Pages

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2015

Nền kinh tế Việt Nam không mấy sáng sủa trong năm Ất Mùi

Mức tiêu thụ Tết của người Việt trong năm nay phản ảnh tình trạng khó khăn kinh tế đang bắt đầu.

Trước đây, nhiều chuyên viên kinh tế đã khuyến cáo chính quyền Hà Nội phải nhanh chóng thay đổi chính sách mới giúp cho nền kinh tế tiếp tục phát triển. Bà Wendy Jo Werner -Giám đốc Chương trình Thương mại và cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới tại Đông Á-Thái Bình Dương- nói rằng: “Bằng chứng rõ rệt nhất của khó khăn kinh tế tại Việt Nam là số doanh nghiệp trong nước buộc phải đóng cửa hay tạm ngừng kinh doanh trong 10 tháng đầu năm 2014 đã tăng 9%, trong khi số doanh nghiệp mới mở lại giảm 6.5% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp tư nhân hiện tại vẫn hoạt động ở tầm vóc nhỏ, gặp nhiều hạn chế bởi những khó khăn trong việc tiếp cận tài chính, nhu cầu tiêu dùng trong nước, cũng như cạnh tranh bình đẳng với khu vực quốc doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp quốc doanh có hiệu quả sử dụng vốn thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục là gánh nặng trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, cải cách doanh nghiệp quốc doanh sẽ rất quan trọng để nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh tế. Khu vực doanh nghiệp tư nhân cần phải được coi là động lực chính mới làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển”. 



Ông Sanjay Kalra -đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam- nói rằng: “Cải cách doanh nghiệp quốc doanh, trong đó cho phép cổ phần hóa và tham gia của khu vực tư nhân, là một yếu tố quan trọng của sự phát triển kinh tế Việt Nam. Loại bỏ đặc quyền nhiều ưu đãi, hỗ trợ mà doanh nghiệp quốc doanh đang được ưu đãi về đất đai, ngân hàng mới tạo ra một sân chơi bình đẳng với khu vực tư nhân. Giảm tình trạng quan liêu, nâng cao hiệu quả của đầu tư công và chi phí phi lao động cũng là điểm rất quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh.”


Ông Andy Ho là Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận đầu tư của Tập đoàn VinaCapital nói rằng trong năm 2015, VinaCapital chờ đợi thêm cơ hội mới từ cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh. 


Ông Louis Nguyễn- Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SAM- nói rằng các nhà đầu tư ngoại quốc đang chờ xem Việt Nam có những chuyển biến mới tích cực nào hay không trong vấn đề nới lỏng giới hạn quyền sở hữu ngoại quốc, tái cấu trúc ngành ngân hàng, cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh… 


Các nhà kinh tế ngoại quốc nói Việt Nam đang dự đoán mức tăng trưởng quá cao. Nếu không nhanh chóng cải cách sẽ đem lại nhiều tai hại rất lớn./Hồng Tú/SBTN

Không có nhận xét nào: