Pages

Thứ Năm, 8 tháng 1, 2015

Những hứa hẹn đầu năm


Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - ...Bác Hồ, bác Hùng, bác Duẩn đều hứa (lèo) ráo trọi thì tại sao chú Thăng lại phải giữ lời cà? Hơn nữa, thử nghĩ lại coi: chớ hai phần ba thế kỷ qua dân Việt sống bằng cái gì, ngoài những lời hứa hẹn!...

*

Tôi nhớ là mình có mua được tập truyện ngắn The Daring Young Man on the Flying Trapeze (Chàng Tuổi Trẻ Gan Dạ Trên Chiếc Đu Bay) của William Saroyan, do Kinh Thi xuất bản - và Huy Tưởng chuyển ngữ - vào Mùa Hè Đỏ Lửa, năm 1972. Mới đọc được vài chục trang thì bất ngờ nhận được lệnh tổng động viên nên tôi phải rời nhà. 

Nhiều năm sau - sau thời gian ở quân trường, chiến trường, và vài ba cái trại cải tạo không còn nhớ được hết tên - tôi trở về nhưng không còn tìm thấy cuốn sách của William Saroyan đâu nữa. Sau cái biến động khiến cả chục triệu người buồn (vào tháng 4 năm 1975) thì nhiều bạn bè và thân nhân của tôi còn biến mất luôn, nói chi là sách vở. 

Bữa rồi, tình cờ thấy Amazon có bán The Daring Young Man on the Flying Trapeze and Other Stories (với giá rất bèo) tôi đã định mua nhưng trù trừ chút xíu rồi thôi. Tuổi đời, cùng với những cảnh sống hãi hùng mà mình đã chứng kiến, khiến tôi không còn thấy cái thái độ (tưng tưng) của chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay có gì là “gan dạ” nữa. 

Thiếu gì người dân Việt can đảm hơn nhiều và đã cùng nhau đâm xầm ra biển cả bao la, bằng những chiếc thuyền gỗ mong manh. Kẻ ở lại cũng liều lĩnh không kém khi hàng ngày vẫn lò dò trên những cái cầu bấp bênh, và mục nát, đang treo (chênh vênh) khắp nước. 

Cầu qua sông Mã, Lai Châu. Ảnh: Tuấn Nam

Cầu qua sông Chò, Khánh Hoà. Ảnh:Nguyễn Thành Chung

Nhưng có cầu, dù là cầu treo lắc lẻo - nói nào ngay - vẫn còn hơn không. Phải đu dây qua sông mới thiệt là rùng rợn. 



Tôi đưa em sang sông không bằng xe hoa, cũng không bằng con thuyền mà bằng sợi dây cáp nhỏ xíu xiu (thế này) nhưng cả hai vẫn còn sống sót mới là chuyện lạ, chớ chúng ta đều bị trọng thương hay tử thương thì là “việc vẫn xẩy ra như cơm bữa” - theo như (nguyên văn) tường thuật của phóng viên Trùng Dương:

“Không ít trường hợp người dân khi đang đu dây qua sông thì cáp bị đứt, tuột ròng rọc rơi xuống sông, suối tử vong, hoặc bị thương nặng...

Ngày 26/10, ông Nguyễn Chua (53 tuổi, trú thôn 6, xã Hòa Lễ, Krông Bông cùng em trai là Nguyễn Chát (47 tuổi) lắp ròng ròng chuyển phân qua hệ thống dây cáp treo tự chế qua sông Krông Ana. 

Sau khi chuyển hết số bao phân qua sông, ông Chua lắp ròng rọc đu người qua đi làm. Qua gần hết bờ, chiếc ròng rọc bất ngờ tuột ốc, trật khỏi dây cáp khiến ông Chua rơi tự do từ độ cao hơn 5m xuống mép sông chết ngay tại chỗ.

Trước đó, vào ngày 15/8 cũng tại khúc sông này, vợ ông Chua là bà Trần Thị Tho (52 tuổi), trong lúc đu mình qua sông bằng cáp treo tự chế cũng bị tuột cáp rơi xuống mép sông bị đa chấn thương suýt mất mạng...

Việc dây cáp bị đứt hay tuột chân rơi xuống suối xảy ra như cơm bữa, người dân vẫn phải chấp nhận ‘đùa’ với tử thần bởi tình thế... không qua không được! Không đu... lấy gì mà ăn!

Sau hàng loạt những tai nạn do đu dây cáp treo qua sông xảy ra, các ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk cũng đã có những khảo sát, tìm phương kế nhưng đến nay vẫn chưa có một phương án khả thi nào để chấm dứt tình trạng đu dây.”

Muốn qua sông thì phải bắc cầu thôi, chớ còn “phương kế” hay “phương án khả thi” (mẹ rượt) nào khác nữa đâu - mấy cha? Bởi vậy, theo thông tin của Tuổi Trẻ Online“...trong phiên chất vấn chiều 18-11, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ‘hứa’ trong ba năm nữa sẽ xây xong 7.811 cầu treo qua suối, người dân không phải chui túi nilông, đu dây vượt lũ... Đây là một trong những lời hứa có mốc thời gian, có số liệu cụ thể ở 50 tỉnh trên cả nước mà Bộ trưởng Đinh La Thăng quả quyết: ‘Đã không hứa thì thôi, hứa rồi thì phải làm.”

Được lời như cởi tấm lòng! Cả nước đều mừng hết lớn luôn. Còn mừng hơn hồi năm 2010, khi nghe lời hứa hẹn (cũng có mốc thời gian) của một vị quan chức khác - ông Nguyễn Sinh Hùng“Năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”

Năm 2015 đã đến nơi rồi nhưng (may quá) chưa thấy cái bóng dáng Vinashin (mới) này đâu cả. Thiệt là phước đức. Nếu không, sang năm, nợ công sẽ tăng gấp đôi là... giá chót.

Hứa hẹn là cái “bệnh” chung của giới lãnh đạo cộng sản, chứ không riêng chi hai ông Đinh La Thăng hay Nguyễn Sinh Hùng. 

Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa mới “hứa” xong: “Nợ xấu ngân hàng sẽ về mức bình thường trong năm tới.” Ông Trương Văn Sang cũng đâu chịu kém: “...đến năm 2000 xây dựng Thanh Hoá thành tỉnh kiểu mẫu.”

Trước khi chuyển qua từ trần, chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đâu có quên hứa hẹn:“Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”

Tiếc là thằng chả không nói rõ “xây dựng” cái gì nên chỉ những nơi các quan cách mạng làm việc, và nhà riêng của cán bộ là phình to quá cỡ thôi; còn nhà thương, trường học, hoặc cầu đường, và (tất tần tật) mọi thứ tiện nghi công ích khác thì không, và mỗi lúc một thêm xuống cấp.

Sau khi thắng giặc Mỹ xong, dân Việt lại được nghe người kế nhiệm Bác “ban” cho một lời hứa khác: “Mười năm nữa mỗi nhà ở VN sẽ có một cái tủ lạnh.”

Người kỳ vọng, và thất vọng, nhiều nhất vào lời hứa này (dám) là blogger Nguyễn Văn Tuấn. Nghe ổng tâm sự mà muốn ứa nước mắt luôn:

“Những năm sau thống nhất (tôi không thể dùng chữ ‘giải phóng’) ông Lê Duẩn nổi như cồn. Đi đâu cũng gặp hình của ông ấy lúc thì trên tivi, lúc thì qua báo chí, lúc thì qua đài phát thanh. Sau này tôi mới biết ông là một người nắm quyền uy gần như tuyệt đối thời đó. Mỗi lời nói của ông là một mệnh lệnh, một chỉ thị, chắc cũng chẳng khác với quyền uy của ông gì đó bên Bắc Hàn hiện nay. 

Mãi đến bây giờ, nhắc đến tên ông là tôi rùng mình nhớ ngay đến thời bao cấp, hợp tác xã, và đặc biệt là thời ăn bo bo và thuốc xuyên tâm liên. Như một cơn ác mộng. Nói chung là một thời kinh hoàng.

Trong cái thời kinh hoàng đó chợt loé lên một tia hi vọng. Tôi nhớ hoài cái tia hi vọng đó trong một buổi tối ngồi xem tivi trắng đen. Trong một bài diễn văn dài lắm, nhưng có câu tôi nhớ mãi (có lẽ đến cuối đời): 10 năm nữa mỗi nhà ở VN sẽ có một cái tủ lạnh...” 

Thành ra, tôi đón nhận lời hứa ‘10 năm sẽ có tủ lạnh’ của ông Lê Duẩn như ruộng khô mong chờ cơn mưa hạ. Dĩ nhiên là chỉ là ước mơ âm thầm thôi, chứ nói ra thì cả nhà mắng cho là ‘đồ ngu tiền đâu mà mua thứ đó’. Đêm về nằm ngủ tôi vẫn mơ cái tủ lạnh trong nhà...

Mãi đến năm 1992 làng tôi mới có điện về. Mà, lúc đó làng tôi cũng chỉ có vài gia đình có điện thôi. Phải 2 năm sau có điện, ba má tôi mới đám mua cái tủ lạnh dưới ‘sức ép’ của đứa em gái... 

Vậy mà cho đến nay, dù điện đã về gần 100% làng, nhưng số gia đình có tủ lạnh tôi đoán là chưa đầy 1/5. Tôi có con số đó vì chỉ đếm những nhà bà con chòm xóm ven sông mà tôi quen biết. Nhà nào cũng có tivi và radio, nhưng tủ lạnh thì vẫn là một thứ gì khá xa xỉ mà không phải ai cũng có khả năng mua một cái.

Lí do chính là người dân không có tiền để mua. Đời sống nông dân ngày nay khổ còn hơn thời trước 1975. Đầu mùa lúa là phải vay ngân hàng hay tư nhân để mua phân bón, thuốc trừ sâu cho mùa vụ. Khi gặt lúa xong thì bị cái tập đoàn VINAFOOD (có khi được xem là một tập đoàn phản dân hại nước) và con buôn ép giá. 

Người nghèo thì phải bán lúa với giá bèo để có tiền trả nợ. Như tôi từng phản ảnh giá lúa còn thấp hơn cả giá ốc bưu vàng! Trả nợ xong thì chỉ còn vài triệu vừa đủ sống. Mùa vụ kế tiếp, chu trình “vay nợ - làm ruộng - bán giá bèo - trả nợ” lại tiếp diễn. Cuộc sống nhứ thế thì lấy tiền đâu để mua tủ lạnh?

Từ ngày ông Lê Duẩn hứa ‘10 năm nữa mỗi gia đình sẽ có tủ lạnh’ đến nay đã gần 40 năm. Thế giới đã bước vào thể kỉ 21 gần 15 năm. Trong khi nông dân bên Thái Lan chạy xe hơi Toyota đi chợ và nhà nào cũng có tủ lạnh, thì nông dân Việt Nam vẫn còn mơ một chiếc xe Honda và cái tủ lạnh.”

Nếu kết luận rằng bác Lê Duẩn là “một thằng cha nổ sảng” thì cái vụ nổ này cũng chưa đến nỗi nào, so với mấy nhiều vụ (vang trời) khác nữa - sau này:

TTXVN“...đến năm 2010 (sẽ) xóa hết hộ đói, cơ bản không còn hộ nghèo!”

- Qua tới thập niên 2030 hay 2040 thì viễn tượng mới thực là huy hoàng, theo như lời của TS. Nguyễn Xuân Kiên, Viện Trưởng Viện Chiến Lược Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội Việt Nam và Đông Nam Á: “Với tiềm năng sẵn có của các doanh nghiệp hiện nay, chỉ 20 -30 năm nữa, Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 40 năm nữa, Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ảnh & chú thích: Tiêu Phong

Nói tóm lại, theo lời của ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết “là chưa bao giờ mình lại cất cao tiếng nói như thế.” Người kế vị, đương kim chủ tịch nướcTrương Tấn Sang (vào ngày 19 tháng 8 năm rồi) cũng “cất cao” không kém:“Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.” 

Trong khi bạn bè quốc tế đang “ngưỡng mộ” tùm lum, và “ngưỡng mộ” quá trời, quá đất (như vậy) mà ông Bộ Trưởng Giao Thông nước ta vẫn chỉ đưa ra một lời hứa hẹn vô cùng khiêm tốn: “Trong ba năm nữa sẽ xây xong 7.811 cầu treo qua suối, người dân không phải chui túi nilông, đu dây vượt lũ...”

Nghe thiệt thấy thương hết sức!

Tuy ông Đinh La Thăng đã nhũn nhặn (thấy rõ) nhưng dư luận, xem ra, vẫn còn có điều tiếng eo xèo và nghi ngại: Tiền đâu mà xây? Thằng chả chỉ hứa (đại) cho đã miệng và cho qua chuyện vậy thôi. 

Cho dù thiệt vậy chăng nữa thì cũng đã chết ai đâu? Bác Hồ, bác Hùng, bác Duẩn đều hứa (lèo) ráo trọi thì tại sao chú Thăng lại phải giữ lời cà? Hơn nữa, thử nghĩ lại coi: chớ hai phần ba thế kỷ qua dânViệt sống bằng cái gì, ngoài những lời hứa hẹn!


Tưởng Năng Tiến

Không có nhận xét nào: