Pages

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Hải quân VN 'tăng cường hợp tác xa gần'


Việt Nam đang đẩy mạnh năng lực chiến đấu của quân chủng hải quân

Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các đối tác ở xa lẫn gần, nhất là trong các vấn đề trên biển.
Nhận định trên được Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Úc, đưa ra trong một bài viết trên trang The Diplomat hôm 2/12.
Bài viết ghi nhận việc Việt Nam cử hai tàu chiến tên lửa lớp Gepard, Đinh Tiên Hoàng (HQ-11) và Lý Thái Tổ (HQ-12) đến thăm các cảng tại Indonesia, Brunei và Philippines hồi tháng 11 năm nay là "chưa từng có tiền lệ".
"Việc điều động các chiến hợp lớp Gepard là tín hiệu rõ ràng cho thấy Việt Nam đã quyết định thúc đẩy nỗ lực ngoại giao quốc phòng", tác giả viết.
Báo Quân đội Nhân dân lúc đó cho biết mục đích chuyến thăm là "xây dựng lòng tin, củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác" giữa hải quân các nước.
"Đây là lần đầu tiên các tàu chiến Việt Nam thăm Philippines kể từ khi thống nhất vào năm 1975", tác giả nhận định.
Cũng theo ông, quan hệ giữa lực lượng vũ trang của Việt Nam và Philippines đang ngày càng được thắt chặt trong những năm qua.
"Vào tháng 10 năm 2010, quân đội Việt Nam và Philippines đã ký một Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng. Một năm sau đó, hải quân hai nước đã ký một Bản ghi nhớ khác về việc thúc đẩy quan hệ song phương và chia sẻ thông tin", bài viết có đoạn.
"Quan hệ đã tiến thêm một bước nữa vào tháng Ba năm 2012 khi hai phía áp dụng Quy chế giao lưu nhân sự tại đảo Song Tử Tây và Song Tử Đông."
"Vào tháng Ba năm nay, hải quân hai nước đã thiết lập một tổ công tác nhằm áp dụng các chương trình hợp tác quốc phòng trong năm 2014-2015."
"Cả hai bên hiện đang có kế hoạch tổ chức một cuộc đối thoại quốc phòng song phương ở cấp thứ trưởng".
Cũng theo tác giả, bên cạnh Philippines, Việt Nam cũng đang tìm cách thắt chặt quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Singapore và Thái Lan.


"Vào tháng Tám, báo Quân đội Nhân dân cho biết Singapore đã đón một phái đoàn hải quân của Việt Nam đến dự các bài tập chống khủng bố ở Vịnh Aden".
"Vào ngày 24/11, Thứ trưởng Quốc phòng và Tư lệnh Hải quân Việt Nam, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, đã đón tiếp Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Thái Lan, Đô đốc Chansuvanich".
Bài viết bên cạnh đó cũng cho rằng việc Việt Nam ký thỏa thuận liên chính phủ giản lược thủ tục cho tàu chiến Nga vào cảng Cam Ranh hồi cuối tháng 11 này là một bước đi quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
"Mặc dù Việt Nam mời hải quân các nước sử dụng các cơ sở thương mại tại Vịnh Cam Ranh, hải quân Nga được quyền lợi đặc biệt vì quan hệ đối tác chiến lược toàn diện cũng như sự hỗ trợ của nước này trong việc xây dựng quân chủng tàu ngầm của Việt Nam", bài viết có đoạn.

Thời điểm thuận lợi

Việc Việt Nam đẩy mạnh nỗ lực hợp tác quốc phòng là một phần trong nghị quyết 22 của Bộ Quốc phòng, Bộ Chính trị hồi tháng Tư năm 2013 về hội nhập quốc tế, theo tác giả.
Khoản III của nghị quyết này đề ra việc "thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương về quốc phòng và an ninh với các nước láng giềng, các nước ASEAN, các cường quốc, các đối tác truyền thống; từng bước đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hợp tác".
Tác giả cho rằng việc hải quân Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng diễn ra vào một "thời điểm thuận lợi".
"Vào tháng 12 này, Đảng Cộng sản sẽ họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 10."
"Tại phiên họp này sẽ ban hành các tài liệu hướng dẫn những chính sách lớn để trình ra trước phiên họp Đại hội Đảng lần thứ 12, được lên kế hoạch cho đầu năm 2016."
"Nhiều khả năng Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn việc tăng ngân sách quốc phòng và ưu tiên việc hiện đại hóa hải quân, không quân cũng như hợp tác quốc phòng quốc tế."

Không có nhận xét nào: