Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Cần chôn ba tấn mèo nhập lậu vào VN?



Giới chức Việt Nam vừa tiêu hủy cả ngàn con mèo bị bắt giữ trên đường nhập lậu vào Việt Nam với mục đích bán cho các nhà hàng ăn vì mèo được gọi là "tiểu hổ".
Gần 3 tấn mèo được cho là từ Trung Quốc bị nhốt chen chúc trong những chiếc lồng bằng tre và được vận chuyển trên một chiếc xe tải đưa về Hà Nội đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Theo lời một viên cảnh sát môi trường quận Đống Đa, Hà Nội cho biết hôm thứ Tư, số mèo này đã được đem đi tiêu hủy sợ ảnh hưởng tới môi trường và gây dịch bệnh.

Việc xử lý bằng cách đem đi chôn cả 1000 con mèo, trong đó có những con còn sống, đã khiến một số tổ chức bảo vệ động vật chỉ trích là vô nhân đạo.


Trả lời BBC Việt Ngữ, Giáo sư tiến sĩ Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật Việt Nam, cho biết việc tiêu hủy (có thể là thiêu đốt hoặc chôn) động vật ngoại lai và nhập lậu không có xuất xứ là đúng luật pháp của Việt Nam.

Ông nói một loài động vật nào muốn đưa vào Việt Nam đều phải được kiểm dịch mà những con mèo này được nhập trái phép, không biết xuất xứ, không biết nó sẽ gây bệnh tật gì cho các con vật khác hay cho sức khỏe cộng đồng hay không vì thế việc xử lý cho tiêu hủy là đúng pháp luật.

Mèo bị nhốt trong lồng tre đưa lậu vào VN

Trước chỉ trích của các tổ chức bảo vệ động vật gọi việc tiêu hủy số mèo này, trong đó có những con còn sống, là "vô nhân đạo", ông Huỳnh cho biết Việt Nam cũng có một số trung tâm cứu hộ như tại Sóc Sơn, Nam Cát Tiên hay Nghệ An, nhưng đợt bắt giữ mèo này có số lượng quá lớn vì thế phải xử lý ngay chứ không thể đưa vào các trung tâm cứu hộ.

"Mục đích cứu hộ là giúp các động vật đó khỏe mạnh trở lại và tìm môi trường thích hợp để thả về thiên nhiên. Nhưng trường hợp này vì số lượng quá lớn và không có xuất xứ nên được xử lý như động vật ngoại lai để bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng và bảo đảm an toàn cho môi trường của Việt Nam," ông Huỳnh nói.

Tuy nhiên ông Huỳnh cũng nói rằng việc tiêu hủy này cũng cần phải được thực hiện đúng quy trình để không ảnh hưởng tới môi trường.



Hình thức chôn lấp để tiêu hủy động vật được áp dụng khá phổ biến tại Việt Nam đặc biệt trong những đợt dịch cúm gia cầm.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty SOS môi trường, cho biết trong cuộc trao đổi với BBC Việt Ngữ rằng hình ảnh những con gà vịt còn sống bị lùa xuống các hố vôi rồi bị chôn sống xuất hiện khá thường xuyên trên truyền thông tại Việt Nam và nó rất phản cảm.

Tuy nhiên ông Sơn cũng thừa nhận một khó khăn mà những người chịu trách nhiệm xử lý phải đương đầu. Đó là ở Việt Nam chưa có một quy trình xử lý có bài bản và còn thiếu các trung tâm cứu hộ động vật, và vì vậy khi xảy ra trường hợp như thế này thì họ đành phải xử lý một cách tiêu cực là giết hết chúng, ông Sơn nói thêm.

Theo ông Sơn, chi phí để thành lập những trung tâm cứu hộ động vật, không chỉ riêng với gấu, mà cả chó mèo.v.v. thì có lẽ không cần tới những khoản tiền lớn vì thế nên chăng thành lập các trung tâm như vậy để giải quyết những lô hàng nhập lậu đặc biệt là chó mèo như đã xảy ra trong những năm gần đây

Trong khi đó, ông Đặng Huy Huỳnh thì gợi ý thêm rằng các cơ quan có trách nhiệm nên thảm khảo ý kiến của giới chuyên môn khi xử lý những trường hợp như thế này.

"Khi họ bắt giữ thì họ cũng không trao đổi gì và chúng tôi cũng không được biết mà chỉ biết qua đài báo. Đáng lẽ ra những trường hợp như thế này nên trao đổi với các nhà khoa học xem xử lý cách nào cho nó hợp lý."

Ông gợi ý trong tương lai có thể lập hội đồng và dựa vào ý kiến của giới chuyên môn để xem xét loại động vật gì, chúng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng như thế nào và trên cơ sở luật pháp Việt Nam thì nên xử lý như thế nào.

Không có nhận xét nào: