Pages

Thứ Hai, 26 tháng 1, 2015

Vụ ra quyết định cưỡng chế vội vàng tại Hà Nội: Lãnh đạo huyện đùn đẩy trách nhiệm

Ngày 6.8.2014, Báo NTNN có bài phản ánh việc gia đình ông Lâm Văn Phu (thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) bị UBND huyện ra quyết định cưỡng chế trang trại rộng 16.000m2 với dự định sẽ cho đấu giá quyền sử dụng đất. Điều đáng nói là sau đó UBND xã lại cho 1 hộ khác thầu lại trang trại của ông Phu vì khu đất không nằm trong quy hoạch đấu giá được phê duyệt.

Sai đã rõ nhưng những cán bộ liên quan vẫn cố tình đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, trong khi người nông dân ngậm đắng nuốt cay vì thiệt hại quá lớn.

Khánh kiệt vì một quyết định

Sau cưỡng chế, UBND xã Nam Triều còn thu giữ của ông Phu một số tài sản gồm: Thức ăn gia súc, thóc, máy bơm nước, ngư cụ… Đến ngày 13.8.2014, sau khi ông Phu có đơn thì UBND xã Nam Triều mới đồng ý trả lại số tài sản trên cho ông Phu. Tuy nhiên so với thực tế, tài sản nói trên lại bị hao hụt khá nhiều.

                                     Ông Phu đang trao đổi với PV NTNN. Ảnh: Lưu Đào

Trao đổi với PV, ông Phu đau xót kể: “Khi đoàn cưỡng chế thu tài sản của tôi về UBND xã họ không lập biên bản. Lúc nhận lại tài sản, tôi thấy một số thứ bị mất gồm có 1 máy bơm nước, ngư cụ, phụ tùng máy móc. Ngoài ra thức ăn chăn nuôi cũng bị hụt 50 bao, số còn lại do quá hạn sử dụng nên tổng thiệt hại (về thức ăn gia súc) đã hơn 10 triệu đồng”.

Cũng vì bị cưỡng chế nên đàn vịt sinh sản hơn 300 con, ao cá hàng ngàn m2 cũng phải bán non, hệ thống chuồng trại, nhà kho… bị san phẳng. Tổng thiệt hại, theo ước tính của ông Phu, lên đến 1,2 tỷ đồng.

 “10 năm qua, gia đình tôi đã đổ nhiều mồ hôi, công sức, vốn liếng cho khu trang trại, quyết định cưỡng chế của UBND huyện Phú Xuyên đã đẩy gia đình tôi đến chỗ khánh kiệt” – ông Phu bức xúc!

Gia đình ông Phu đang vội vàng thu hoạch cá trước khi người khác nhận thầu ao. Ảnh: Trần Thụ

Trong cuộc làm việc với PV, ông Phan Cao Lạc – Chủ tịch UBND xã Nam Triều cho biết, UBND huyện ra quyết định cưỡng chế trang trại của ông Lâm Văn Phu vì khu vực này sẽ được sử dụng làm khu đất đấu giá – lấy vốn đối ứng để xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, đến thời điểm này UBND TP.Hà Nội không phê duyệt quy hoạch cho khu vực có trang trại của ông Phu. Như vậy, việc UBND huyện Phú Xuyên ra quyết định cưỡng chế trang trại của ông Phu là trái với quy định của Nhà nước.

 Đùn đẩy trách nhiệm

Trang trại của ông Phu bị cưỡng chế nhưng do quy hoạch đấu giá đất lấy vốn đối ứng để xây dựng nông thôn mới không được UBND TP.Hà Nội phê duyệt, ngày 12.1.2015, UBND xã Nam Triều lại đem đất… cho hộ ông Lâm Tuấn Anh thầu lại với thời hạn 3 năm.

Ngày 16.1, trao đổi với PV qua điện thoại về việc tréo ngoe này, ông Phan Cao Lạc- Chủ tịch UBND xã Nam Triều nói ngắn gọn: “Do không được cấp trên phê duyệt quy hoạch đấu giá quyền sử dụng đất nên UBND xã cho ông Lâm Tuấn Anh thầu” rồi cáo bận để chấm dứt trao đổi, hẹn trao đổi lại sau. Tuy nhiên từ đó tới nay, nhiều lần ông Lạc vẫn từ chối trao đổi với PV.

Trước đó, ngày 12.1, ông Lâm Văn Phu đã gửi UBND TP.Hà Nội và các cơ quan chức năng đơn tố cáo hành vi của ông Nguyễn Đình Chiêu – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên và ông Phan Cao Lạc – Chủ tịch UBND xã Nam Triều. Tuy nhiên đơn của ông Phu đều bị cơ quan có thẩm quyền chuyển trả về UBND huyện Phú Xuyên, sau đó UBND huyện Phú Xuyên lại “giao cho phòng kinh tế xem xét giải quyết”.

PV NTNN đã nhiều lần liên hệ để làm rõ vụ việc nhưng cán bộ huyện liên tục viện lý do bận họp để tránh mặt.
Trao đổi với PV qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Chiêu – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên - người ký quyết định cưỡng chế trang trại của ông Phu lại phủ nhận trách nhiệm khi nói rằng mình không nắm được sự việc và đẩy trách nhiệm cho cấp dưới (?).   
Người dân có thể khởi kiện để đòi bồi thường

Trao đổi với PV, luật sư Phan Xuân Toại – Công ty Luật Minh Tâm Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Nếu Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên không giải quyết vụ việc một cách hợp lý, đúng pháp luật, ông Phu có quyền khiếu nại việc này lên UBND TP.Hà Nội và UBND phải xử lý việc này. Nếu không ông Phu có thể khởi kiện ra tòa người ra quyết định cưỡng chế đã gây thiệt hại cho gia đình ông.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Lê Vinh – Văn phòng luật sư Văn Chương (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) nói: Ông  Phu có thể khởi kiện UBND huyện Phú Xuyên, UBND xã Nam Triều ra tòa hành chính – Tòa án nhân dân huyện Phú Xuyên đòi bồi thường thiệt hại do các quyết định hành chính gây ra. 

“Khu đất của ông Phu thầu với UBND xã tuy đã hết hợp đồng nhưng UBND xã chưa sử dụng vào mục đích gì thì nên tạo điều kiện cho người dân tận thu hoa màu và tài sản trên đất. Việc UBND huyện Phú Xuyên ra quyết định cưỡng chế được ví như hành vi hủy hoại tài sản của người dân”- luật sư Lê Vinh đánh giá.

Trần Thụ 

(Dân Việt)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tụi Qủy đỏ này Luật nhiều vô số kể (cả Tòa hành chánh nữa ) Nhưng chúng nó Xài Luật Đầu tiên (tiền đâu ) kg à. Chính Lưật đất đai Sở hữu toàn dân Nên làm Dân Khổ Quan giầu lên trên Xương Máu nguời dân .Đả đả