Pages

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Công chúng đòi hoãn xử tử hình, xét lại một án oan

SÀI GÒN (NV) .- Một số nhóm vận động cho dân chủ, nhân quyền và rất nhiều người sử dụng Internet tại Việt Nam đang kêu gọi hoãn thi hành án tử hình đối với ông Hồ Duy Hải và xét lại bản án.

Ông Hồ Duy Hải – nhân vật mà nhiều người tin là bị kết án oan sắp bị tử hình. (Hình: Gia đình cung cấp cho tờ Lao Động)

Hôm 25 tháng 11-2014, đại diện Tòa án tỉnh Long An đã đến gặp bà Nguyễn Thị Loan, mẹ ông Hồ Duy Hải để vận động bà chấp nhận việc thi hành án tử hình ông Hải bằng cách tiêm thuốc độc. Cũng vì vậy, nhiều người cho rằng, việc vận động hoãn thi hành án tử hình đối với ông Hải cũng như đề nghị xét lại bản án cần được thực hiện rốt ráo, mãnh liệt hơn trước khi quá muộn.


Tháng 3 năm 2008, người ta phát giác hai nữ nhân viên của Bưu điện Cầu Voi ở tỉnh Long An bị giết tại nơi làm việc. Kết quả điều tra xác định, hai nạn nhân bị hung thủ dùng thớt gỗ, ghế xếp bằng inox đập vào đầu, bóp cổ, dùng dao cắt cổ. Sau đó hung thủ lấy một số tiền, vàng và khoảng 50 sim card điện thoại.

Khoảng ba tháng sau, Công an tỉnh Long An bắt Hồ Duy Hải, một sinh viên, rồi tuyên bố ông Hải là thủ phạm vụ án “giết người”, “cướp tài sản” xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi. Cả Hội đồng xét xử sơ thẩm lẫn phúc thẩm cùng chấp nhận Kết luận điều tra của Công an, Cáo trạng của Viện Kiểm sát, tuyên án tử hình ông Hải, bất chấp ông một mực kêu oan và các luật sư nêu ra hàng loạt bằng chứng cho thấy đây là một oan án.

Bằng chứng rõ ràng và thuyết phục nhất là các dấu vân tay mà Công an tỉnh Long An thu thập được tại hiện trường không phải là dấu vân tay của ông Hải. “Kết luận giám định” của  Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an tỉnh Long An khẳng định: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”.

Cả Công an lẫn Viện Kiểm sát Long An không điều tra những dấu vân tay đó là của ai (?), tại sao lại có khắp nơi ở hiện trường và lập luận, ông Hải đã từng nhận tội nên ông Hải là thủ phạm.

Tương tự, kết quả giám định các mẫu máu thu được tại hiện trường chỉ được kết luận chung chung là “máu người nhưng không xác định được nhóm máu do mẫu đã bị phân hủy”, bởi bốn tháng sau khi xảy ra vụ án, Công an tỉnh Long An mới gửi mẫu máu đi giám định. Hệ thống tư pháp ở Long An không thể xác định đó là mẫu máu của ông Hải.

Kết luận Điều tra và Cáo trạng xác định, ông Hải dùng thớt gỗ đập vào đầu nạn nhân nhưng lại không thu được thớt gỗ đó. Thớt gỗ hiện được xem là “hung khí” do bạn của hai nạn nhân mua và nộp cho Công an theo yêu cầu của Công an.

Tương tự con dao mà hung thủ dùng để cắt cổ hai nạn nhân bị các Điều tra viên ra lệnh cho dân phòng dọn dẹp hiện trường đốt bỏ. Con dao hiện là “hung khí” do những nhân viên của Bưu điện Cầu Voi mua và nộp cho Công an theo yêu cầu của Công an.

Các luật sư tình nguyện bào chữa cho ông Hải còn phát giác, trong hồ sơ vụ án, có rất nhiều biên bản hỏi cung bị các Điều tra viên thêm, bớt, sửa chữa, không hề có chữ ký của cả người thêm, bớt, sửa chữa lẫn của ông Hải… Kể cả những lời khai về “hung khí” để phù hợp với “tang vật” mà Công an thu giữ…

Trong vài năm gần đây, một số luật sư và nhiều tờ báo đã liên tục đề nghị xét lại toàn bộ vụ án “giết người”, “cướp tài sản” này song hệ thống tư pháp không thèm quan tâm và nay thì Tòa án Long An dự tính thi hành bản án tử hình ông Hải.

Án oan vẫn là chuyện thường thấy tại Việt Nam, nhưng đưa một người được nhiều người cho là bị kết án oan ra tử hình như trường hợp ông Hải thì chưa từng thấy.

Hồi tháng 8 vừa qua, Tòa án Tối cao CSVN đã đề nghị hủy bản án tử hình ông Hàn Đức Long, giao vụ án này cho Viện Kiểm sát Tối cao điều tra lại. Đó là lần thứ hai Tòa án Tối cao của Việt Nam đề nghị hủy bản án tử hình ông Hàn Đức Long. Trước nay, công chúng, các luật gia, báo giới ở Việt Nam vẫn tin rằng ông Long bị kết án oan.

Hồi năm 2005, Công an tỉnh Bắc Giang kêu gọi dân chúng tố giác thủ phạm đã cưỡng hiếp và giết một bé gái. Có hai phụ nữ là mẹ con, từng tranh chấp đất với ông Long, gửi đơn tố giác ông. Đây là lý do khiến Công an tỉnh Bắc Giang bắt ông Long.

Trong tù, ông Long nhận là thủ phạm nhưng tại Tòa, ông Long kêu oan và tố giác công an đã tra tấn ông để buộc ông nhận tội. Ông Long bảo rằng, ông nhận tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” với hy vọng có thể sống sót để kêu oan trước tòa.

Cả phía công tố lẫn tòa án các cấp đều không thèm nghe ông Long kêu oan. Thậm chí khi các luật sư đưa ra hàng loạt bằng chứng chứng minh, có nhiều chứng cứ cho thấy ông Long vô tội, thời điểm bé gái bị cưỡng hiếp và bị giết, ông Long đang xay thóc với hàng chục người nhưng những cơ quan này không thèm xem xét.

Ông Long bị tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm kết án tử hình. Tòa án Tối cao hủy án, yêu cầu điều tra lại. Khi xử sơ thẩm và phúc thẩm lần thứ hai, cả Tòa án tỉnh Bắc Giang lẫn Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao vẫn tuyên án tử hình ông Long.


Gần đây, sau khi nhiều giới (đại biểu Quốc hội, các luật gia, báo giới, công chúng) chỉ trích kịch liệt, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Tối cao yêu cầu giám đốc thẩm, hủy bản án tử hình mà hệ thống tòa án đã dành cho ông Long thêm một lần nữa. (G.Đ)

Không có nhận xét nào: