Pages

Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Bảo vệ quyền chính đáng của người công nhân

VRNs (27.01.2015) – Sài Gòn – Trên danh nghĩa, Liên đoàn lao động Việt Nam là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giới công nhân Việt Nam, nhưng trên thực tế, tổ chức này luôn đứng về giới chủ lao động, ăn lương của giới chủ nên không bảo vệ lợi ích của người lao động. Từ thực tế đó, lợi ích chính đáng của người công nhân bị xâm phạm: lương không đủ sống, phải làm việc trong điều kiện không an toàn, bị đuổi việc bất cứ lúc nào….
Gần đây, tại Việt Nam đã ra đời tổ chức có tên gọi là “Liên Đoàn Lao Động Việt Tự  Do”, gọi tắt là Lao Động Việt. Trên website chính thức của tổ chức này cho biết: “LĐV là liên minh giữa một số nhóm trong và ngoài Việt Nam hoạt động trong lãnh vực lao động.”  Mục đích của tổ chức nhằm đòi “quyền lợi chính đáng cho người lao động”, như vấn đề tiền lương, điều kiện làm việc…
Logo chính thức của Tổ chức Lao Động Việt. Ảnh: laodongviet.org
Logo chính thức của Tổ chức Lao Động Việt. Ảnh: laodongviet.org
Cô Đỗ Thị Minh Hạnh, là một trong những người đã đi tiên phong trong tổ chức này để lên tiếng, dấn thân bảo vệ cho lợi ích của người công nhân tại Việt Nam. Cô Hạnh đã bị chính quyền kết án 7 năm tù giam hồi tháng 10 năm 2010. Tháng 6 năm 2014, cô được trả tự do và tiếp tục hoạt động trong tổ chức Lao Động Việt nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Vừa qua, nhờ việc lên tiếng của Tổ chức Lao Động Việt, một số công nhân tại công ty Diamond (Bình Dương) đã đòi lại được lợi ích chính đáng của mình.
VRNs giới thiệu với các bạn Bản tin của Tổ chức Lao Động Việt về vụ việc: “Công ty Diamond đuổi 138, chưa bồi thường, nay “nhận lại 4″
LĐV* 26/01/2015 – Sau 5 tháng phối hợp trong và ngoài VN, Lao Động Việt vừa đạt được một kết quả nhỏ ở công ty may mặc Diamond: Trong số 138 công nhân bị đuổi việc hồi tháng 7/2014 thì nay 4 công nhân đã được việc lại, và LĐV đang cùng một số tổ chức tây phương tiếp tục tranh đấu đòi Diamond trả tiền bồi thường đúng đắn cho mọi người.
Đuổi sấc sược, vô lý
Nhắc lại, cuối tháng 7/2014, công ty Diamond gọi công nhân vô phòng họp (coi Hình) để thông báo đuổi việc: “138 công nhân nghỉ việc từ bây giờ. Ngày mai đừng quay lại, có quay lại cũng không được lương. Nếu ký tờ tình nguyện nghỉ việc sẽ được 1 tháng lương, không ký thì không được bồi thường đồng nào”.
Sau khi một số công nhân cho Lao Động Việt hay, trong nước thì LĐV phỏng vấn họ và một số công nhân khác, ngoài nước thì LĐV lên tiếng với Puma, là công ty Đức mua hàng của Diamond. Bản tin 05/8/2014 của LĐV trên    laodongViet.org, cộng với 3 lần cập nhật sau đó, đã trình bày chi tiết vụ này.
Không chịu bồi thường
LĐV yêu cầu Puma đòi Diamond làm 2 điều chính. Một là trả tiền bồi thường cho mọi công nhân theo đúng Điều 38 và 49 của Bộ Luật Lao Động của VN – Điều 38: Phải báo trước 1 tháng rưỡi, nếu không thì trả 1 tháng rưỡi lương; Điều 49: Phải bồi thường 1 tháng lương cho mỗi năm làm việc. Hai là khi xây lại nhà máy khác (thay cho nhà máy bị cháy vào tháng 5) thì cho các công nhân này cơ hội làm việc lại, với mức lương không kém lương cũ.
Puma viết thư đến LĐV nói rằng nhà nước địa phương (kể cả công đoàn nhà nước!) đã miễn cho Diamond không cần phải bồi thường.
“Đã nhận lại 4 công nhân”
Trước thái độ vô lý đó (vì Bộ Luật Lao Động không có điều khoản nào cho phép UBND địa phương hay công đoàn nhà nước được xóa quyền của người lao động), nên LĐV mời vài nhóm tây phương cộng tác để lên tiếng – là nhóm Clean Clothes Campaign (CCC), và nhóm Inkota ở Đức, cùng quốc gia với Puma. Trước đây, từ năm 2010, LĐV đã từng cộng tác với Inkota để điều tra về điều kiện làm việc ở một số công ty.
Nay Puma vừa viết thư đến Inkota, CCC, và Lao Động Việt, nói: Diamond đã viết thư mời 138 công nhân nói trên xin việc lại, và có 4 người đã trở lại làm, là các cô Bích, Mai, Yến, Lộc, với lương bằng lúc trước.
LĐV nhắn với công nhân Diamond
Trong nước, Lao Động Việt đang tìm lại các công nhân bị đuổi việc để hỏi coi trên đây có đúng sự thật hay không. Ở hải ngoại, LĐV cũng đang cùng các nhóm bạn tìm cách đòi Diamond trả tiền bồi thường đúng luật.
Vậy LĐV xin các bạn công nhân ở Diamond liên lạc với chúng tôi qua email (chao@laodongViet.org), qua Facebook (facebook.com/laodongViet), hoặc qua số điện thoại mà trước đây các bạn đã có.

Không có nhận xét nào: