Pages

Thứ Bảy, 13 tháng 12, 2014

Bàn cờ quân sự & chính trị Việt Nam trên Biển Đông

Trong kỳ họp thượng đỉnh APEC vừa qua đã có những cuộc gặp gỡ giữa thủ tướng Nhật Abe, chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping). Đó được cho là dấu hiệu giảm căng thẳng trong mối liên hệ giữa các nước này, nhưng sự lạnh lùng của các nhà lãnh đạo trong lúc bắt tay chụp hình cho thấy là bên sau sân khấu tình hình vẫn chưa bình thường và sẽ không thể bình thường nhanh được. Những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong tranh chấp lãnh thổ suốt những năm qua đã để lại dấu vết tiêu cực trong mối quan hệ đối với các nước láng giềng.

Sau khi chiếm đóng hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã liên tiếp thi hành từng bước để củng cố chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa như xây đồn đóng quân, kiến thiết một sân bay trên đảo Gạc Ma (Johnson Reef South) v.v. Việc dựng dàn khoan dầu HS 981 trong vùng biển Hoàng Sa tháng Tư năm nay là cao điểm của những tranh chấp cho đến nay.

Những hành động ngang ngược này của Trung Quốc ở Biển Đông -mà chính phủ Mỹ đã chỉ trích là đầy tính khiêu khích- xảy ra chỉ một khoảng thời gian ngắn sau những xung đột tương tự tại vùng biển giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Nam Hàn. Vào tháng 11 năm 2013 Trung Quốc đã tuyên bố thành lập một vùng gọi là Không phận phòng thủ trên biển giữa Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật và Đài Loan. Vùng không phận này cũng bao gồm bầu trời trên những hòn đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Senkaku, Trung Quốc gọi là Điếu Ngư (Diaoyu).

Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho sự thay đổi chính sách về lãnh hải của Trung Quốc. Trong những thập niên trước thế kỷ 21 chính sách của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ còn tương đối "mềm mại" với phương cách dùng "soft power" (quyền lực mềm) để áp lực. Từ đầu thế kỷ 21 sự phô trương lực lượng quân sự và thậm chí đe dọa dùng vũ lực gây xung đột từ phía Trung Quốc đã trở nên thường xuyên hơn.

Dưới ảnh hưởng của những biến cố này và theo đà phát triển quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc các nước láng giềng Đông Á, trước nhất là Nhật, đã tuyên bố sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng. Cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Á trước đây còn ngấm ngầm, nay đã bước qua giai đoạn mới, công khai và quyết liệt hơn. Các quốc gia Đông Á đang chuẩn bị cho những biến động trong tương lai, trang bị quân sự của họ đang được gia tăng đến mức chưa từng có trong vùng này.

Nước Mỹ, tuy là đồng minh và cường quốc che chở cho nhiều nước trong vùng, xưa nay vẫn ứng xử thận trọng đối với Trung Quốc, nhưng trước sự phô trương sức mạnh quân sự và những hành động lấn chiếm công khai của Bắc Kinh, nay Mỹ cũng bắt đầu lên tiếng cảnh cáo. Với ông Obama là tổng thống đầu tiên xuất thân từ Hawaii, tiểu bang nằm giữa lòng Thái Bình Dương, chiến lược của Mỹ về Đông Á cũng đang được thay đổi.

Những biến chuyển này sẽ có ảnh hưởng gì cho tương lai của Biển Đông và Việt Nam? Khả năng quân sự của Việt Nam đang trong tình trạng như thế nào so với các nước láng giềng, nhất là so với Trung Quốc hung hăng? Việt Nam phải và có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình? Và Việt Nam có những lựa chọn gì về mặt quân sự và chính trị? Trước sự im lặng và thụ động của chính phủ Việt Nam, đó là những câu hỏi khẩn cấp mà người Việt trong và ngoài nước đều quan tâm đến.

Những yếu tố chiến lược của Biển Đông

Biển Đông là vùng biển với nhiều vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhất hiện nay trên thế giới. Bảy quốc gia ở bên bờ là Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương và Brunei không ít thì nhiều đều tuyên bố chủ quyền của mình trên vô số những hòn đảo ở Biển Đông. Những vùng tranh chấp mãnh liệt nhất là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Biển Đông cũng là một trong những vùng biển với những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất thế giới. Tất cả các thuyền chở hàng giữa Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu, châu Phi và Trung Đông đều đi qua vùng này để rồi qua đường Malacca (Malacca Strait) vào Ấn Độ Dương. Đó là khoảng phân nữa trọng tải thuyền của thế giới.

Các tuyến đường hàng hải trong Biển Đông [1]

Biển Đông là mạch máu cung cấp dầu hoả từ Trung Đông, mỗi ngày khoảng 11 triệu thùng dầu thô được vận chuyển qua đường Malacca để cung cấp cho Bắc Á [2]. Có thể nói là ai kiểm soát vùng biển này, người đó nắm sự sống còn của nền kinh tế Bắc Á trong tay. Ngoài ra còn có hai yếu tố khác không kém phần quan trọng, thứ nhất là những nguồn dầu hỏa và dầu khí khổng lồ được phỏng đoán dưới đáy biển, nhất là xung quanh những hòn đảo. Theo ước tính của Sở Nghiên Cứu Địa Chất Mỹ (US Geological Survey) số lượng dầu hỏa là khoảng 11 đến 22 tỷ thùng (barrel) và 2.960 (hai ngàn chín trăm sáu mươi) đến 8.200 (tám ngàn hai trăm) tỷ mét khối dầu khí [2],[3].

Yếu tố thứ hai, vùng Biển Đông cũng là những nguồn thủy sản phong phú để đáp ứng nhu cầu chất đạm. Có đến 20% hải sản cung cấp cho thị trường thế giới được đánh bắt ở đây. Một yếu tố tối quan trọng cho nước ta với 85 triệu dân và nền công nghệ thủy sản với truyền thống lâu đời về chài lưới đánh cá ngoài biển khơi, và còn quan trọng hơn nữa cho một quốc gia với gần hai tỷ dân. Ta vẫn có thành ngữ "đất nước Việt Nam rừng vàng biển bạc". Người xưa đã có một cảm giác, một khái niệm như thế, nhưng trong thời đại này thành ngữ đó đã trở thành hiện thực. Một kho tàng có thật nhưng có thể sẽ bị mất, không còn là gia tài để lại cho các thế hệ tương lai.

Hiệp ước UNCLOS

Tranh chấp hải phận không phải là một vấn đề mới xuất hiện, vì thế các quốc gia có biển đã cùng với Liên Hiệp Quốc lập ra một thoả thuận để giải quyết những vấn đề tranh chấp đó, gọi là hiệp ước UNCLOS (United Nations Convention on the Law of the Sea). Hầu hết các quốc gia đã ký kết hiệp ước này, trong đó có tất cả các nước xung quanh Biển Đông và ngay cả Trung Quốc. Hiệp ước này định nghĩa vùng hải phận bất khả xâm phạm của một quốc gia là vùng biển 12 dặm trước bờ. Ngoài ra - và đây là điều rất quan trọng cho sự tranh chấp trong Biển Đông- một quốc gia có thể khẳng định một vùng 200 dặm nối tiếp lãnh hải của mình, được gọi là vùng kinh tế độc quyền (Exclusive Economic Zone, EEZ). Như thế trên lý thuyết một quốc gia có thể nới rộng lãnh hải của mình đến 212 dặm trước bờ biển. Với thoả thuận UNCLOS thì thật ra vấn đề chủ quyền trên Biển Đông có thể giải quyết được. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều cách bờ biển Việt Nam khoảng 220 dặm, trong khi Hoàng Sa cách Trung Quốc khoảng 270 dặm và Trường Sa thì còn xa hơn nữa với 750 dặm.

Như thế trên tinh thần của hiệp ước UNCLOS thì vấn đề Hoàng Sa có thể được giải quyết song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhưng Trung Quốc không có lý do gì để đòi hỏi Trường Sa. Vấn đề chủ quyền Trường Sa là chuyện Việt Nam phải giải quyết với Mã Lai và Phillippine.

Bản đồ lưỡi bò và ranh giới hải phận theo hiệp ước UNCLOS [4]

Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy. Năm 1956 Trung Quốc đã phát hành một bản đồ của mình, trong đó hải phận Trung Quốc được mô tả một cách mơ hồ với vài gạch đỏ. Đó là cái bản đồ nay được gọi là "bản đồ đường lưỡi bò" hoặc "bản đồ 9 gạch". Trong đó hải phận Trung Quốc được nới ra và bao chiếm hầu hết Biển Đông, để lại cho các nước láng giềng vỏn vẹn một hải phận 12 dặm. Hiện nay Trung Quốc tiếp tục khẳng định chủ quyền ở Biển Đông trên căn bản của cái bản đồ phi lý này, định nghĩa Biển Đông là một "biển nội địa."

Vấn đề chủ quyền trong vùng Biển Đông chỉ có thể giải quyết qua sự đàm phán nhiều phía giữa các quốc gia bên bờ và trên cơ sở hiệp ước UNCLOS, nhưng Trung quốc giữ lập trường là chỉ đàm phán tay đôi riêng biệt với từng nước láng giềng. Đàm phán song phương như vậy Trung Quốc sẽ tận dụng được thế mạnh của một nước lớn và dễ dàng gây chia rẽ các nước khác. Với đòi hỏi này của Trung Quốc, tất cả các quốc gia bên bờ Biển Đông sẽ là những kẻ thua cuộc trong tranh chấp này.

Sức mạnh ngày càng tăng của quân đội Trung Quốc

Một yếu tố tối quan trọng để đạt được kết quả trong cuộc đàm phán là thế lực của quốc gia đó trong chủ đề đàm phán. Trong vấn đề lãnh thổ, thế lực về chính trị, kinh tế và quân sự là yếu tố quyết định. Đây là một trong những nguyên do chánh cho sự thay đổi chính sách của Trung Quốc. Chi phí quốc phòng của Trung Quốc đã liên tiếp tăng cao trong những thập niên qua. Với tổng số 188,5 tỉ Dollar ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cho năm 2013 đã vượt qua ngân khoản quốc phòng ba nước Anh, Pháp và Đức nhập lại (tổng cộng là 167,9 tỉ Dollar) [5]. Đó là một kỷ lục mới và là một số tiền khổng lồ so với các nước láng giềng (tỉ dụ tổng sản lượng quốc gia VN năm 2013 là 171,4 tỉ Dollar [6] vẫn chưa bằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc!)

Kết quả của nỗ lực đó là sự xuất hiện liên tục của những hệ thống vũ khí tối tân từ đầu thế kỷ này. Cho đến năm 1998 lực lượng không quân Trung Quốc còn chủ yếu sử dụng chiến đấu cơ loại MiG 21 hoặc J-9 là sản phẩm tự chế dựa trên công nghệ cuả chiếc MiG 21. Không quân Trung Quốc được coi là lạc hậu so với những lực lượng hiện đại của các cường quốc Tây Phương và Nga.

Nhưng từ năm 1999 Trung Quốc trang bị cho quân đội hàng loạt những loại chiến đấu cơ tân tiến tự chế như chiếc Chengdu J-10 (giống chiếc Eurofighter) và chiếc Shenyang J-11 (copy của chiếc SU-27SK của Nga). Điều làm cho giới quân sự, nhất là của Mỹ, ngạc nhiên nhất là chuyến bay đầu tiên của chiếc Chengdu J-20, một chiếc khu trục cơ thiết kế theo công nghệ tàng hình (stealth technology), một công nghệ mà Tây Phương cho rằng Trung Quốc cần khoảng hai mươi năm nữa mới theo kịp.

Sự thay đổi từ một quân đội lạc hậu, mang tiếng là lấy biển người để đè bẹp đối thủ, đến một quân đội hiện đại được thể hiện rõ ràng nhất trên mặt nước. Hải quân Trung Quốc cho đến năm 1995 có tổng cộng 52 chiến hạm cỡ khu trục hạm (destroyer) và hộ tống hạm (frigate), trong đó vỏn vẹn chỉ có 7 chiếc có trang bị hỏa tiễn phòng không tầm ngắn, mặc dù trong thời đó hỏa tiễn phòng không đã là vũ khí cơ bản của tất cả chiến hạm lớn hơn 100m của NATO hoặc Khối Warsaw. Nhưng từ năm 1996 đến nay lực lượng hải quân Trung Quốc đã liên tục tiếp nhận các chiến hạm mới với trang bị hiện đại và tàu ngầm. Năm 2010, tức là chỉ 15 năm sau, hải quân Trung Quốc có đến 75 chiến hạm lớn [7]. Trong số đó khoảng 25 chiếc có trang bị hỏa tiễn tối tân như những khu trục hạm lớp Sovremenyi mua của Nga và những tàu chiến tự chế lớp 052B và 052C. Đặc biệt là những khu trục hạm lớp 052C (Luyang-III class) đã có hệ thống radar loại phased-array tương tự như hệ thống radar AEGIS trên những chiến hạm tối tân nhất của Mỹ hạng Arleigh Burke.

Năm 2011 hải quân Trung Quốc đã được tăng cường chiếc Liaoning, một hàng không mẫu hạm được hoàn tất trên cái sườn của chiếc Warjag, một chiếc mẫu hạm thuộc vào lớp Admiral Kuznetzow của Nga.

Và sự tăng cường năng lực hải quân vẫn được tiếp tục. Theo báo cáo của Bộ quốc phòng Mỹ thì hiện tại Trung Quốc có 81 chiến hạm lớn, 56 tàu ngầm, 57 chiến hạm để đổ bộ thủy quân lục chiến và hơn 85 tàu chiến loại nhỏ. [8]

Một chiến hạm lớp Luyang-III (52C)

Lực lượng Hải Quân Việt Nam

Mặc dù là một quốc gia với lãnh thổ trải dài dọc bờ biển hơn 3000 km, lực lượng hải quân Việt Nam cho đến nay không đóng một vai trò quan trọng trong chính sách quốc phòng. Cho tới năm 1975 chỉ miền nam Việt Nam có một lượng hải quân đáng kể. Về số lượng, hải quân Việt Nam Cộng Hoà đã là lực lượng hải quân lớn nhất Đông Nam Á với khoảng 600 tàu chiến đủ loại (nhưng đa số là thuyền nhỏ đi trên sông).

Sau khi thống nhất đất nước chiến hạm lớn nhất của hải quân Việt Nam trong nhiều năm vẫn là chiếc Phạm Ngũ Lão (HQ 01). Đó là một hộ tống hạm đóng cho hải quân Mỹ năm 1943 và được bàn giao cho hải quân Việt Nam Cộng Hòa.

Đến năm 2011 lực lượng tác chiến chủ yếu của hải quân Việt Nam bao gồm:

* 5 hộ tống hạm hạng nhẹ Petya III (Project 159AE) do Liên Sô cung cấp. Những tàu chiến này được đóng trong thập niên 70, tàu dài 85 m, tức khoảng phân nữa chiều dài của một khu trục hạm của Trung Quốc. Với trang bị bằng súng 76 ly, giàn phóng thủy lôi, giàn ném bom chống tàu ngầm những tàu này có thể bị xem là lạc hậu và vô dụng khi đương đầu với những chiến hạm của Trung Quốc.

* 4 tuần duyên hạm Molnija (Project 1241.E, biệt hiệu của NATO là Tarantul) do Nga cung cấp. Những tàu này nhỏ hơn loại Petya nhưng có trang bị hoả tiễn phòng không Strela-2MF (NATO code là SA-N-5 Grail) cũng như hỏa tiễn chống chiến hạm P-20 Rubezh (NATO code là SS-N-2 Styx).

* 2 tuần duyên hạm lớp BSP 500 (Project 12418) có trang bị hỏa tiễn Ch-35 Uran (NATO code SS-N-25 Switchblade) chống tàu tốc độ cận âm, tầm xa 130 km, và hỏa tiễn phòng không Igla-M (SA-N-10 Grouse). Đây là những đơn vị với hỏa lực mạnh nhất của hải quân Việt Nam lúc bấy giờ, nhưng cũng như hai lớp nêu trước những chiếc tàu này chỉ có thể hoạt động biệt lập ngoài khơi được khoảng bảy ngày, một yếu điểm lớn so với các tàu lớn như khu trục hạm hoặc hộ tống hạm.

Ngoài ra hệ thống hỏa tiễn phòng không của các chiến hạm này chỉ bắn được đến tầm xa là 15-20 km, đủ để tự vệ nhưng không có khả năng để bảo vệ một khu vực.

Với lực lượng hải quân như thế thì việc mất những hòn đảo vào tay của một cường quốc hung hăng như Trung Quốc là một chuyện không thể tránh khỏi.

Năm 2011/ 2012 có thể được xem là một bước ngoặt, hải quân Việt Nam được tăng cường hai chiếc hộ tống hạm tối tân của Nga hạng Gepard (Project 11660). Đó là chiếc HQ 011 "Đinh Tiên Hoàng" và chiếc HQ 012 "Lý Thái Tổ". Lần đầu tiên hải quân Việt Nam có được hai chiến hạm với trang bị đầy đủ để có thể đương đầu với những đối thủ Trung Quốc. Nhưng tại sao hai chiến hạm tân tiến nhất của hải quân Việt Nam lại mang tên hai vì vua này thay vì mang tên những anh hùng dân tộc có thành tích thủy chiến lẫy lừng như Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo v.v. , đó là bí mật của giới lãnh đạo ở Việt Nam. Đến năm 2016 hải quân Việt Nam sẽ được tiếp nhận thêm hai chiếc nữa cùng lớp.

Hộ tống hạm HQ-011 Đinh Tiên Hoàng

Ngoài ra năm 2009 Việt Nam cũng đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm hạng Project 877 của Nga (Nato-Code là Kilo) với giá trị tổng cộng là hai tỷ USD. Đó là tàu ngầm chạy bằng diesel và điện với khả năng hoạt động lâu dưới mặt nước. Chiếc tàu ngầm đầu tiên mang tên HQ 182 "Hà Nội"được tiếp nhận trong tháng giêng 2014 và chiếc thứ hai mang tên "HQ 183 Thành phố Hồ Chí Minh" được bàn giao trong tháng ba 2014 là một sự gia tăng sức mạnh đáng kể cho hải quân Việt Nam, nhưng cũng chỉ có tính cách tượng trưng khi so sánh với số tàu ngầm của hải quân Trung Quốc là 57 chiếc đủ loại.

Dù sao đi nữa đây cũng là một thay đổi trong chính sách quân sự của Việt Nam. Việt Nam hiện đang thương lượng với hãng đóng tàu Schelde Naval Shipbuilding của Hòa Lan về việc mua 4 chiếc hộ tống hạm lớp SIGMA. Nếu hợp đồng mua tàu của Hòa Lan thành hình thì đây là lần đầu tiên sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc nước ta được cung cấp vũ khí từ một xứ Tây phương.

Nhưng nói chung, ngay trong trường hợp hải quân Việt Nam tiếp nhận hết những chiếc tàu đã mua của Nga thì sự chênh lệch vẫn còn rất lớn theo hướng bất lợi cho nước ta so với Trung Quốc và các nước trong vùng. Sau đây là bản liệt kê tổng quát về lực lượng hải quân hiện tại của các quốc gia có biển ráp ranh giới với Trung Quốc [9]:


Hải quân Việt Nam như thế chỉ mạnh hơn hải quân Phillipine, nhưng năng lực kém cỏi của hải quân Phillipine là một điều không đáng ngạc nhiên vì xứ này cho đến năm 1992 không có nhu cầu phải tự bảo vệ vùng biển. Với căn cứ hải quân Subic Bay khổng lồ và căn cứ không quân Clark Air Base, quân đội Mỹ đã là nguồn bảo đảm an ninh cho Phillipine. Đến nay sau khi quân đội Mỹ đã rút ra khỏi hai căn cứ này Mỹ vẫn để bàn tay che chở trên nước này. Việt Nam không có một đồng minh hùng mạnh như thế, phải tự bảo vệ nguồn sống của mình với lực lượng hải quân chỉ mạnh hơn Phillipine một chút. Đó là một điều thật đáng lo âu.

Từ Thế chiến thứ hai, sau khi các máy bay hải quân đã kết thúc thời đại oai hùng của những thiết giáp hạm khổng lồ, lực lượng không quân là một yếu tố tối quan trọng cho sự khống chế chiến trường trên đất liền và trên biển. Các nước láng giềng tại Đông Nam Á như Mã lai, Singapore, Thái Lan từ lâu đã tân trang lực lượng không quân của họ bằng những chiến đấu cơ thế hệ thứ tư như F-15, F-16 (Singapore), F-18 của Mỹ (Mã Lai), MiG-29 của Nga (Mã Lai), và JAS-39 Gripen của Thụy Điển (Thái Lan). Một số quốc gia ở Á Châu như Nhật, Nam Hàn và Thái Lan, ngoài lực lượng không quân tối tân hiện nay còn nỗ lực gầy dựng một lực lượng không quân - hải quân. Nhật, Nam Hàn và Thái Lan đã tăng cường sức mạnh quân đội bằng những chiếc hàng không mẫu hạm nhỏ. Thái Lan đã có chiếc "Chakri Naruebet" từ năm 1997 với chiến đấu cơ lên thẳng loại AV-8 Harrier. Nhật có chiếc "Izumo" và chiếc "Hyuga", và đã đặt mua chiến đấu cơ lên thẳng loại F-35 Lightning II tối tân nhất của Mỹ để trang bị cho tàu này trong tương lai. Nam Hàn có chiếc "Dokdo" tương tự như chiếc Hyuga.

Hàng không mẫu hạm Hyuga của Nhật

Không quân Việt Nam hiện nay có khoảng 97 chiến đấu cơ bao gồm các loại MiG-21, Su-22, Su-24 và Su-30 [9]. Trong khi 24 chiếc Su-30 và 11 chiếc Su-24 mua từ năm 2004 có thể được xem là cột trụ của lực lượng bảo vệ không phận, thì đa số máy bay còn lại là MiG-21 và Su-22 lại quá lỗi thời, thuộc về công nghệ của thập niên 70-80 và hiện nay không biết là bao nhiêu chiếc còn sử dụng được.

Để trả lời câu hỏi lực lượng không quân Việt Nam có đủ khả năng bảo vệ đất nước và biển đảo hay không, chỉ cần so sánh: Đài Loan, với một diện tích chỉ bằng khoảng 1/9 của Việt Nam, lại có một lực lượng không quân gồm khoảng 400 chiến chiến đấu cơ phản lực tối tân!

Nói chung sự phát triển tiêu cực của đất nước ta trên mọi mặt trong 20 năm sau khi thống nhất đã làm cho năng lực quân sự bị suy yếu trầm trọng. Quân đội Việt Nam hiện nay đang có một nhu cầu hiện đại hóa khẩn cấp và tân trang khổng lồ cho mọi binh chủng. Chính quyền Việt Nam đã bắt đầu chi tiền để mua vũ khí mới, nhưng quá ít và quá chậm. Hoặc chi nhiều tiền nhưng không mua được nhiều thiết bị vì phần lớn số tiền đã vào túi các cán bộ cao cấp. Hậu quả là sự bất lực của hải quân và không quân Việt Nam trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông hiện nay.

Sự thay đổi chiến lược của Mỹ

Truyền thống của Mỹ là chú tâm vào vùng Bắc Đại Tây Dương đã đuợc chính phủ Obama xét lại. Giờ đây đại cường quốc duy nhất trên thế giới xoay ánh mắt đến Thái Bình Dương, nơi mà tổng thống Obama cho rằng sẽ quyết định sự phát triển của thế kỷ 21. Ngoài sự cộng tác chặt chẻ hơn với các đồng minh truyền thống trong vùng như Nhật và Nam Hàn, chính phủ Mỹ cũng đã nới lỏng những giới hạn trong quy chế cung cấp vũ khí cho các nước trong vùng. Đối với Việt Nam năm 2011 chính phủ Mỹ đã tuyên bố là có thể bán thiết bị quân sự "không sát thương"(non-lethal equipment).

Mới đây, sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 2/10 Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington đã gỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Ngày 10/11 Cơ quan kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành văn bản chính thức và có hiệu lực từ ngày ký. Các loại vũ khí mà Mỹ sẽ bán cho Việt Nam có thể là các hệ thống vũ khí trên không và tàu chiến.

Chính phủ Obama cũng đã lên tiếng hỗ trợ các quốc gia láng giềng của Trung Quốc trong tranh chấp hải phận. Tháng Hai 2014, Mỹ đã chính thức phủ nhận tính cách hợp pháp của cái "bản đồ 9 gạch" khi Thứ trưởng ngoại giao Daniel Russel tuyên bố trước ủy ban ngoại vụ của quốc hội Mỹ rằng, sự khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông là "không phù hợp với các điều luật quốc tế" [10]. Đây là một chuyện chưa từng xảy ra trong lịch sử tranh chấp Biển Đông và là một tia hy vọng cho Việt Nam trong việc bảo vệ lãnh hải. Đương nhiên đối với giới lãnh đạo Trung Quốc thì đây là một sự khiêu khích lớn.

Sự thay đổi chính sách ngoại giao và quân sự của Mỹ để đáp ứng tầm quan trọng của nền kinh tế và chính trị của vùng Đông Á đối với cường quốc này là một điều nhất quán nhưng có thể sẽ đưa hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc vào những trường hợp đối đầu trực tiếp với nhau, đặc biệt là về mặt quân sự.

Chính phủ Obama đã bắt đầu xoay trọng lực quân sự từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương, tỉ dụ như đóng quân Thủy Quân Lục Chiến tại Úc và chuyển đa số các hàng không mẫu hạm về Hạm Đội Thái Bình Dương. Năm 2013 hải quân Mỹ còn chuyển chiếc hộ tống hạm mới nhất và tối tân nhất là chiếc USS Freedom đến đóng thường trực ở Singapore. Đây cũng là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sự quan tâm của Mỹ đến biển Đông.

Những lựa chọn chính trị của Việt Nam

Tình huống tuy là bất lợi cho đất nước ta, nhưng cũng vẫn còn vài hy vọng. Quan trọng nhất là Việt Nam vẫn còn đóng chốt được trên một số đảo ở Trường Sa. Duy trì vị trí trên những đảo còn lại và củng cố sự hiện diện trên vùng EEZ là một yếu tố quyết định cho tương lai.

Một điều quan trọng là thái độ của Mỹ về Biển Đông. Nước Mỹ không còn thờ ơ nữa. Hơn nữa, chính phủ Mỹ bắt đầu lo âu vì xu hướng ngày càng bành trướng của Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc đã gây xôn xao tại các nước đồng minh của Mỹ và là một yếu tố gây ra rủi ro cho nền kinh tế của vùng châu Á Thái Bình Dương. Chính phủ Mỹ không bao giờ ngụ ý để Trung Quốc kiểm soát những tuyến đường hàng hải trên Biển Đông và sẽ hoàn toàn không chấp nhận để cho những mạch máu dẫn đến Nhật, Nam Hàn và ngay cả miền Tây nước Mỹ chạy qua hải phận Trung Quốc. Mỹ sẽ can thiệp nhiều hơn trong sự tranh chấp lãnh hải này, thứ nhất là để ngăn ngừa một sự xung đột bạo lực, thứ nhì là để giữ uy tín của các đồng minh tại châu Á.

Việt Nam phải tận dụng điều này. Mối liên hệ Mỹ Việt đang phát triển thuận lợi. Ngoài sự bang giao về chính trị và kinh tế, những bước đầu tiến tới bình thường hóa quan hệ quân sự hai bên cũng đã được tiến hành. Thí dụ tiêu biểu là những chuyến thăm cảng Việt Nam của các chiến hạm hải quân Mỹ.

Việt Nam phải tăng cường mối quan hệ với Mỹ, lấy Mỹ làm đối trọng để giữ cân bằng với Trung Quốc. Hơn nữa, nếu bang giao tốt đẹp, Việt Nam có thể được cơ hội mua vũ khí của Mỹ. Bỏ qua những hiềm khích của quá khứ để xây dựng tương lai, đó phải là chính sách để theo đuổi. Vì quyền lợi quốc gia, nước Mỹ đã vượt qua được nỗi đau chiến tranh Việt Nam. Hy vọng là ở Việt Nam cũng sẽ có những nhà lãnh đạo sáng suốt làm được chuyện đó.

Việt Nam cũng phải liên kết nhiều hơn với các nước trong vùng, họ cũng lo ngại và bất bình với thái độ ngang ngược của Trung Quốc. Nếu tạo đuợc một sự thoả thuận với các nước ven Biển Đông về quyền sử dụng biển, tỉ dụ như theo hiệp ước UNCLOS, thì sự tranh chấp sẽ biến thành một sự phân chia trên căn bản pháp lý quốc tế. Đó không phải là một điều bất lợi cho Việt Nam. Và nếu Việt Nam đạt được một sự bắt tay chặt chẽ với các nước trong vùng, đặc biệt là với Nhật và Nam Hàn, cả hai nước này đều nằm sát biển với Trung Quốc và hiện đang có những tranh chấp về biển với Trung Quốc, thì việc lấn ép ngang ngược sẽ khó khăn hơn cho Bắc Kinh vì Trung Quốc có thể bị cô lập trên chính trường ngoại giao. Đây là một chính sách thông thường theo câu châm ngôn của Napoleon Bonaparte "kẻ thù của kẻ thù tôi là bạn tôi". Một liên minh như thế cũng có thể tạo áp lực cho Bắc Kinh phải ngồi vào bàn tròn đàm phán tìm giải pháp.

Những lựa chọn về quân sự của Việt Nam

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá so với các thập niên 70-80, cho phép ngân sách quốc phòng cũng được tăng lên. Nhưng để có thể hiện đại hóa quân đội nhanh hơn, ngân sách quốc phòng phải được tăng đến một tỷ lệ hơn hẳn 2,3 phần trăm GDP của năm 2013 (tương đương với 3,4 tỷ USD [5]).

Trong tình hình thế giới hiện nay, việc mua những hệ thống vũ khí tinh vi như chiến đấu cơ hoặc tàu chiến đã trở nên đơn giản hơn. Các nước phương Tây đua nhau bán vũ khí. Thụy Điển, từ xưa đến nay rất khắc khe trong chính sách cung cấp vũ khí cho các nước ngoài châu Âu, nay bán máy bay cho Thái Lan, Nam Phi. Thụy Điển cũng có thể bán chiếc chiến đấu cơ tối tân JAS-39 Gripen cho Việt Nam để đáp ứng nhu cầu thay thế những chiếc MiG cũ mèm. Chiếc Gripen được xem là một máy bay lý tưởng cho không quân Việt Nam: Hiện đại, đa năng, nhưng lại đơn giản và chi phí thấp trong việc bảo trì.

Ngay đến nước Pháp còn bán vũ khí cao cấp cho Nga, nước mà thành viên NATO này vẫn xem là đối thủ. Pháp đã đóng hai chiến hạm chở quân đổ bộ có sân bay hạng „Mistral“ cho Nga. Chiếc đầu là chiếc „Wladiwostok“ đã hoàn tất nhưng chưa được bàn giao vì vụ xích mích ở Ukraine. Pháp cũng đã bán hỏa tiễn phòng không loại „Crotal“ cho Trung Quốc. Hệ thống này được xem là tiền thân của các hệ thống hỏa tiễn phòng không trên những chiến hạm của Trung Quốc hiện nay. Và đồng thời Pháp cũng đã bán 6 hộ tống hạm lớp „Lafayette“ và chiến đấu cơ „Mirage 2000“ cho Đài Loan năm 1996 [11]. Thế thì có lý do gì để La Grande Nation từ chối cung cấp tàu chiến và máy bay cho Việt Nam?

Mặc dù ngân sách quốc phòng có tăng gấp đôi nhưng có lẽ cũng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tân trang của không quân và hải quân cùng một lúc. Để có thể tăng năng lực bảo vệ vùng biển một mức đáng kể trong thời gian tương đối ngắn, Việt Nam phải ưu tiên và tập trung vào việc tăng cường những khả năng:

*. Dành ưu thế và thống trị bầu trời: Ưu thế trên bầu trời là một yếu tố quyết định cho việc phòng thủ trên đất liền hoặc ngoài biển cả. Các lực lượng bộ binh hoặc các chiến thuyền không thể nào hoạt động tự do và ít tổn thương nếu đối phương khống chế bầu trời. Thêm nữa, khi không quân kiểm soát được vùng biển giữa đất liền và các đảo, việc tiếp tế cho những đơn vị đóng trên các đảo cũng sẽ đơn giản hơn cho hải quân.

Vì vậy lực lượng không quân phải được tăng cường. Số máy bay MiG-21 và Su-22 phải nhanh chóng được thay thế. Việt Nam cần có một số lượng đáng kể các loại chiến đấu cơ có năng lực cao, đa dụng, tối tân nhưng không nhất thiết phải là thế hệ mới nhất và đắt nhất. Như đã mô tả bên trên, thị trường vũ khí hiện nay có nhiều lựa chọn. Máy bay khu trục đa năng của Nga như chiếc MiG-29 cũng phù hợp như máy bay của các xứ phương Tây như Thụy Điển (JAS-39 Gripen), Pháp (Rafale) hoặc Mỹ (F-16, F-18). Không quân Mỹ đã loại một số lớn chiến đấu cơ các loại F-16 A/B và F-18 C/D để thay thế bằng những loại mới hơn. So với MiG-21 và Su-22 của Việt Nam, và ngay với đa số máy bay của không quân Trung Quốc, thì những máy bay này vẫn còn rất tân tiến. Nếu Việt Nam được mua vũ khí của Mỹ thì có lẽ xác xuất được mua những chiến đấu cơ "second hand" này cao hơn là mua thiết bị mới nhất. Và đó cũng là giải pháp rẻ tiền và có tác dụng nhanh nhất.

*. Ngăn chận xâm nhập khu vực biển: Việt Nam phải tạo được khả năng cho mình có thể gây thiệt hại đáng kể cho các lực lượng hải quân của đối thủ nếu xâm nhập hải phận của ta. Khi đối thủ đã đột nhập rồi thì ta phải có khả năng để kềm chế hoạt động của chúng. Mục đích của khả năng này là tạo ra sự e ngại cho đối thủ đối với những rủi ro khi vào hải phận của ta, và như thế sẽ không xâm nhập nữa. Đó là khả năng được gọi là "Anti-Access/ Area Denial"(ngăn chặn xâm nhập/ đẩy khỏi khu vực).

Khả năng này có thể thực hiện bởi lực lượng không quân tấn công các đơn vị của đối phương trên mặt nước, dùng máy bay bắn hỏa tiễn chống chiến hạm, hoặc dùng hỏa tiễn bắn từ bờ chống tàu chiến. Để ngăn chận tàu ngầm xâm nhập hải phận, cần phải có máy bay hoặc chiến hạm có thiết bị chống tàu ngầm. Hiện nay hải quân Việt Nam chỉ có 7 hộ tống hạm có khả năng này.

Những trình bày ở trên cho thấy nhu cầu khẩn cấp nhất là phải tân trang lực lượng không quân, không những với chiến đấu cơ phản lực đời mới mà ngay cả với máy bay săn tàu ngầm.

* Tuần tiễu và kiểm soát mặt biển: Máy bay không thể hoạt động lâu dài trên một vùng bởi thế cũng phải cần một số lượng chiến hạm lớn có khả năng đi tuần và hiện diện trong một thời gian dài trên mặt biển. Chỉ với hai chiếc hộ tống hạm tối tân "Đinh Tiên Hoàng" và "Lý Thái Tổ" Việt Nam hiện tại rất yếu về mặt này.

Một giải pháp nhanh chóng cho vấn đề này, đồng thời phù hợp với ngân khoản quốc phòng, chỉ có thể đạt được bằng cách mua lại tàu chiến đang dùng hoặc được phế bỏ. Hải quân của các cường quốc phương Tây thường bán lại những tàu chiến không sử dụng nữa. Đặc biệt hải quân Mỹ luôn có một hạm đội trừ bị với nhiều chiến hạm vừa được loại ra khỏi hạm đội chủ lực. Hiện tại trong hạm đội trừ bị này có những chiến hạm lớp "Perry" và "Spruance" mà Mỹ cũng đã bán lại một số cho hải quân Đài Loan. Nhưng trong tình huống hiện tại thì việc mua vũ khí của Pháp có lẽ vẫn còn dễ dàng hơn là mua của Mỹ, và như đã trình bày ở trên, những hộ tống hạm lớp "Lafayette" có thể là một tăng cường rất thích hợp cho hải quân Việt Nam.

Kết luận

Tình hình chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông hiện rất nguy kịch. Việt Nam chỉ còn giữ được vài hòn đảo ở Trường Sa. Sức ép của Trung Quốc ngày càng mạnh. Nhìn về mặt quân sự thì Việt Nam gần như không có khả năng tự vệ với lực lượng hải quân và không quân vô cùng yếu ớt so với Trung Quốc. Nhưng trong những năm gần đây có những phát triển tích cực nuôi niềm hy vọng là tình hình chưa bi đát và tuyệt vọng lắm. Đó là những bước đầu của chính phủ Việt Nam hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Những bất đồng về lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật và Nam Hàn sẽ khiến hai nước này trở thành những đồng minh tương lai của ta vì phải đối phó với Trung Quốc trong cùng một vấn đề. Và nhất là sự thay đổi chiến lược của Mỹ xoay về vùng Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Mỹ đã lên tiếng chống chính sách bành trướng của Trung Quốc và tỏ thái độ muốn cộng tác và trợ giúp Việt Nam trên lãnh vực quân sự.

Trong tình huống này Việt Nam phải áp dụng một chính sách ngoại giao khôn khéo, tận dụng luật lệ quốc tế, tận dụng mối quan tâm của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ về an ninh trên Biển Đông để giữ cân đối với Trung Quốc. Đồng thời Việt Nam phải tăng nỗ lực tân trang lực lượng hải quân và không quân của mình, trong đó phải ưu tiên tăng khả năng dành ưu thế trên không và khả năng ngăn chận xâm nhập vùng biển. Hai điều này cuối cùng đòi hỏi sự ưu tiên cho lực lượng không quân. Với những biện pháp chính trị và quân sự đó, hy vọng chúng ta vẫn có thể giữ vững vùng biển tổ tiên để lại, và hy vọng rằng giới lãnh đạo tại Việt Nam sẽ có sự sáng suốt để thực hiện những điều ấy.

Nguyễn-Xuân Vĩnh
CHLB Đức, 01.11.2014
________________________________________________________________
Tài liệu tham khảo
[1] CIA, The World Factbook, World Oceans, 2013
[2] U.S. Energy Information Administration: South China Sea, 2013
[3] U.S. Geological Survey: World Petroleum Ressources Assessment Project, Assessment of Undiscovered Oil and Gas Ressources of Southeast Asia, 2010
[5] Stockholm International Peace Research Institute: SIPRI Military Expenditure Database, Milex_data 1998-2013, 2014
[7] U. S. Department of Defence: Annual Report to Congress – Military and Security Developments involving the People´s Republic of China, 2011
[8] U. S. Department of Defence: Annual Report to Congress – Military and Security Developments involving the People´s Republic of China, 2014
[9] The International Institute for Strategic Studies, IISS, The Military Balance 2013, Chapter 6, Asia
[10] Daniel R. Russel, Testimony Before the House Committee on Foreign Affairs Subcommittee on Asia and the Pacific, Washinton DC, February 5, 2014
[11] IHS, Jane´s Fighting Ships - 2002

(Dân luận)

Không có nhận xét nào: