Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2015

'Phải tăng chế tài với dự án lấy đất của dân'




Nhà nước Việt Nam phải bắt buộc các 'dự án lấy đất của dân' dù là dưới danh nghĩa nhà nước hay nhà đầu tư tư nhân, hay bất cứ ai, phải 'cam kết và đóng kinh phí' vào quỹ an sinh xã hội và quỹ chống rủi ro với địa phương, theo nhà nghiên cứu chính sách cộng đồng từ trong nước.
Trao đổi với BBC hôm 09/1/2015, Tiến sỹ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thuộc Vusta cho rằng dù là dự án thủy điện, thủy lợi, điện nguyên tử, hay sân gôn, hoặc phát triển khu du lịch, đô thị mới v.v..., hễ 'lấy đất' của người dân, thì phải có cam kết và thực hiện cam kết chống rủi ro và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, địa phương và các đối tượng bị ảnh hưởng.
Ông nói: "Đã có chữ nhà nước tham gia vào thì vấn đề an sinh xã hội phải được đặt ra, để về sau này chúng tôi cho rằng phải tiến đến một vấn đề về luật, để đảm bảo đưa vào một cách chặt chẽ.
"Nhưng rõ ràng rằng khi người dân bị ảnh hưởng, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng trong dự án như thế thì dự án đó phải có trách nhiệm đóng góp cho quỹ An sinh Xã hội để đảm bảo cho người dân khi sinh kế sau này bị ảnh hưởng, thì Nhà nước phải lấy nguồn đã đóng của dự án (chi) cho vấn đề an sinh xã hội đó để đảm bảo vấn đề đời sống của người dân.


"Như thế là có thể là về mặt chính sách trong thời gian tới đây là bắt buộc các dự án phải có một khoản kinh phí ban đầu đóng vào quỹ An sinh Xã hội, để đảm bảo cho các đối tượng người dân bị mất đất đai. Và tôi nghĩ rằng nếu mà làm được như thế thì có thể giảm thiểu được cái phần gọi là ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân khi mà các dự án triển khai, đặc biệt là các dự án tư nhân."
Về trách nhiệm của các nhà đầu tư với các địa phương nếu và khi gây ra, để lại các hậu quả từ các dự án năng lượng, thủy điện, thủy lợi v.v..., nhà nghiên cứu chính sách cộng đồng nêu quan điểm:
"Khi họ dừng dự án, thậm chí khi họ phá sản đi nữa, thì cái để lại hậu quả là vấn đề môi trường... Và cái môi trường ảnh hưởng trực tiếp ngay là các địa phương mà nơi có dự án.
"Thế thì đây là một vấn đề thể hiện rằng trong thời gian vừa qua, các dự án đã làm, chúng ta không có được một cái đánh giá tiền khả thi đúng nghĩa, tức là một cách khách quan và khoa học.
"Đồng thời giữa các bên tham gia, trong đó kể cả chính quyền địa phương, một là có thể thiếu hiểu biết, do thiếu hiểu biết, hai là không được thông tin một cách đầy đủ, về tính trước những rủi ro có thể xảy ra đối với dự án trong trường hợp đó," nhà nghiên cứu chính sách cộng đồng nói với BBC.

Không có nhận xét nào: