Pages

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Quốc tế nhân quyền 10/12: "Việt Nam luôn tôn trọng mọi cam kết quốc tế về quyền con người" (!?) *

Việt Nam luôn tôn trọng mọi cam kết quốc tế về quyền con người


Ngày 8/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế về Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước CAT).

Ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ Các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết hội thảo nhằm giới thiệu tổng quát và toàn diện về Công ước CAT; qua đó nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về các quy định của pháp luật, các cơ chế hiện hành trong việc ngăn ngừa và bảo vệ mọi người khỏi hình thức tra tấn.
Ngày 28/11 vừa qua, Quốc hội phê chuẩn Công ước CAT chứng tỏ Việt Nam luôn tôn trọng mọi cam kết quốc tế của mình, nhất là trong lĩnh vực quyền con người; thể hiện quyết tâm và nỗ lực mạnh mẽ chống lại mọi hành vi tra tấn, đối xử tàn bạo.

Điều này cũng thể hiện chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người theo đúng các chuẩn mực quốc tế; là bước đi cụ thể trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam; khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm đối với các vấn đề mà quốc tế quan tâm.

Tại hội thảo, ông Manfred Nowak, giáo sư, tiến sỹ Luật quốc tế và quyền con người, Đại học Vienna, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về chống tra tấn đã giới thiệu tổng quan lịch sử ra đời, những nội dung, các nghị định thư và nghĩa vụ của quốc gia thành viên tham gia Công ước CAT.

Cùng với đó, ông Brian Buchner, Thanh tra đặc biệt thuộc Văn phòng Tổng điều tra, Cơ quan Cảnh sát Bang Los Angeles (Mỹ) đã chia sẻ những kinh nghiệm của Mỹ trong việc thực hiện Công ước CAT.

Theo tiến sỹ Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2, hệ thống pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ để bảo vệ quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù khỏi các hành vi tra tấn theo tình thần của CAT.

Tuy nhiên vẫn còn một số điểm chưa tương thích như Hiến pháp mặc dù đề cập đến việc cấm tra tấn nhưng chỉ dừng lại ở vấn đề liên quan như nhục hình, bức cung; Bộ luật Hình sự chưa hình sự hóa hết các hành vi theo khái niệm tra tấn của Công ước CAT; Bộ luật Tố tụng Hình sự chưa quy định quyền được bào chữa hoặc nhờ người khác bào chưa đối với người bị bắt…

Bàn về việc hoàn thiện pháp luật hiện hành phù hợp với Công ước CAT, tiến stx Phạm Minh Tuấn, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 2 cho rằng, cần sửa đổi Điều 298 Bộ luật Hình sự theo hướng mở rộng hành vi khách quan của tội dùng nhục hình, không chỉ trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà cả trong hoạt động tư pháp như dẫn giải nghi can, quá trình tạm giữ, tạm giam.

Đối với Bộ luật Tố tụng Hình sự cần quy định rõ hơn các trường hợp được hỏi cung vào ban đêm; ghi nhận quyền im lặng của người bị bắt, bị can, bị cáo; luật hóa các biện pháp nghiệp vụ được áp dụng trong hoạt động điều tra cũng như xem xét việc ghi hình, ghi tiếng khi hỏi cung bị can, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng. Cần hoàn thiện Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo hướng đơn giản các thủ tục để nạn nhân bị tra tấn, nhục hình, bức cung được bồi thường một cách nhanh chóng và thỏa đáng.

Ngoài ra cần tăng cường hoạt động giám sát của xã hội, của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân đối với các hoạt động thực hiện quyền lực Nhà nước dẫn đến hành vi tra tấn; đặc biệt cần tạo cơ chế về sự kiểm soát của tòa án đối với quá trình điều tra, truy tố vì trường hợp bị cáo kêu oan, tố cáo có hành vi bức cung, nhục hình của điều tra viên thì không có cơ sở cho tòa án kết luận có hay không hành vi này./.

Vietnam Plus

-----------------------------------


Việt Nam gia tăng đàn áp giới blogger


Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm quyền tự do Internet trầm trọng nhất, đó là kết luận của tổ chức nhân quyền của Mỹ Freedom House trong bản báo cáo thường niên 2014 về tự do trên Internet, vừa được công bố ngày 05/12/2014.


Trong số 65 quốc gia được Freedom House khảo sát và được xếp hạng từ 0 ( tốt nhất ) đến 100 ( tồi tệ nhất ), Việt Nam sụt từ hạng 75 năm 2013 xuống 76 năm 2014, tức hiện là quốc gia vi phạm tự do Internet trầm trọng hàng thứ bảy thế giới. Trong bản báo cáo này, Freedom House nhận định Việt Nam “ đã không có sự cải thiện nào trong thời gian khảo sát ( từ 05/2013 đến 05/2014 ), ngay cả sau khi Việt Nam đã tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 12/2013 ”.

Báo cáo của Freedom House cũng cho biết là trong vòng 3 năm, con số các công dân mạng bị bắt giam ở Việt Nam đã tăng gấp đôi và trong năm 2014, Hà Nội đã cầm tù số blogger nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác, ngoài Trung Quốc.

Tình hình tự do Internet ở Việt Nam kể từ tháng Năm đến nay cũng chẳng có sự cải thiện nào, mà có vẻ trầm trọng hơn, với việc chỉ trong vòng một tuần, đã có hai blogger bị bắt giữ vì những bài viết bị xem là có nội dung “chống Nhà nước”.

Theo báo chí trong nước, ngày 06/12 vừa qua, nhà văn Nguyễn Quang Lập, chủ trang blog Quê Choa, đã bị “tạm giữ hình sự”. Điều đáng chú ý là thông tin chính thức không cho biết blogger Nguyễn Quang Lập bị bắt vì tội gì, mà chỉ nói là Cơ quan An ninh điều tra công an Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp tục “điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật” của ông để “xử lý theo quy định của pháp luật”. Nhưng theo bà Hồ Thị Hồng, vợ nhà văn Nguyễn Quang Lập, trả lời RFI ngày 06/12, công an đã bắt giữ và khám xét chồng bà chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự Việt Nam, về tội “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước”.

Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Quang Lập gây rúng động dư luận không chỉ vì ông là một nhà văn nổi tiếng, mà còn ở chỗ là tình trạng sức khỏe của ông hiện rất kém ( ông bị liệt nửa người và đang uống thuốc điều trị ).

Trước nhà văn Nguyễn Quang Lập, một blogger khác là giáo sư Hồng Lê Thọ, 65 tuổi, Việt kiều Nhật về nước sinh sống, chủ trang blog “Người Lót Gạch”, cũng đã bị “tạm giữ hình sự” vào ngày 29/11 chiếu theo điều 258 bộ Luật Hình sự. Về trường hợp ông Hồng Lê Thọ, Cơ quan an ninh điều tra nói rõ là ông đã đăng tải trên mạng những bài viết “có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước”.

Tổ chức Phóng viên Không biên giới, trụ sở tại Paris, ngày 02/12 đã phản đối vụ bắt giữ blogger này, qua một thông cáo tựa đề " Làn sóng bắt bớ vì ‘’lạm dụng quyền tự do dân chủ” tiếp diễn’’ ".

Vụ bắt giữ hai blogger nói trên cho thấy là chính quyền Hà Nội vẫn duy trì chính sách đàn áp tự do thông tin trên mạng. Tháng 10 vừa qua, họ đã trả tự do cho blogger nổi tiếng Nguyễn Văn Hải, tức Điếu Cày, nhưng đó là do áp lực rất mạnh của Hoa Kỳ và blogger này chỉ được thả ra với điều kiện ông phải chấp nhận sống lưu vong tại Mỹ, chứ không được ở lại Việt Nam.

Một blogger nổi tiếng khác cũng tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận trong nước cũng như quốc tế, đó là ông Nguyễn Hữu Vinh, tức Ba Sàm, bị bắt “khẩn cấp” vào đầu tháng 5 năm nay, cũng với tội danh “ lợi dụng các quyền tự do dân chủ”. Vào tháng 11, bà Lê Thị Minh Hà, vợ của blogger Ba Sàm đã gởi kiến nghị lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để yêu cầu đình chỉ vụ án này, vì theo bà, lệnh bắt khẩn cấp chồng bà đã vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự, do lệnh này dựa trên chứng cứ được thu thập “một cách bất hợp pháp”.

Tự do thông tin trên mạng ở Việt Nam hiện nay càng bị kiểm soát chặt chẽ hơn trong bối cảnh mà đấu đá trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam càng gay gắt và không loại trừ khả năng là một số blogger đã là nạn nhân của những đấu đá đó. Trang web truongtansang.net khi loan tin về vụ bắt giữ nhà văn Nguyễn Quang Lập ngày 06/12, không hiểu căn cứ vào đâu, đã viết rằng blogger này bị bắt vì đã viết và đăng tải lên mạng rất nhiều bài “gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, như xúc phạm, bôi nhọ uy tín của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng lại đề cao vai trò của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang…”


Thanh Phương

(RFI)

---------------------------

* Tựa đề do VNTB đặt

Không có nhận xét nào: