Pages

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Kinh tế Nga trong cơn cuồng phong

mediaTrị giá đồng rúp không ngừng xuống dốc - REUTERS /Maxim Zmeyev
    Chỉ trong ngày hôm qua (16/12), cùng lúc đồng rúp mất giá 10%, thị trường chứng khoán và giá dầu lửa cùng đua nhau lao dốc đã khiến cho kinh tế Nga vốn từ nhiều tháng nay đang lao đao chống đỡ với các biện pháp trừng phạt cấm vận của Âu Mỹ do khủng hoảng Ukraina nay đang có dấu hiệu qụy ngã.






    Tựa trang nhất của Le Figaro : « Kinh tế Nga tuột dốc, châu Âu lo sợ lây lan ». Trong khi Matxcơva không thể khống chế được đà mất giá đến chóng mặt của đồng tiền rúp so với đồng đô la Mỹ, một bầu không khí dè chừng và cực kỳ căng thẳng đang lan truyền trong thị trường tài chính thế giới.
    Theo Le Figaro, giá dầu giảm và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Matxcơva đã bắt đầu gây thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Nga. Từ đầu năm đến nay, đồng tiền Nga đã mất giá gần 100% so với đồng đô la Mỹ mà riêng ngày hôm qua đã mất giá 10%. Trang kinh tế của Figaro gọi là « Sự hoảng loạn tài chính ở Matxcơva ».
    Nhật báo Công giáo chạy tựa lớn trang nhất « Nước Nga trong trận cuồng phong kinh tế ». Tờ báo nhận định : "đồng tiền rúp hôm qua lại tiếp tục mất giá làm trầm trọng thêm cơn khủng hoảng của nước Nga kể từ sau khi sáp nhập Crimée và bị phương Tây trừng phạt ..... Cuộc khủng hoảng kinh tế của Nga có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến úy tín kỷ lục mà ông Vladimir Putin đã chinh phục được người dân Nga nhờ các phát biểu đề cao tinh thần dân tộc".
    Việc đồng rúp phá thêm kỷ lục mất giá mới, mặc dù chính quyền đã có biện pháp can thiệp nâng lãi suất chỉ đạo ngân hàng lên tới 17%, đã gây hoang mang lo ngại cho chính giới làm ăn ở nước Nga. Phóng viên của La Croix thường trú tại Matxcơva Nga ghi nhận, dư luận Nga có cảm giác như « Kremlin không còn kiểm soát được gì nữa... ».
    Còn lãnh đạo một chi nhánh doanh nghiệp Pháp tại Matxcơva nhận thấy : « nền kinh tế Nga đang chìm xuống mà không một ai nhìn thấy đáy.... » Các doanh nghiệp làm ăn tại nga đang nhìn thấy nguy cơ phá sản khi đồng rúp cứ rơi tự do như thế này và họ lo ngại điều tồi tệ nhất có thể xảy ra. Một doanh nhân Nga chủ nhân một quỹ đầu tư nói : « Kremlin đã chơi quá đà với lửa. Họ không còn làm chủ được tình hình nữa ».
    Tại sao Kinh tế Nga rơi vào khủng hoảng ?
    Nhiều tờ báo khác cố gắng tìm các giả thích cho việc kinh tế Nga tuột dốc không phanh. Libération cho rằng nguyên nhân chắc hẳn là do giá dầu mỏ thế giới giảm, nhưng theo tờ báo thực ra « kinh tế Nga giờ đây đã bị mòn mỏi bởi hơn sáu tháng bị Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu trừng phạt về kinh tế và tài chính do chính sách của Matxcơva đối với Ukraina. Các biện pháp trừng phạt đó đã cắt thị trường vốn của ngân hàng và của các doanh nghiệp Nga, đồng thời đẩy mạnh tốc độ sụt giảm nhanh đầu tư, thất thoát vốn ».
    Ghi nhận các ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích Nga, Libération nhận thấy, cái mà Nga cần đó là một chính sách kinh tế mới, một loạt các biện pháp giúp vực dậy dần dần như : Hủy bỏ cấm vận thực phẩm ; thông báo tạm hoãn thuế cho các doanh nghiệp... Nói tóm lại là tìm cách kích thích kinh tế phát triển trở lại. Tuy nhiên theo Libération, thay đổi như vậy có nghĩa là chính quyền chấp nhận những sai lầm và quyết định hiệu chỉnh, không chỉ trên phương diện chính sách kinh tế.
    Hậu quả lan truyền
    Thế nhưng đồng rúp mất giá không chỉ là chuyện riêng của kinh tế Nga của chính quyền Nga nữa. Nếu như trang kinh tế của Le Figaro có bài « sự sụp đổ của đồng rúp khiến thị trường (tài chính) thế giới lo ngại », thì Nhật báo kinh tế Les Echos cảnh báo : « Nước Nga đang gieo rối loạn trên thị trường quốc tế. Các thị trường chứng khoán hôm qua đã có một phiên giao dịch đầy biến động » và « thế giới đã nếm thử trước hương vị kinh tế Nga sụp đổ sẽ gây hậu quả ra sao ».
    Xã luận của báo Les Echos cho rằng , « điều quan trọng là phải tránh một kịch bản lây lan. Để làm được điều này cần phải nối lại đối thoại với ông Putin. Tránh xỉ nhục mà làm sao để Matxcơva hiểu được rằng tương lai của Nga nằm ở châu Âu ». 
    Xã luận của tờ báo kết luận : « Số phận của Nga không thể không tính đến châu Âu nhưng ngược lại là phải tìm lại mối quan hệ tin cậy thông qua một thỏa hiệp về Ukraina. Sự ổn định kinh tế Nga, dỡ bỏ trừng phạt, nguồn vốn trở lại... tất cả phụ thuộc vào chiến lược tiên quyết đó. Không ai cấm lạc quan nhưng Matxcơva không còn nhiều thời gian ».  

    Không có nhận xét nào: