhẩy múa mà nó còn biết nghe tiếng người, nói nó ngưng là nó ngưng, nói nó biểu diễn là biểu diễn. Mọi người chỉ con vẹt màu đỏ trông xấu xí nhưng lại được ông lão để trên cao, ra vẻ cưng chiều, hỏi: Còn con này bao nhiêu? Ông lão trả lời: Ồ, con này vô giá. Mọi người nhao nhao hỏi: Nó biết làm gì đặc biệt mà vô giá ? Ông lão phân trần: Con này không biết làm gì. Nó không biết hát, không biết nói, không biết múa, không biết nghe tiếng người nhưng nó vô giá, vì nó là lãnh đạo của mấy con kia!
HT.VRNs

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Lấy phiếu tín nhiệm là một trò HỀ mị dân , chiêu bài Lừa đảo mớ của CSản với Qtế mà thôi.Ê đcsvn mày có ngon mời giám sát Qtế để dân bỏ phiếu tín nhiệm nè.Đả đảo Đcs bán nước hại dân.