Pages

Thứ Năm, 13 tháng 11, 2014

VIỆT NAM THẮT CHẶT QUAN HỆ VỚI ẤN ĐỘ ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC

BienDong.Net: Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động hiện thực hóa “đường lưỡi bò”, khống chế và độc chiếm Biển Đông, nhất là sau vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam và đang ráo riết lấn biển, mở rộng các cấu trúc mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông, Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải tăng cường hợp tác với các nước lớn khác, nhất là Ấn Độ để chống lại những mưu đồ đen tối của Trung Quốc. Những chuyến thăm dồn dập giữa Ấn Độ và Việt Nam sau khi Ấn Độ có Chính phủ mới đã được triển khai trong mấy tháng qua.

Chuyến thăm của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Việt Nam sang Ấn Độ từ 26 - 27/10/2014 là một minh chứng cho thấy sự gắn kết giữa 2 nước về mặt lợi ích trên hầu hết các lĩnh vực, kể cả trong vấn đề Biển Đông. Ông Dũng là người có nhiều phát biểu mạnh mẽ trên vấn đề Biển Đông khi ông gián tiếp lên án chính sách cường quyền của Trung Quốc. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, ông Dũng đã phát biểu với báo giới rằng Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng (chủ quyền biển đảo của đất nước) để nhận lấy một thứ hòa bình hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”; vì vậy Trung Quốc hoàn toàn không “ưa” hay “chào đón” gì ông Dũng.
Ngược lại ở Ấn Độ, ông Dũng được chào đón nồng nhiệt nơi mà “Lòng tin chiến lược” đã tồn tại giữa Việt Nam với tư cách là một cường quốc trụ cột ở Đông Nam Á và Ấn Độ với tư cách là một trung tâm quyền lực đang trỗi dậy ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Chính ông Nguyễn Tấn Dũng đã ký với Lãnh đạo Ấn Độ về quan hệ đối tác chiến lược trong chuyến thăm Ấn Độ vào năm 2007. “Lòng tin chiến lược”, vốn là một nền tảng vững chắc của Đối tác Chiến lược Việt Nam - Ấn Độ, sẽ đóng góp một cách thực chất cho an ninh và ổn định của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Giữa Việt Nam và Ấn Độ từ nhiều thập kỷ nay đã có một mối quan hệ về mặt chính trị cực kỳ thân thiết, lâu đời. Cả Việt Nam và Ấn Độ đang phải đối phó với những mối đe dọa ngày càng lớn từ phía Trung Quốc. Tháng 5/2014, Trung Quốc đã vô cớ tạo căng thẳng ở Biển Đông bằng cách đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa thuộc quyền tài phán của Việt Nam. Điều có ý nghĩa là cũng chính tháng 5/2014, ông Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ và Trung Quốc cũng gia tăng căng thẳng ở khu vực biên giới phía Bắc của Ấn Độ. Và chính điều này đã tạo thêm sự gắn kết giữa Việt Nam và Ấn Độ trong việc đối phó với những hành động bành trướng ngang ngược của Trung Quốc. Ông Modi là một nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán và mạnh bạo nên quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Ấn Độ chắc chắn sẽ được làm sâu sắc hơn dưới thời đại của Thủ tướng Modi.
Vấn đề Biển Đông và hợp tác an ninh quốc phòng, nhất là hợp tác trong lĩnh vực biển đảo là một trong những nội dung quan trọng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà Lãnh đạo khác của Ấn Độ. Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh: “Không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam trở thành ưu tiên cao nhất trong những nỗ lực của chúng tôi”. Đáp lại phát biểu của ông Modi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và trên thế giới; khẳng định Việt Nam ủng hộ chính sách hướng Đông của Ấn Độ và chính sách kết nối về mọi mặt của Ấn Độ tại khu vực.
Trong các cuộc trao đổi, các Lãnh đạo Ấn Độ đều khẳng định ủng hộ quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ở Biển Đông cần phải được bảo đảm; ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS - 1982), thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC, sớm xây dựng và hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử COC. Thủ tướng Modi tuyên bố “Chúng ta có lợi ích chung trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có tự do hàng hải, tự do giao thương và giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Trong thời gian chuyến thăm, Công ty ONGC Videsh và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ký kết thoả thuận thăm dò dầu khí ở các dự án mới tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông và việc Ấn Độ cam kết tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông.
Đáng chú ý là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khẳng định “Chúng tôi sẽ nhanh chóng triển khai gói tín dụng 100 triệu USD giúp Việt Nam mua sắm các tàu tuần tra mới từ Ấn Độ”. Đây là gói tín dụng đã được phía Ấn Độ cam kết trong thời gian chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ tháng 9/2014.
Nội dung về Biển Đông đã được đề cập khá đậm trong Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ khi kết thúc chuyến thăm, trong đó nêu rõ “Hai Thủ tướng tái khẳng định mong muốn và quyết tâm cùng nhau duy trì hoà bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng tại Châu Á và trên thế giới. Hai bên nhất trí cho rằng tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông không thể bị cản trở và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hoặc đe đoạ sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS - 1982. Hai Thủ tướng hoan nghênh cam kết chung của các bên liên quan tuân thủ và thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002, hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. Hai Thủ tướng kêu gọi tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực bảo đảm an ninh của các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và các hoạt động tìm kiếm cứu nạn”.
Một nội dung quan trọng khác trong chuyến thăm là việc thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước, trong đó Ấn Độ cam kết cung cấp nhiều nguyên liệu cho Việt Nam mà trước đây phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã bị mất cân đối khi Việt Nam phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu từ Trung Quốc, đặc biệt là trong ngành dệt may đang phát triển. 50% sợi thô và các loại vải phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong vụ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng con bài kinh tế để gây áp lực. Trung Quốc đã đe dọa ngừng cung cấp các nguyên liệu cho Việt Nam. Dệt may được xem như một ngành xuất khẩu quan trọng đối với Việt Nam. Muốn giảm sự phụ thuộc từ Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, việc Việt Nam tìm kiếm một nguồn cung cấp đa dạng hóa từ Ấn Độ là điều hiển nhiên.
Trung Quốc rõ ràng là không thể hài lòng với kết quả chuyến thăm của ông Dũng nói riêng và những bước phát triển trong quan hệ Việt - Ấn nói chung bởi lẽ Việt Nam và Ấn Độ không chỉ ủng hộ lẫn nhau trong vấn đề biên giới biển đảo; tăng cường hợp tác trong thăm dò khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam mà Ấn Độ còn sẵn sàng thay thế Trung Quốc trong việc cung cấp những nguyên liệu cho công nghiệp Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dệt may.
Vậy là, những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông chính là “chất xúc tác” thôi thúc quan hệ Việt - Ấn trong lĩnh vực biển đảo, tạo điều kiện cho Ấn Độ phát huy vai trò ở Biển Đông và trong khu vực mà có thể Trung Quốc còn mất đi thị trường tiềm năng Việt Nam vào tay Ấn Độ. Chính điều này đã làm Trung Quốc tức giận.
Trước những hành động hung hăng của Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách bá quyền ở Biển Đông, Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Ấn Độ để giảm bớt sức ép từ Trung Quốc. Đây là bước đi đúng hướng để đối phó với Trung Quốc bởi giữa Việt Nam và các nước này đang có cùng chung một lợi ích là ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc xuống Biển Đông./.
                                                                                                            BDN

Không có nhận xét nào: