Pages

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Giải mã bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba

Liệu bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ có dẫn đến những thay đổi về chính trị tại Cuba?
Quyết định đối thoại về bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba vừa được Nhà Trắng công bố đã gây không ít bất ngờ trong giới quan sát.
Phát biểu trong bài diễn văn trước toàn quốc hôm 17/12, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã gọi đây là "thay đổi quan trọng nhất trong chính sách của Hoa Kỳ với Cuba trong vòng 50 năm qua."

Trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 18/12, các chuyên gia đều cho rằng đây là bước đi tích cực, giúp tạo tiền đề cho những thay đổi sâu rộng tại Cuba hơn là sự cô lập để gây sức ép về chính trị đối với chính quyền Chủ tịch Raul Castro.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sự khác biệt giữa hai bên đồng nghĩa với việc những thay đổi này sẽ không thể diễn ra một sớm một chiều. Bên cạnh đó, lợi ích quốc gia sẽ khiến Hoa Kỳ không đặt nặng vấn đề nhân quyền và tự do chính trị trong chính sách đối ngoại với Cuba trong thời gian tới.
Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc
Tôi hoàn toàn bất ngờ. Đây là việc mà chỉ một tổng thống sắp kết thúc nhiệm kỳ mới làm được, bởi nó nhận được rất ít sự đồng tình từ phe bảo thủ ở Hoa Kỳ, nhất là đảng Cộng hòa.
Việc chấm dứt sự cô lập đối với Cuba là một bước đi tích cực.
Tất nhiên việc thúc đẩy cải cách và thay đổi ở nước này vẫn còn là vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận, nhưng rõ ràng là Hoa Kỳ không thể điều khiển được tốc độ của tiến trình này.
Hoa Kỳ sẽ luôn nỗ lực cổ súy cho nhân quyền ở mỗi quốc gia, nhưng nước này không thể lấy đó làm mục tiêu duy nhất của chính sách đối ngoại, vì nếu vậy họ sẽ chẳng mang về được gì cho mình cả.
Quan hệ chiến lược với Trung Quốc là điều quan trọng với Hoa Kỳ hơn vấn đề nhân quyền. Vì vậy, Hoa Kỳ chỉ có thể bàn về nhân quyền với Bắc Kinh ở một giới hạn nhất định.
Quan hệ với Việt Nam cũng là một ví dụ khác. Yêu cầu của Hoa Kỳ đối với Việt Nam về vấn đề nhân quyền vẫn chưa được đáp ứng, nhưng quyết định tháo gỡ một phần lệnh cấm bán vũ khí vẫn được thông qua do vai trò chiến lược của Việt Nam trong khu vực.
Chính sự hội nhập kinh tế của Cuba trên thị trường quốc tế sẽ là động cơ quan trọng nhất cho những cải thiện về nhân quyền, chứ không phải những áp lực về chính trị đối với chính quyền nước này.
Một khi quá trình bình thường hóa quan hệ xảy ra, những người Mỹ gốc Cuba có thể trở về thăm quê hương và một vài người trong số họ sẽ muốn ở lại để giúp xây dựng nền kinh tế Cuba, giống như các Việt kiều ở Việt Nam.
Chúng ta thấy nền kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc, dù đều không được Hoa Kỳ xem là kinh tế thị trường, tuy nhiên việc hai nước này hội nhập vào WTO cũng như các hiệp định song phương với Hoa Kỳ cũng khiến họ phải tuân thủ các quy định quốc tế.
Việc cô lập Cuba không phát huy nhiều tác dụng, cũng giống như việc cô lập Việt Nam khi nước này tiến quân sang Campuchia. Nếu lấy nhân quyền và tự do chính trị làm tiêu chí cho chính sách đối ngoại thì chính người dân Cuba sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất, bởi tiềm năng của đất nước này không được phát huy.
Nỗ lực mở cửa ra với Cuba sẽ tạo điều kiện cho những nước khác đặt tầm ảnh hưởng lên nước này và tạo những thay đổi về dài hạn. Đây là điều hết sức quan trọng.
Tiến sỹ Cù Chi Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội
Tôi hơi bất ngờ khi nghe tin này. Thật ra những ý tưởng này được hai bên đặt ra tương đối nhiều lần rồi nhưng không thành công.
Tôi nghĩ rằng Tổng thống Obama đã sắp hết nhiệm kỳ nên muốn để lại một di sản trong quan hệ quốc tế và Cuba là sự lựa chọn tốt.
Đây là một việc tốt cho cả hai bên, thể hiện đúng xu thế của thời đại là hòa bình, đôi bên cùng có lợi.
Tôi nghĩ phía Hoa Kỳ đã có những dự định, ý tưởng bình thường hóa từ lâu. Cuba có lẽ cũng thấy mô hình phát triển từ Việt Nam là một mô hình tham khảo tốt.
Tuy nhiên ảnh hưởng đối với nền chính trị tại Cuba từ việc bình thường hóa quan hệ, theo tôi là vấn đề lâu dài chứ không chỉ một sớm một chiều được.
Tôi nghĩ về cơ bản thế giới đang đi theo hướng hội nhập chứ không phải thay đổi hoàn toàn một thể chế chính trị. Quan điểm chính trị tại Cuba cũng rất mạnh nên không thể thay đổi hệ thống của họ ngày một ngày hai được.
Việc gỡ bỏ cấm vận kinh tế hay không thì còn khó đoán trước, nhưng tôi nghĩ đây là ý tưởng mà Quốc hội Hoa Kỳ có thể chấp nhận được.
Phía Cuba có thể thực hiện những bước cải cách về kinh tế sớm hơn chứ không phải đợi đến lúc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ.
Cải cách kinh tế có thể sẽ không hoàn toàn dẫn tới thay đổi về chính trị, nhưng chắc chắn khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ thì xu hướng kinh tế thị trường sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba từ Nhà Trắng đã gặp phải nhiều sự phản đối từ cộng đồng người Cuba lưu vong tại Hoa Kỳ
Tiến sỹ Kinh tế Lê Đăng Doanh
Tôi đón nhận tin này với một niềm vui. Chúc mừng sự dũng cảm và đột phá của cả Cuba và Hoa Kỳ.
Tôi đã thăm Cuba và trình bày kinh nghiệm đổi mới của Việt Nam với những người đồng nghiệp ở đó. Tôi luôn ngưỡng mộ và quý mến dân tộc này.
Tôi rất mừng vì các lãnh đạo Cuba đã có một bước đổi mới tư duy mạnh mẽ và đã bắt đầu quá trình bình thường hóa.
GDP bình quân trên đầu người của họ, theo số liệu của CIA vào năm 2010, là khoảng 10.200 đôla/ đầu người trong năm 2010. Đây là một mức khá cao.
Trình độ giáo dục đào tạo, cơ sở chăm sóc y tế, kết cấu hạ tầng của Cuba cũng khá tốt.
Tôi tin rằng sự gần gũi về mặt địa lý cũng như mối quan hệ về văn hóa với Hoa Kỳ sẽ giúp Cuba tiến rất nhanh trên con đường cải cách và phát triển kinh tế.
Chắc chắn rằng Cuba sẽ tiến tới một xã hội cởi mở hơn và sẽ mở đường cho họ đóng góp một vai trò xứng đáng trên trường quốc tế.
Tôi nghĩ Cuba sẽ tích cóp kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển bền vững, công bằng để vượt qua một di sản rất lâu dài và cũng rất khó khăn để tiến tới một tương lai tốt đẹp hơn.

Không có nhận xét nào: