Pages

Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Quan hệ VN - Vatican 'chưa chín muồi'?

Bình luận về việc Vatican và các Giáo hoàng đã năm lần tiếp đón các lãnh đạo hàng 'tứ trụ' của Việt Nam tới thăm Tòa Thánh kể từ năm 2007 tới nay, nhưng chưa thấy Việt Nam mời Giáo hoàng tới thăm quốc gia Đông Nam Á này, hôm 16/01/2015, một cựu quan chức về Tôn giáo của Chính phủ VN nói:
"Thông thường không thấy mời thì vẫn vui vẻ thôi chứ sao. Trong quan hệ quốc tế cũng thế, nhiều khi nước A rất là muốn nước B mời, nhưng chưa thấy người ta mời thì mình cũng cứ vui vẻ thôi, chứ không có vấn đề gì."

Phát biểu này được ông Nguyễn Thế Doanh, nguyên Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, nói với BBC vào thời điểm Đức Giáo hoàng Francis đang có chuyến thăm đầu năm 2015 tới Philippines, quốc gia láng giềng của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á.
Đây là chuyến thăm thứ tư của một vị Giáo hoàng tới Philippines, quốc gia có 80% dân số theo Công giáo.
Đã có năm chuyến thăm của những quan chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam tới Vatican trong vòng tám năm qua, mà gần nhất là chuyến thăm 'chính thức' của ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ, được đương kim Giáo hoàng Francis tiếp ngày 18/10/2014.




"Người ta thấy cảm giác thấy có thể chín muồi hoặc thế nào đó thì người ta mời, trong quan hệ ngoại giao quốc tế thông thường là như thế2, ông Nguyễn Thế Doanh nói.
Ngày 25/01/2007, ông Dũng cũng tới thăm Vatican và được Giáo hoàng khi đó, ngài Benedict XVI tiếp đón tại Tòa Thánh.

'Chưa chín muồi?'

Hôm thứ Sáu, ông Nguyễn Thế Doanh bình luận thêm về việc vì sao có vẻ chưa thấy Việt Nam mời Giáo hoàng nào tới thăm quốc gia vốn theo thể chế Cộng sản này.
Ông nói: "Người ta thấy cảm giác thấy có thể chín muồi hoặc thế nào đó thì người ta mời, trong quan hệ ngoại giao quốc tế thông thường là như thế.
"Hoặc là mở ra quan hệ đến một mức nào đó, hoặc quan hệ hai bên tới mức chín muồi hay như thế nào đó thì người ta mới đặt vấn đề như thế.




  "Tuy nhiên đối với các quan chức cao cấp khác của Vatican đến Việt Nam thăm Giáo hội Công giáo Việt Nam hoặc là các vấn đề khác, thì Việt Nam rất hoan nghênh.
"Tôi được biết Đức Hồng Y - Tổng trưởng Truyền giáo sắp tới cũng sẽ tới thăm."
Mở đầu cuộc trao đổi với BBC, cựu quan chức lãnh đạo Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam bình luận về chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Francis tới Philippines và cho rằng tân Giáo hoàng là một 'con người năng động', 'thực tế' và 'đi với người nghèo'.
"Đức Giáo hoàng mới xuất xứ từ Argentina, trong cuộc đời hoạt động của ông, ông rất để ý tới người nghèo," ông Doanh nói.

'Mong mỏi cháy bỏng'

Hôm 16/1, một nhà báo độc lập và blogger là người Công giáo nói với BBC rằng cộng đồng giáo dân Công giáo Việt Nam rất 'mong mỏi' Giáo hoàng ghé thăm Việt Nam, tuy nhiên hiện vẫn có những trở ngại trong quan hệ song phương Việt Nam - Vatican ngăn cản quá trình bình thường hóa quan hệ và một chuyến thăm của Giáo hoàng.



Giáo Hoàng Francis
Đức Giáo hoàng Francis vừa tới thăm Sri Lanka trước khi tới Philippines.

Trao đổi với BBC hôm thứ Sáu, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nói:
"Là một giáo dân ở Việt Nam, tôi hiểu được tâm tư của những người Công giáo ở Việt Nam, cũng như của tôi, là một người giáo dân ở Việt Nam, ai cũng mong muốn Đức Giáo hoàng đến thăm đất nước mình."
Theo blogger Công giáo này, giáo dân Việt Nam đã có 'mong muốn' được đón tiếp một vị Giáo hoàng từ ít nhất 15 năm trước.
"Mong muốn Giáo hoàng đến Việt Nam là mong muốn từ rất lâu, không phải đến đời Đức Giáo hoàng Francis, mà từ đời Đức Giáo hoàng, Đức Thánh John Paul II, còn sống, thì người dân Việt Nam đã mong mỏi là được Đức Giáo hoàng đến thăm," ông Vinh nói.
"Cái mong mỏi đó theo tôi biết từ năm 2000 đến giờ cũng là một thời gian rất lâu, tôi thấy đấy là một nguyện vọng rất chính đáng của mỗi Giáo dân, trong điều kiện mà mỗi Giáo hoàng liên tục có các chuyến thăm đến các nước ngoài, đặc biệt có những đất nước đã đến được rất nhiều lần...
"Mặc dù như vậy, bao nhiêu năm nay người dân Việt Nam vẫn chưa được Đức Giáo hoàng đến thăm, nhưng đó vẫn là mong mỏi cháy bỏng của mỗi Giáo dân Việt Nam."

'Trở ngại quan hệ'







  Theo ông Vinh, trong quan hệ giữa Việt Nam và Vatican hiện nay vẫn còn tồn tại một cản trở chính, xuất phát từ việc chính quyền và Đảng Cộng sản vẫn muốn 'kiểm soát' đối với tôn giáo nói chung và công giáo nói riêng.
Blogger Công giáo nói: "Nó ngăn cản ở chỗ ý thức hệ trong một nhà nước độc tài không muốn cho một tôn giáo mà họ không kiểm soát được phát triển.
"Họ không muốn như vậy thì hẳn nhiên khi một cộng đồng Công giáo phát triển và đồng thời có những cuộc tập trung để thể hiện tình yêu mến của mình đối với vị Chủ chăn, thì có những cuộc tập trung vĩ đại này khác như ở Philippines hiện nay chẳng hạn, thì họ sẽ không muốn điều đó xảy ra.
"Bởi vì điều đó họ thừa biết rằng người dân với cặp mắt rất tinh tường người ta sẽ nhìn thấy được cái gì là chủ đích thật và cái gì là cái giả trước mặt họ...
"Chính là ở ý thức hệ và cái chính nữa là ở một thứ tôn giáo và họ hoàn toàn chưa thể khuynh loát được, chưa thể kiểm soát được, và hướng dẫn được nó đi theo quỹ đạo của mình thì họ chưa đồng ý.




"Tôi nghĩ rằng giả sử nếu Giáo hội Công giáo Việt Nam khi được chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong mọi ý thức, mọi hành động, mọi lĩnh vực, mọi bộ phận, thì tôi nghĩ rằng chuyện Giáo hoàng sang thăm có lẽ cũng là chuyện đã xảy ra từ rất lâu."
Nhà báo độc lập nhân dịp này đưa ra thông tin cho rằng có tới "2.500 cơ sở công giáo" cho tới nay vẫn bị "cướp đoạt" và ông cho rằng ở Việt Nam có một số 'tiến bộ' về mặt hình thức, nhưng về mặt bản chất, sự 'kiểm soát', 'đè nén' tôn giáo, trong đó có Công giáo vẫn không có sự thay đổi.
Tuy nhiên, theo blogger, Cuba qua việc 'hai lần đón Giáo hoàng' và một số diễn biến 'thả tù chính trị' gần đây cho thấy mặc dù vẫn là một quốc gia theo thể chế 'độc tài', nhưng họ đang có những biểu hiện 'đi đúng hướng'.

'Chiều hướng quan hệ'

Hôm thứ Sáu, một nhà nghiên cứu tôn giáo từ Hà Nội nói với BBC việc 'các đời Giáo hoàng' đi thăm các giáo dân ở các nước, trong đó có châu Á là ' bình thường' và ông cũng xác nhận giáo dân Công giáo Việt Nam có nguyện vọng đón Giáo hoàng tới thăm đất nước của mình.




Trao đổi với BBC hôm 16/1, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nói:
"Phải nói rằng các đời Giáo hoàng thăm các nước ở châu Á hoặc là Philippines thì nó là chuyện rất bình thường.
"Và tôi cũng được biết là giáo dân ở Việt Nam cũng có mong mỏi được gặp người đầu của một tôn giáo lớn."
Theo nhà nghiên cứu tôn giáo này, chưa có cơ sở để dự đoán liệu trong vòng 5 năm Việt Nam và Vatican có thể thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Đại sứ và Giáo hoàng có thể đến thăm Việt Nam hay không.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán song phương về bình thường hóa quan hệ vẫn đang diễn ra, theo ông Dương.
"Dự đoán thì tôi không dám nói, nhưng tiến trình từ Đại diện không thường trú, rồi hoạt động của Đại diện không thường trú, các cuộc họp đã họp tới 4 năm lần rồi.
"Và chiều hướng nếu hai nhà nước cũng như là Giáo hội mà có quan hệ ngoại giao thì tôi nghĩ là việc thăm nhau chính thức chắc là không có gì cản trở," nhà nghiên cứu nói với BBC.

Không có nhận xét nào: